Mở đầu chương trình, Vân Hà và Miên Dương mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức
1/ DANH TÍNH HUNG THỦ VỤ MƯU SÁT ÔNG DONALD TRUMP.
Ngay sau khi vụ ám sát hụt cựu tổng
thống Mỹ Donald Trump xảy ra vào hôm thứ Bảy 13/7 tại thành phố Butler, cơ quan
FBI đã xác định được danh tính của hung thủ.
Người
này có tên là Thomas Matthew Crooks, người gốc vùng Bethel ở phía nam
Pittsburgh của tiểu bang Pennsylvania. Người thanh niên ở độ tuổi 20 ngay lập
tức đã bị bắn hạ bởi lực lượng chuyên bảo vệ các cựu tổng thống, tổng thống và
các yếu nhân. Hiện tại cơ quan điều tra chưa cho biết động cơ nào đã khiến thủ
phạm có hành động như trên và có đồng lõa hay không.
Cần
biết là hung thủ Crooks dường như đã bắn từ trên mái của một ngôi nhà, cách nơi
ông Donald Trump phát biểu khoảng hơn 100 thước. Y xử dụng khẩu súng trường
R-15, loại súng rất phổ biến tại Hoa Kỳ.
Tại
sở cảnh sát ở Butler, các nhà điều tra không loại trừ chuyện có thêm người khác
can dự vào vụ ám sát này. Hiện tại không còn nguy hiểm nào đối với dân cư
tại chỗ.
Theo dữ liệu của chính quyền Mỹ, người thanh niên này đã
từng ghi danh với tư cách cử tri đảng Cộng hòa. Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng
11 tới đây có thể là lần đầu tiên mà Thomas Crooks đi bỏ phiếu. Theo một tài
liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang, phụ trách giám sát việc thực thi luật về tài
trợ cho các chiến dịch tranh cử, vào năm 17 tuổi Crooks từng đóng góp 15 Mỹ kim
cho ActBlue, một tổ chức chuyên quyên góp tiền cho phe Dân chủ.
Trong khi đó người cha 53 tuổi của hung thủ cho biết ông đã
cố gắng tìm hiểu về những gì xảy ra và sẽ trao đổi với cảnh sát trước khi phát
biểu trước công chúng về con trai mình.
2/ NGA CẢNH CÁO
CÁC THỦ ĐÔ ÂU CHÂU CÓ THỂ LÀ MỤC TIÊU TRẢ ĐŨA.
Vào hôm qua 13/7, điện Kremlin cảnh cáo
Âu châu có nguy cơ sẽ phải hứng chịu các đòn trả đũa của Nga nếu Mỹ khai triển phi
đạn tầm xa tại Đức. Quyết định khai triển này được Hoa Kỳ và đồng minh đưa ra
trong dịp hội nghị thượng đỉnh NATO tuần qua tại Hoa Thịnh Đốn, nhằm răn đe nước
Nga.
Trong bài phát biểu trên đài truyền hình Nga, phát ngôn nhân
điện Kremlin, Dmitri Peskov, khẳng định là Âu châu sẽ là mục tiêu của các phi đạn của
Nga, cùng lúc đất nước Nga là mục tiêu của các phi đạn Mỹ. Nước Nga có thể đánh
chặn các phi đạn như vậy, nhưng các nạn nhân của một đòn trả đũa từ Nga có thể
là thủ đô các nước Âu châu.
Ông Peskov cho biết việc Mỹ khai triển các phi đạn tầm xa
có thể làm Âu châu bị tan rã, tương tự như việc Chiến tranh Lạnh kết thúc với
sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Nước Nga coi quyết định tái khai triển này của
Mỹ tại Âu châu như là sự trở lại với thời Chiến tranh Lạnh với cuộc khủng hoảng
phi đạn Âu châu vào cuối những năm 70 và trong thập niên 80, khi Mỹ và Liên Xô
khai triển phi đạn hạt nhân tại lục địa này.
Cuộc khủng hoảng chấm dứt với việc Mỹ và Liên Xô ký kết
Hiệp ước về Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, cấm bố trí tại Âu châu các hỏa tiễn
đạn đạo và hành trình, có tầm bắn từ 500 đến hơn 5 ngàn cây số. Tuy nhiên hiệp
ước này đã bị đình chỉ sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút lại vào
năm 2019, với cáo buộc nước Nga không tuân thủ hiệp định.
Quyết định khai triển tạm thời các phi đạn SM-6 và Tomahawk
có tầm bắn xa 1600 cây số, có thể mang đầu đạn hạt nhân tại Đức kể từ năm 2026,
vốn không được phép nếu hiệp định nói trên còn có hiệu lực.
3/ DO THÁI OANH KÍCH MỘT KHU TỊ
NẠN ĐỂ TIÊU DIỆT THỦ LÃNH HAMAS.
Quân đội Do Thái một lần nữa oanh kích
một khu vực tị nạn của người Palestine ở Al-Mawasi thuộc miền nam dải Gaza vào
hôm 13/7. Theo cáo buộc của bộ y tế ở Gaza, ít nhất 90 người chết và 300 người
bị thương trong vụ oanh kích này.
Mục tiêu của Do Thái là tìm cách hạ
sát nhân vật số hai của tổ chức Hamas, được coi là đầu não của vụ tấn công trên
đất Do Thái vào ngày 7/10 năm ngoái, khiến hơn 1200 người chết và 250 người bị
bắt làm con tin.
Đây là lần thứ 8 mà Do Thái tìm cách loại trừ Mohamed Deif.
Đối với nhiều người Do Thái, nỗ lực tiêu diệt thủ lãnh Hamas nói trên của Thủ
tướng Netanyahu có thể chặn đứng tiến trình đàm phán ngừng bắn và trả tự do cho
các con tin Do Thái.
Tại
Do Thái vào sáng hôm qua, dân chúng đặt câu hỏi về số phận của Mohamed Deif,
chỉ huy các lực lượng vũ trang Hamas ở Gaza, đồng thời là người tổ chức vụ tấn
công ngày 7/10 năm ngoái. Theo một số nguồn tin quân sự, được giới truyền thông
trích dẫn, nhân vật này đã bị trúng đạn trong vụ tấn công mới này.
Nhưng
đối với thủ tướng Do Thái, không có gì chắc chắn cho thấy Mohamed Deif đã chết.
Trong cuộc họp báo, được triệu tập sau cuộc oanh kích đẫm máu nói trên, Thủ
tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố ông tin là quân đội Do Thái đã không gây đủ
áp lực quân sự đối với tổ chức Hamas.
No comments:
Post a Comment