Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Hải Vân trình bày sau đây.
1/ LHQ LO NGẠI VỀ NGUY CƠ ÔNG Y QUYNH BDAP BỊ TRẢ VỀ VN
Vào hôm 4/7, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bdap, người sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốckêu gọi Thái Lan từ chối việc
dẫn độ ông Y Quynh và từ chối bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng
này phải hồi hương trong lúc ông đang mong được bảo vệ ở đất nước này.
Ông Y Quynh Bdap đã sinh sống ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông được Cao ủy Tỵ
nạn LHQ xác nhận là người tỵ nạn và đang chờ tái định cư sang nước thứ ba.Ông
bị kết án vắng mặt về tội “khủng bố”, có liên quan đến vụ tấn công ở tỉnh Đắc
Lắc vào đầu tháng 6 năm ngoái. Trong vụ án này, ông Y Quynh bị kết án 10 năm tù
sau phiên tòa xét xử 100 bị cáo.
Giới chuyên gia nhân quyền LHQ khẳng định phiên tòa tại VN là không đáp ứng các bảo đảm xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế. Họ nhấn mạnh là nếu bị dẫn độ, ông Y Quynh sẽ có nguy cơ bị mất tích, tra tấn hoặc bị ngược đãi nặng nề.
Bà Mary Lawlor, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền và là một trong 13 chuyên gia ký tên trong tuyên bố hôm 4/7, trước đó viết trên trang mạng là nếu Thái Lan trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam, Thái Lan sẽ không đủ tiêu chuẩn để được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ngoài ra, 13 chuyên gia nhân quyền còn cho hay họ đã bày tỏ sự quan ngại với cả Việt Nam và Thái Lan về các rủi ro của những người thiểu số Tây Nguyên đang lánh nạn tại Thái Lan.
2/ CÔNG TY VN BUÔN LẬU NHIÊN LIỆU MÁY BAY SANG MIẾN ĐIỆN
Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa lên tiếng cáo buộc một công ty Việt Nam cùng với một số doanh nghiệp Trung Cộng và Singapore đã buôn lậu nhiên liệu máy bay cho tập đoàn quân phiệt Miến Điện, bất chấp lệnh cấm của Hoa Kỳ và nước Anh.
Trong báo cáo được công bố vào hôm qua 8/7, tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết nhiên liệu máy bay vẫn được nhập lậu vào Miến Điện, bất chấp những lời kêu gọi ngăn chặn các nguồn cung cần thiết cho quân đội nước này. Theo tố cáo, tập đoàn quân phiệt Miến Điện đang lách các biện pháp cấm vận nhiên liệu máy bay, bằng cách nhập cảng nhiên liệu trực tiếp từ Việt Nam ít nhất 7 lần vào năm ngoái.
Ân xá Quốc tế nói hình thức nhập lậu này đã tiếp tục với ít nhất hai lần và có thể là ba chuyến hàng nhiên liệu hàng không đến Miến Điện trong 6 tháng đầu năm nay.Theo tổ chức nhân quyền này thì công ty Việt Nam tham gia vào việc buôn lậu nhiên liệu máy bay vào Miến Điện là công ty Hải Linh có trụ sở ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Phát ngôn nhân Yadanar Maun của tổ chức Công lý Cho Miến Điệnvào hôm qua tuyên bố là không có thể chấp nhận việc buôn lậu nhiên liệu nói trên của công ty VN. Lý do là vì tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã xử dụng các nhiên liệu này để mở rộng chiến dịch khủng bố trên không, gây thiệt mạng cho nhiều thường dân.
Tổ chức này cũng kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ khẩn cấp áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty Hải Linh.
3/ CHIẾN HẠM HOA KỲ GHÉ CẢNG CAM RANH
Soái hạm Blue Ridge của hạm đội 7 Hoa Kỳ và tuần duyên hạm Waesche của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ vào ngày 8/7 đã cập cảng Cam Ranh của Việt Nam, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại VN cho biết tin trên trong thông cáo phát đi cùng ngày. Mục đích của chuyến thăm cảng Cam Ranh của hai chiến hạm Mỹ lần này được nêu rõ là nhằm thúc đẩy hơn nữa mối Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.
Thông cáo cho biết các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm gồm các buổi trao đổi chuyên môn giữa hai phía.Ngoài ra thủy thủ đoàn của hai chiến hạm sẽ tham gia vào các hoạt động cộng đồng và giao lưu văn hóa với người dân tỉnh Khánh Hòa.
Soái hạm Blue Ridge là chiến hạm hoạt động lâu năm nhất của hải quân Hoa Kỳ và đây là lần thứ hai soái hạm này đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Theo thông cáo của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hạm đội 7 là hạm đội tiền phương lớn nhất của hải quân Hoa Kỳ. Hạm đội 7 thường xuyên có những hoạt động giao lưu với các nước đồng minh nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
4/ PHILIPPINES VÀ NHẬT BẢN KÝ HIỆP ĐỊNH PHÒNG THỦ Ở BIỂN ĐÔNG
Philippines và Nhật Bản vào ngày 8/7 đã ký hiệp ước phòng thủ cho phép quân đội mỗi bên được bố trí tại nước kia. Đây là thỏa thuận mang dấu mốc quan trọng như là một đối trọng đối với Trung Cộng tại Biển Đông.
Thỏa thuận này có tên là Hiệp định Tiếp cận Tương hỗ do Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa ký kết tại Manila trước sự chứng kiến của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Hiệp định này là khung hợp tác an ninh và huấn luyện giữa hai nước, trong đó có những cuộc diễn tập chung, tuần tra chung tại một số khu vực ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bị Trung Cộng tuyên bố chủ quyền.
Đây là thỏa thuận đầu tiên mà Tokyo ký với một quốc gia Á châu về phòng thủ. Nhật Bản đã theo đuổi việc ký kết thỏa thuận tương tự với một số quốc gia như Anh và Úc. Theo thỏa thuận vừa được ký kết, đây cũng đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nhật sẽ được trở lại Philippines kể từ sau thế chiến thứ hai.
Cần biết là Philippines cũng có một thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ vào năm 1999, cho phép quân đội Mỹ được hoạt động trên đất Phi. Hiện Hoa Kỳ được phép tiếp cận 9 căn cứ quân sự trên khắp đất nước Philippines, với chính phủ Mỹ cam kết khoản 100 triệu Mỹ kim để nâng cấp những căn cứ đó.
No comments:
Post a Comment