Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Tiến văn
Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng
các bạn công an, bộ đội thân mến,
Như anh chị em và quí vị đã biết, theo các cơ quan truyền
thông, báo chí của đảng Hồ Tàu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã qua đời lúc 13
giờ 38 phút trưa ngày 19/7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trước
đó 2 ngày, bọn chóp bu Hà Nội đã tổ chức lễ
trao cái gọi là Huân Chương Sao Vàng cho Trọng tại bệnh viện này, và hôm sau,
ngày 18/7, bọn chóp bu cũng ra một thông cáo về việc Tô Lâm được giao “quyền điều
hành” đảng Hồ-Tàu.
Thưa anh chị em và quí vị, việc Trọng chết trong khi
đang dang dở nhiệm kì 3 tổng bí thư là tin không gây bất ngờ với tất cả mọi
người quan tâm đến chính trị Việt Nam. Đây cũng là truyền thống thường xảy ra
trong mọi chế độ cộng sản - tất cả bọn lãnh đạo chóp bu đều ngồi ỳ trên ghế
quyền lực cho tới lúc chết. Không những thế, trong chế độ độc tài cộng sản,
không hiếm những kẻ ốm đau, bệnh hoạn sắp sửa chết còn được bầu vào chức vụ cao
nhất như Andropov, Chernenko thời Liên Xô. Nguyễn Phú Trọng cũng thuộc trường
hợp bệnh hoạn, sắp chết nhưng vẫn muốn và vẫn được bầu vào nắm giữ chức
vụ cao nhất bất chấp cả nguyên tắc, điều lệ do chính Đảng của y và chính bản
thân y đề ra.
Vào
đại hội 13 của đảng Hồ-Tàu tổ chức vào tháng 02 năm 2021, lúc này Trọng đã ở
tuổi.. 77 và, kì cục hơn, Trọng lại đang ở tình trạng bệnh tật xuống cấp từ vụ
tai biến mạch máu não tháng 04 năm 2019. Tuy
nhiên, bất chấp tình trạng sức khỏe, đại hội của đảng Hồ-Tàu vẫn bầu cho Trọng
được tiếp tục ngồi trên ghế tổng bí thư. Sau khi được bầu, Trọng đã có lời lẽ
tỏ vẻ khiêm nhường nhưng lại chứng tỏ lòng tham quyền lực của y vì chính y đã
chà đạp giới hạn tuổi, giới hạn nhiệm kì do điều lệ đảng qui định. Nếu thực sự
việc tiếp tục giữ ghế của Trọng là do ý muốn của đại hội thì câu hỏi đặt ra là
tại sao Trọng không dùng quyền từ chối của bản thân để mở đường cho những người
khác lên nắm quyền, đồng thời bảo vệ được nguyên tắc, điều lệ của tổ chức?
Song, như chúng ta đã phân tích nhiều lần, trong một
chế độ chính trị thoái hóa, suy đồi như Việt Nam hiện nay, tất cả những kẻ nắm
quyền đều hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo cho an ninh và quyền lợi riêng
tư của chúng ở mức cao nhất. Mọi vấn đề khác như nguyên tắc, điều lệ đều không
có ý nghĩa đối với chúng một khi chúng thấy không có lợi cho an ninh-quyền lợi
của chúng. Những gì mà chúng ta gọi là danh dự hay liêm sỉ càng không có chỗ
tồn tại trong chế độ này.
Tuy nhiên, trong việc Trọng tiếp tục nắm ghế nhiệm kì
3 liên tiếp bất chấp sức khỏe và điều lệ còn có một yếu tố khác không kém quan
trọng. Đó là chủ ý của những kẻ có mưu đồ muốn lợi dụng Trọng cho con đường
thăng quan, tiến chức hay đục khoét, tham nhũng.
Vào thời điểm đại hội 13, các phe nhóm đấu đá trong
đảng Hồ-Tàu không thể thống nhất cho một nhân vật nào lên giữ ghế tổng bí thư.
Kể cả các nhân vật được chính Nguyễn Phú Trọng chăm sóc, bảo trợ như Võ Văn
Thưởng, Vương Đình Huệ cũng đều không được các phe nhóm ủng hộ. Đơn cử, khi so
sánh về tuổi tác và thế lực, cả Huệ và Thưởng đều không thể có uy lực so với
những nhân vật khác như Tô Lâm hay Phạm Minh Chính. Chính vì vậy, Nguyễn Phú
Trọng là giải pháp trung dung nhất và có lợi nhất cho mọi phe nhóm trong đảng
Hồ-Tàu. Nhưng tất cả đều biết, bầu cho Trọng không phải vì tin hay phục tài
năng, bản lãnh của Trọng, mà chỉ vì không còn giải pháp nào tốt hơn cho bản
thân. Tất cả đều chấp nhận tình trạng trung dung này trong sự chờ đợi, phấp
phỏng cái chết chắc chắn sẽ tới với Trọng không lâu.
Đối với những kẻ thuộc phe cánh với Trọng, đó là sự
chờ đợi trong tâm thế gấp rút bòn rút những gì có thể trước khi Trọng chết.
Đối với những kẻ có ý đồ leo cao, giành ghế của Trọng
thì chờ đợi trong mưu đồ nhanh chóng lợi dụng sức khỏe suy sụp của Trọng sao
cho có lợi nhất cho tham vọng leo cao, thậm chí chiếm ghế của Trọng một khi y
chết.
Chúng ta hãy tưởng tượng tình cảnh của một kẻ đang nằm
trên giường bệnh, sức khỏe suy sụp mỗi ngày sẽ còn bao nhiêu sức lực và ý muốn
chống lại những chèo kéo thậm chí đe dọa kín đáo nếu không kí duyệt vào văn bản
đã soạn sẵn của những kẻ dưới quyền nhưng hoàn toàn có khả năng huy động sức
mạnh.
Vì vậy, chúng ta hoàn toàn không ngạc nhiên khi mọi
nhân vật bảo trợ của Trọng liên tiếp bị đá tung khỏi đấu trường, từ Đinh Thế
Huynh, Vương Đình Huệ, cho tới Võ Văn Thưởng.
Chúng ta cũng phải hiểu, chính cái gọi là chống tham
nhũng “đốt lò” do Trọng bày ra cũng là con dao hai lưỡi nhằm vào chính Trọng và
gia đình, thân thích của Trọng nếu Trọng có ý chống lại ý muốn của những kẻ
dưới quyền nhưng có lực lớn hơn Trọng.
Hoàng Ân cùng Tiến Văn
tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.
No comments:
Post a Comment