Wednesday, July 31, 2024

Mách cho công an

Chuyện Nước Non Mình

Thủ đoạn chiếm đất công làm của riêng rồi xây nhà bán đất chia chác cho nhau của những kẻ được gọi là tư bản đỏ đều được làm dưới sự đồng ý của những tên quan đương chức tham nhũng chứ chẳng phải ai xa lạ.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Mách cho công an” của Nguyễn Thông đăng trên trang mạng Tiếng Dân sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Nguyễn Thông / trang mạng Tiếng Dân.

Trên đời, làm cái nghề chỉ điểm, hai mang là đốn mạt nhất, bị thiên hạ khinh. Kiểu ấy không chơi. Thời trước năm 1975 ở miền Nam có câu “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” là dạng vậy.

Nhà cháu ăn cơm dân nên có trách nhiệm mách cho các chú công an nhân dân chuyện này, do có yếu tố “nhân dân”, tạm nghĩ là… đằng mình. Có thể các chú bận bịu không thấy, hoặc cố tình không thấy (tức là biết mà lờ đi). Có những thứ lâu quá rồi, có thứ cứ đụng vào là “nhạy cảm”, ngại. Càng để lâu càng ‘cứt trâu hóa bùn’. Vấn đề là, các chú có chịu làm hay không.

Vừa rồi, pháp luật đã ra tay với một số đương sự liên quan tới đường Vân Đồn ven kênh Bến Nghé (phần cuối kênh Tàu Hủ trong cặp kênh Đôi, bởi có 2 kênh cùng tuôn ra sông Sài Gòn nên được gọi là Đôi), ở quận . Gần nhất là bắt đại gia Nguyễn Thị Như Loan, chủ tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, trước đó bắt “đồng chí” Nguyễn Thị Hồng phó chủ tịch thành phố, trước tí nữa là bắt trùm cao su Lê Quang Thung và cả một lô một lốc ngành vàng trắng, xa nữa là bắt hai cựu sếp tôi ở báo Thanh Niên (tôi phải kể cho khách quan, chứ không thiên hạ lại bảo “nhất bên trọng, nhất bên khinh”). Tất cả đều dính đất đường Vân Đồn, vi phạm pháp luật về đất đai, đúng sai thế nào còn chờ cơ quan điều tra.

Xin nhớ rằng, con đường ven kênh ấy, đường Vân Đồn, trước năm 1975 hoang vắng lắm, nhà dân ít, chủ yếu là các xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất. Hồi năm 1977 tôi đã ở Sài Gòn, đi trên đường Hàm Tử mé này kênh, nhìn qua bên Vân Đồn, cứ nghĩ vùng phụ cận. Chỉ có 3 cây cầu chính (Khánh Hội, Chữ Y, Chà Và) nối hai bờ suốt nhánh kênh dài gần chục cây số. Từ quận Nhất, quận 5 qua quận rất khó khăn nên bao năm vùng quận (và cả quận 8 nữa) bị coi như thế giới cách biệt, cõi riêng, chậm phát triển, vùng sâu vùng xa. Nó cũng tương tự đứng bên này sông Sài Gòn, chỗ bến Bạch Đằng ngó qua chốn Thủ Thiêm vậy. Nhưng Thủ Thiêm chỉ có cỏ mọc lút đầu người, còn dọc đường Vân Đồn là doanh nghiệp đất rộng mênh mông. Sau 1975, bên thắng cuộc đương nhiên sở hữu tất cả những nhà máy, xí nghiệp ấy, đuổi hết bọn tư sản bóc lột lên khu kinh tế mới hoặc sang Mỹ.

Thế rồi, khoảng 25 năm trở lại đây những cây cầu được xây nối hai bờ kênh Tàu Hủ, trong đó có rạch Bến Nghé, khiến quận hội nhập rất nhanh với “nội thành”. Giờ đất quận đắt chẳng khác gì quận Nhất, quận 5, trên đường Vân Đồn có khi còn hơn. Quận không còn là căn cứ địa của giang hồ, băng nhóm, cờ bạc, trộm cướp nữa, mà của nhà giàu. Đúng là thế gian biến cái vũng nên đồi.

Vậy thì những nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất rộng mênh mông ngày trước đã biến đi đâu? Nó bị đám quan chức chính quyền, đám lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước dạng Nguyễn Thị Hồng, Lê Quang Thung móc nối với đám đại gia mới chiếm hết, biến đất đai công sản thành của riêng, xây các chung cư hoành tráng 3 – 4 chục tầng bán chia nhau lấy tiền bỏ túi. Chỉ có đất nước và nhân dân chịu thiệt.

Cứ ngó mà xem, đường Bến Vân Đồn từ cầu Nguyễn Văn Cừ ngược về cầu Khánh Hội sát bến Nhà Rồng nhan nhản những tòa nhà như vậy. Mới chỉ sờ tới khu đất 151-155 Bến Vân Đồn (thuộc Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội) và khu 39-39B Bến Vân Đồn của Tập đoàn Cao su, chứ nếu mò nữa lại chả ra cả lô cả lốc. Hãy điểm lại những khu nhà đồ sộ dọc con đường này, như Khánh Hội 1 – 2 – 3, Vạn Đô, Gold View, Orien, Grand Riverside, Rivergate, Millenium, Icon, Saigon Royal… rồi dò kỹ lại xem có vấn đề gì không, vướng víu gì với pháp luật. Nếu đó là nhà do nhà nước xây để bán cho dân, không bàn; nhưng hầu hết, nếu không nói trăm phần trăm, của các đại gia bất động sản, của tư bản đỏ. Ai đã duyệt, ăn chia thế nào, tiền chui vào túi ai, nhà nước được lợi gì, dân được gì từ cuộc mua bán chia chác ấy… cần được phanh phui.

Đừng thấy những tòa nhà hiện đại rồi bảo rằng thành phố đã thay đổi, hiện đại, văn minh hơn. Bài học Thủ Thiêm còn nhỡn tiền. Đều từ xương máu, nước mắt, mồ hôi của dân cả đấy.

 

No comments:

Post a Comment