Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân:Thưa anh Hướng Dương, vào ngày 15/8 sắp tới đây, CSVN sẽ đưa ông Nguyễn Chí Tuyến ra xét xử với tội danh gán ghép “tuyên truyền chống nhà nước”, xin anh nói thêm về ông Nguyễn Chí Tuyến và trường hợp vì sao ông ta bị bắt?
Hướng Dương:Vâng, thưa chị và quý thính giả, Viện kiểm sát thành phố Hà Nội đã quyết định truy tố ông Nguyễn Chí Tuyến với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào ngày 15/8 sắp tới.
Theo quyết định đưa ravào hôm 22/7, ông Nguyễn Chí Tuyếnsẽ bị xét xử sơ thẩm vào ngày 15/8 sau 5 tháng bị bắt tạm giam.Vụ án này sẽ được xét xử theo cái gọi là công khai tại tòa án thành phố Hà Nội ở phường Đại Kim thuộc quận Hoàng Mai.
Ông Nguyễn Chí Tuyến, năm nay 50 tuổi, là một trong những người nổi bật của phong trào biểu tình ở Hà Nội từ năm 2011 phản đối Trung Cộng liên quan đến các vụ đụng độ ở Biển Đông. Ông là thành viên sáng lập của nhóm No-U, tức nói “không với đường lưỡi bò” của Trung Cộng ở Biển Đông.
Bên cạnh việc tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, ủng hộ dân oan, ông còn là chủ nhân hai trang Anh Chí Râu Đen và AC Media trên Facebook, với hàng trăm bài nói chuyện được phát trực tiếp về nhiều chủ đề và số lượng người theo dõi tổng cộng lên đến 160 ngàn người.Ông bị bắt vào ngày 29/2 vừa qua, nhưng một tuần sau đó báo chí nhà nước mới đồng loạt đưa tin.
Vào ngày 24/7, ông Josef Benedict, chuyên gia khu vực của tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) , cho biết đây là vụ án nhằm bịt miệng một nhà đấu tranh đã bị sách nhiễu và đe dọa thường trực. Ông kêu gọi Hà Nội hủy bỏ những cáo buộc bịa đặt này và trả tự do cho ông Nguyễn Chí Tuyến ngay lập tức và vô điều kiện.
Từ khi ông bị bắt đến nay, gia đình của ông Tuyến chưa được thăm gặp mà chỉ được phép gửi quà vào trại tạm giam. Gia đình đã thuê luật sư Nguyễn Hà Luân bào chữa và vị luật sư này đã gặp ông trong trại tạm giam để chuẩn bị bào chữa cho phiên tòa sắp tới.
Ông Nguyễn Chí Tuyến là một trong bảy người bị bắt theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” kể từ đầu năm đến nay. Bị bắt trong cùng ngày với ông là nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một cộng tác viên của đài Á châu Tự do.
Bảo Trân:Và thưa anh, ngay cả sau khi chết đi, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể đàn áp người dân, đặc biệt là những người bất đồng quan điểm với chế độ… anh có thể nói thêm về trường hợp này không?
Hướng Dương:Quả thật đúng vậy thưa chị. Nhiều người bất đồng chính kiến hay gia đình các Tù nhân lương tâm bị công an canh trước tư gia trong thời gian diễn ra tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng. Trước đó vài ngày, một số nhà hoạt động nhân quyền đã bị công an mặc thường phục bắt cóc giữa đường và đưa đến đồn công an thẩm vấn.
Một nhà hoạt động giấu tên vì lý do an ninh cho biết, ông bị công an Thành Hồ vây bắt khi vừa ra khỏi nhà được vài trăm mét. Nhà hoạt động này sau đó bị đưa về trụ sở công an quận và bị thẩm vấn suốt 7 tiếng đồng hồ. Vì ông từ chối mở mật khẩu điện thoại nên ông đã bị công an đánh đập. Nhà hoạt động này cho biết ông liên tục bị mạ lỵ, chửi bới và được cảnh báo sẽ bị gây tai nạn hay một thảm kịch nào đó nhằm vào ông cũng như vợ con ông.
Cựu TNLT Lê Anh Hùng cho hay ông bị ít nhất 6 công an canh trước cửa nhà và tuyên bố ông không được đi đâu trong thời gian “nhạy cảm” này.
Nhiều nhà hoạt động khác cũng như gia đình một số TNLT cho ĐLSN biết rằng họ bị công an yêu cầu phải ở trong nhà trong thời gian diễn ra tang lễ ông Trọng. Tuy nhiên, vì tình trạng đàn áp khốc liệt, những người này không nêu danh tính.
Bảo Trân:Trong vụ án của Tịnh Thất Bồng Lai, giờ đây nhà cầm quyền lại quay sang đàn áp luật sư biện hộ, anh có tin thêm gì về việc này ạ?
Hướng Dương:Thưa chị, đó là luật sư Đào Kinh Lân, một trong những luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, vừa bị Đoàn Luật sư Sài Gòn xóa tên, theo quyết định đưa ra vào ngày 24/7.
Lý do đưa ra là vì Luật sư Đào Kim Lân “đã nợ phí thành viên liên tục nhiều năm” và quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Biện pháp tương tự của đoàn Luật sư Sài Gòn đối với hai luật sư khác cùng tham gia bào chữa trong vụ Tịnh thất Bồng Lai là Đặng Đình Mạnh và Nguyễn văn Miếng cũng được đưa ra vào tháng 4 vừa qua.
Cần biết là3 luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân thuộc nhóm luật sư bảo vệ cho Tịnh thất Bồng lai trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” đã đến Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2021.
Trước đó, vào đầu tháng 2 năm nay, cả năm luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng lai đã bị công an tỉnh Long An triệu tập nhiều lần để thẩm vấn. Theo cáo buộc của công an, các luật sư này đã vi phạm pháp luật khi công bố các tình tiết và bình luận của họ về vụ này trên mạng xã hội.
Sau khi 3 người trong số 5 luật sư từ chối đến làm việc theo giấy triệu tập, vào ngày 11/6 năm ngoái, công an đã đăng thông báo truy tìm họ. Đến ngày 19/6 năm nay, hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miểng đã đến Mỹ xin tỵ nạn, trong khi luật sư Đào Kim Lân cho biết ông đang ở một nơi rất an toàn và chuẩn bị cho một cuộc sống mới.
Bảo Trân:Để chứng minh cho tình nạn vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam, ngay cả những người hoạt động xã hội bảo vệ môi trường cũng không thoát khỏi sự đàn áp của nhà cầm quyền. Lại thêm một người hoạt động môi trường lại bị kết án phải không thưa anh?
Hướng Dương:Đúng vậy, thưa chị. Một toà án ở Hà Nội đã kết án chuyên gia môi trường Ngô Thị Tố Nhiên từ một tháng trước nhưng không công bố rộng rãi.
Tổ chức nhân quyền Project 88 vào hôm 23/7 trích dẫn ba nguồn thạo tin, trong đó có hai nguồn cho biết bà Tố Nhiênđã bị kết án 3 năm 6 tháng tù với cáo buộc “chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu và tài liệu của cơ quan”.
Phiên tòa xử kín diễn ra vào ngày 27/6, đúng một tháng trước khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu châu Josep Borrell chuẩn bị tới Hà Nội để đàm phán về vấn đề khí hậu.
Theo thông cáo báo chí của Project 88, phiên tòa không có người ngoài tham dự, và bản án vẫn chưa được công bố.Bà Nhiên bị công an Hà Nội bắt giữ vào ngày 15/9 năm ngoái, nhưng đến 5 ngày sau công an mới chính thức khởi tố bà.
Tổ chức Project 88 nói có nhiều bằng chứng cho thấy việc kết án bà Tố Nhiên có động cơ chính trị.Chẳng hạn như, công an quyết định không công bố việc bắt giữ bà và trong thời gian bị tạm giam, bà bị cách ly mặc dù không gây nguy hiểm cho xã hội.
Cần biết bà Tố Nhiên là chuyên gia khí hậu thứ sáu bị bạo quyền Việt Nam bỏ tù kể từ năm 2021. Trước đó, năm chuyên gia môi trường và xã hội dân sự là Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Nguỵ Thị Khanh, Bạch Hồng Dương và Hoàng Thị Minh Hồng đã bị kết án đến 5 năm tù với cáo buộc “trốn thuế.”
Project 88 cho rằng vụ bắt giữ bà Tố Nhiên là một phần trong chiến dịch đàn áp xã hội dân sự theo chỉ thị 24, được bộ chính trị cs VN ban hành vào tháng 7 năm ngoái với nội dung chính là các hoạt động chính sách, tài trợ nước ngoài và các nhà cải cách là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Trước khi bị bắt, bà Tố Nhiên cầm đầu VIETSE, tổ chức tư vấn năng lượng độc lập duy nhất hoạt động trong nước, vớisứ mệnh là “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam hướng tới một xã hội trung hòa carbon”.
No comments:
Post a Comment