Thursday, July 4, 2024

Gặp người TPB-VNCH ở khu phố Tàu Bangkok

Chuyện Nước Non Mình

Lưu vong xứ người mà gặp được đồng hương là một điều hay, dễ thông cảm, khi gặp người của chế độ cũ lại càng gần gũi hơn.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Gặp người TPB-VNCH ở khu phố Tàu Bangkok" của tác giả Huỳnh thị Tố Nga được đăng trên Saigon Nhỏ sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối nay.

Huỳnh Thị Tố Nga / Saigon Nhỏ 

Đến Thái Lan, khách du lịch hầu như ai nấy cũng đều phải một lần ghé qua China Town Bangkok, nằm trên đường Yaowarat thuộc quận Samphanthawong, và một đoạn của con đường Charoen Rung rộng lớn, là khu vực người Hoa cư ngụ và sinh hoạt rất sầm uất ở trung tâm thủ đô Bangkok. Lần gần đây, tôi cũng có dịp ghé lại khu phố Tàu lừng danh này.

China Town Bangkok tọa lạc ở địa điểm cổ xưa nhất của thành Bangkok, hình thành với những lớp người Hoa sang Xiêm buôn bán từ triều Rattanakosin khoảng năm 1700. Đến cuối năm 1891, vua Rama V cho mở mấy con lộ giao thông trong đó có đường Yaowarat là trục đường chính. Ngoài ra, những con đường Charoen Krung, Mungkorn, Songwat, Songsawat, Chakkrawat,… cắt trục đường chính và song song nhau.

China Town Bangkok là một trong những phố Tàu lớn nhất Châu Á, có lịch sử rất lâu đời. Nơi này buôn bán sầm uất với các mặt hàng đa dạng, chủ yếu là thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng. Thực phẩm mang nét đặc trưng của người Hoa, Thái Lan và Đông Nam Á, được ví như “thiên đường ẩm thực” đa dạng phong phú.

Người Hoa ở đây đa phần di dân từ xa xưa, từ đỉnh điểm là phong trào “phản Thanh phục Minh,” làn sóng di dân của người Hoa chạy sang các nước lân cận như Việt Nam, Thái Lan,… Chứ nếu ở hiện tại, với chính sách thắt chặt về người nhập cư rất khó để được mua bất động sản ở Thái. Người Trung Quốc hoặc người nước ngoài khó có thể di dân vào Thái Lan và không thể định cư lâu dài. Rất khác luật pháp Việt Nam, luôn hồ hởi đón dân Trung Quốc vào đất nước, dù biết rằng họa tàu cộng xâm lược về văn hóa và dân cư đang diễn ra và hậu quả nghiêm trọng khôn lường.

Chúng tôi rảo bước trên các con đường của trung tâm, vừa ngắm cảnh sầm uất vừa dự định mua chút ít đồ dùng sinh hoạt. Trên con đường Yaowarat, khi đi ngang qua một người đàn ông bị cụt hai chân, đang bày bán vé số. Khi nghe chúng tôi trò chuyện, ông nói: “Cẩn thận, ở đây cũng có thể bị móc túi.”

Nói ngoài lề một chút, Thái Lan hầu như rất ít xảy ra tệ nạn trộm cắp, móc túi. Luật pháp Thái Lan rất nghiêm khắc, hành vi trộm cắp bị xử rất nặng nên hầu như ở Thái Lan, “mọi người đi ngủ có thể không đóng cửa,” đây như là điều mơ ước của người dân Việt Nam. Do luật pháp nghiêm khắc và nền giáo dục đạo đức truyền thống được giữ rất tốt, người dân tự giác tránh làm điều xấu có hại cho người khác. Khi người đàn ông này nhắc, có lẽ do ở khu phố Tàu nhiều thành phần nhập cư mới cũ lẫn lộn nên mới xảy ra tệ nạn móc túi như vậy.

Nhưng điều chúng tôi ngạc nhiên và vui mừng hơn hết, vì biết người đàn ông là người Việt. Hỏi chuyện, mới biết ông là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, vì không thể sống nổi dưới chế độ cộng sản sau 1975, nên vượt biên sang Thái Lan và sống đến bây giờ đã 33 năm.

Ông là lính bộ binh thuộc Sư Đoàn 1, vì bị đạp mìn Bắc cộng mà đã mất cả hai chân. Nhìn ông mà chúng tôi xót xa, ở nơi đất khách quê người, một thân một mình lại tật nguyền, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, nói là dạo nhưng ông chỉ có thể ngồi một chỗ chứ hầu như ít di chuyển vì mỗi khi di chuyển rất khó khăn, vì vậy, việc kiếm thu nhập từ bán vé số lại càng khó hơn người bình thường. Nỗi vất vả nhọc nhằn mưu sinh hằn đậm trên gương mặt khắc khổ. Khi trò chuyện với chúng tôi, ông ít khi nhìn thẳng vào người đối diện, có lẽ sự khổ nhọc và tự ti đã ăn sâu vào bản tính, cho nên ông có thói quen nhìn xuống đất.

Cuộc sống quanh chúng ta vẫn tồn tại hằng sa số những số phận khốn khổ với những mảnh đời khác nhau. Những người lính, họ là những người càng đáng được trân trọng. Cho dù là ở chiến tuyến nào, người lính vẫn là những người phải bỏ xương máu vì chiến tranh, những người chết trên chiến trường, hoặc bị thương trở thành tật nguyền, súng đạn đã buông, sao còn rượt đuổi và khắc nghiệt với họ?

Chiến tranh là hậu quả của sự toan tính, của những tham vọng ích kỷ, của những kẻ khát khao quyền lực, bất chấp xương máu của đồng bào mình phải đổ xuống, rồi sau đó, khi mang tiếng là giành “độc lập,” những người lính ở bên kia chiến tuyến, phải bỏ mạng vì “cải tạo,” đi “kinh tế mới” mất mạng nơi rừng sâu nước độc, hoặc phải trốn chui trốn nhủi, bỏ gia đình, quê hương tha phương nơi đất khách quê người.

Ngay cả nửa thế kỷ sau, ở hiện tại, có bao nhiêu con người cũng phải rời bỏ quê hương dù lòng đau như cắt, để chạy khỏi chế độ luôn tuyên truyền do dân vì dân, nhưng quyết tâm đàn áp, triệt tiêu người đối lập bất đồng chánh kiến, thì thử hỏi, độc lập tự do ở chỗ nào, dân chủ, văn minh ra làm sao?

Người đàn ông tật nguyền trò chuyện với chúng tôi, là nhân chứng sống cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tôi và ông, là hai thế hệ khác nhau về thời gian và tuổi tác, nhưng trên đường đời, lại gặp nhau tại một điểm chung, là cùng nhau tha hương nơi đất khách, gặp nhau trong hoàn cảnh không mong muốn. Không biết nói gì hơn, tôi trân trọng đặt vào tay ông một ít tiền, xem như tấm lòng gửi đến ông, chỉ mong trên đường đời, ông có thể sống an lành, mạnh khỏe. Ông cũng không biết nói gì, chỉ cám ơn, lời ít nhưng ý nhiều.

Tôi xin phép ông cho tôi chụp vài tấm hình, để lưu giữ kỷ niệm và cũng để chia sẻ câu chuyện về ông với cộng đồng, mong rằng sau khi đọc bài viết này, sẽ có những tấm lòng hảo tâm hướng đến ông, hỗ trợ cho ông có thể vượt qua đoạn đường khó khăn phía trước.

Nếu độc giả nào có lòng, xin liên lạc: Chú Hoàng Trung, điện thoại: +66 64221-5768 (số điện thoại Thái Lan)

 

No comments:

Post a Comment