Mở đầu chương trình, Vân Hà và Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1) ẤN ĐỘ MUỐN ĐẦU TƯ NỬA TỶ MỸ KIM ĐỂ XÂY KHU BÀO CHẾ DƯỢC PHẨM TẠI VIỆT NAM
Ấn Độ đang có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu Mỹ kim để xây dựng một khu bào chế dược phẩm rộng hơn 500 mẫu tại VN.
Dự án này nếu xây dựng thành công sẽ biến VN thành một căn cứ lớn, chuyên nghiên cứu và sản xuất dược phẩm hàng đầu ở Đông Nam Á và thậm chí là thế giới.
Theo báo chí Ấn Độ, dự án nói trên được đề nghị trong phiên họp giữa giới doanh nhân Ấn Độ và Việt Nam, được tổ chức tại thành phố Hyderabad, một trung tâm sản xuất dược phẩm của Ấn Độ. Giới thiệu dự án này, ông Phạm Sanh Châu, đại sứ VN tại Ấn Độ, cho biết khu dược phẩm nói trên sẽ gồm các cơ xưởng của các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới.
Trong khi đó, báo chí lề đảng loan tin là tập đoàn Vingroup đã được Hà Nội cấp giấy phép để xây dựng một trung tâm sản xuất vaccine. Vingroup là một tập đoàn kinh doanh trong nhiều lãnh vực ở VN, với bước đi ban đầu là ngành xây dựng và mua bán bất động sản. Tập đoàn này hiện dồn nỗ lực vào việc xuất cảng loại xe Vinfast sang Mỹ và Âu châu.
2) MIẾN ĐIỆN ĐANG LÂM VÀO THẢM HỌA Y TẾ NHƯ ẤN ĐỘ
Chỉ sau 6 tháng đảo chánh quân sự, Miến Điện đang trực diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng về y tế, với số người nhiễm dịch Vũ Hán và tử vong đang gia tăng một cách chóng mặt.
Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết đây là “tình trạng lây nhiễm mất kiểm soát”, vì hệ thống y tế quá yếu kém và thiếu năng lực điều hành. Theo thống kê chính thức của tập đoàn quân phiệt, Miến Điện đang có 6,000 người nhiễm và 300 người chết mỗi ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia thế giới cho rằng con số chính xác phải cao hơn nhiều.
Cần biết là tính đến hôm nay, chỉ có hơn 1 triệu người dân Miến Điện được chích ngừa trong tổng dân số 54 triệu. Chính vì thế, thế giới đang lo ngại là Miến Điện sẽ trở thành “quốc gia siêu lây nhiễm dịch Vũ Hán” trong vài ngày tới. Đáng nói hơn nữa là sau cuộc chính biến và làn sóng phản kháng, các thiết bị và nhân viên y tế ngày càng thiếu hụt. Ngay cả việc viện trợ y tế cho Miến Điện cũng bị tập đoàn quân phiệt làm khó dễ, điển hình là 200 máy thở dưỡng khí do Singapore viện trợ vẫn chưa được phép chuyển giao.
3) PHIẾN QUÂN TALIBAN TỔNG TẤN CÔNG 3 THÀNH PHỐ LỚN Ở AFGHANISTAN
Tình hình chiến sự tại A Phú Hãn ngày càng thêm nóng bỏng sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút quân, với nhiều thành phố lần lượt rơi vào tay lực lượng quá khích Taliban.
Kể từ hôm thứ Bảy 31/7, quân đội A Phú Hãn đã gian nan chiến đấu, khi quân Taliban mở cuộc tấn công vào 3 thành phố: Herat, Lashkar Gah và Kandahar. Phi trường Kandahar trở thành mục tiêu hàng đầu của Taliban, vì đây là nơi xuất phát các cuộc oanh kích của quân đồng minh vào lực lượng này.
Cần nói thêm, lực lượng Taliban muốn chiếm Kandahar để đặt thủ đô của họ tại thành phố này, sau khi đã chiếm được nhiều quận huyện xung quanh. Tuy nhiên, đà tiến quân của họ đã bị cản trở bởi các cuộc không kích dữ dội của Hoa Kỳ và khối NATO trong mấy ngày qua.
4) TÂN THỦ TƯỚNG SAMOA HỦY BỎ DỰ ÁN HẢI CẢNG DO TRUNG CỘNG TÀI TRỢ
Đúng như lời tuyên bố khi ra tranh cử, bà Fiame Naomi Mata’afa, tân thủ tướng đảo quốc Samoa, đã chính thức dẹp bỏ dự án xây dựng hải cảng do Trung Cộng tài trợ với số vốn 100 triệu Mỹ kim.
Dự án nói trên do ông Tuila’epa Malielegaoi, người tiền nhiệm của bà Mata’afa, ký kết với Trung Cộng vào 2 năm trước, dẫn đến sự phẫn nộ của người dân Samoa, với kết quả là ông Malielegaoi bị thất cử trong cuộc tuyển cử vào tháng 4 vừa qua, chấm dứt 22 năm trị vì đảo quốc này.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hủy bỏ dự án nói trên, bà Mata’afa khẳng định là Samoa vẫn hoan nghênh các đầu tư của Trung Cộng, với điều kiện là phải mang lại các lợi ích thiết thực cho người dân Samoa.
Cần nói thêm, Samoa là một đảo quốc nhỏ bé ở nam Thái bình dương với dân số khoảng 200,000 người. Thế nhưng nước này đang mắc nợ Trung Cộng hơn 160 triệu Mỹ kim, chiếm 40% tổng số nợ công.
No comments:
Post a Comment