Monday, August 16, 2021

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, guồng máy cầm quyền độc tài, mờ ám, tham nhũng và  thiếu hiệu năng của CSVN đang trên đà gây đại họa cho dân tộc trong cơn đại dịch Vũ Hán.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hữu Vinh với tựa đề: “Một cuộc khủng hoảng toàn diện” sẽ được Song Thập trình bày, để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

 Nguyễn Hữu Vinh

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam một cách nhanh chóng và khó có thể kiểm soát. Và cho đến nay là không thể kiểm soát.

Chỉ trong vòng một tháng, con số người nhiễm bệnh được phát hiện đã tăng từ 10.000 ngàn lên 137.000. Mỗi ngày, con số nhiễm bệnh đã tăng lên đến 5 chữ số.

Thay vì đánh số bệnh nhân từng người, Bộ y tế trực tiếp công bố người nhiễm bệnh hàng ngày, nêu rõ tên, tuổi, lịch trình tiếp xúc… của từng người thì bây giờ tất cả chỉ còn một mớ nhiễm bệnh tăng chóng mặt.

Những cảnh bệnh viện không còn bác sĩ, bệnh nhân chết nằm cả ngày không ai quan tâm, cảnh vắng tanh vắng ngắt ở thành phố cả chục triệu dân như thành phố chết. Những video người dân đưa lên cảnh hàng ngũ quan chức, công an, cán bộ cùng lũ đầu trâu mặt ngựa được đảng cấp dùi cui thi thố màn bạo lực, quyền uy với dân chúng mọi nơi, mọi cách.

Những câu chuyện đói khát, những con người bị bỏ quên, những quan chức trốn biệt… đã rõ.

Những dòng xe cứu thương nối đuôi nhau chở xác vào Bình Hưng Hòa lặng lẽ không còn bấm còi, kéo đèn ồn ĩ trên đường xếp hàng lũ lượt im lìm…

Tất cả cho thấy một sự chết chóc và nguy cơ ngày càng cao.

Những dòng người rời khỏi Sài Gòn ùn ùn đổ về các tỉnh bằng mọi cách, bằng mọi giá, kể cả đi bộ, đã cho thấy những thảm cảnh đang diễn ra tại Việt Nam.

Một cuộc khủng hoảng toàn diện đã bắt đầu.

Khỏi phải phân tích sâu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Người ta biết rõ rằng, sau những cuộc tập trung khổng lồ những đám đông “mừng chiến thắng 30/4, sau những “ngày hội toàn dân đi bầu cử” theo chủ trương của đảng, là sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch mà những cuộc tập trung đó là cơ hội vàng để đại dịch bùng phát nhanh chóng và rộng khắp.

Trước tình hình đó, chính phủ thể hiện sự yếu kém, sự tắc trách, thiếu trách nhiệm và sự vô cảm của mình trước tính mạng người dân ra sao.

Những khu cách ly tập trung, trở thành những nơi truyền nhiễm virus. Những bệnh viện điều trị, trở thành những nơi mà người dân bị bỏ mặc. Những Chỉ thị hết 15 rồi 16… tất cả không hề tính đến người dân bị giam cầm, bị nhốt lại trong nhà sẽ sống bằng gì? Khi mà ngay cả không khí, nếu chỉ hít mà sống được thì cũng đã không đủ để hít thở.

Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn của người dân đã cho thấy nhiều điều.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về dòng người nườm nượp chạy khỏi Sài Gòn bằng xe máy, thậm chí có những người còn phải đi bộ trên quãng đường dài cả hơn ngàn cây số trong điều kiện nắng cháy da thịt miền Trung và Cao nguyên, người ta thấy ở đó một thảm kịch.

Những dòng người mẹ bế con còn bé bỏng, những cụ già, những thanh niên đông nghìn nghịt rời khỏi Sài Gòn để đi trên “con đường ngàn dặm” về quê, những vùng nông thôn trải khắp đất nước thể hiện cơn cùng quẫn đã đến mức họ phải chấp nhận mọi sự nguy hiểm, gian nan để mong tìm sự tồn tại cho chính mình và gia đình mình.

Bởi sự cứu trợ chủ là chỉ có của người dân giúp nhau cũng không thể đầy đủ mọi nơi mọi lúc.

Bởi với sự quá tải của hệ thống y tế hiện tại, nếu họ dính bệnh, họ cũng sẽ nhanh chóng trở thành những ma mồ côi, cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người mà khó ai biết đến.

Bởi họ không thể sống bằng những hy vọng hão huyền từ những lời hô hào, hứa hẹn của quan chức cộng sản, của chính phủ cộng sản.

Những dòng người từ trung tâm vùng dịch là Sài Gòn, tỏa về các tỉnh nườm nượp như đi hội. Ở đó có bao nhiêu người mang virus Covid-19 đi kèm? Hẳn nhiên, đó sẽ là một số lượng lớn.

Và lượng virus đó sẽ đi đâu?

Nó sẽ đi cùng người dân tỏa ra đủ khắp 64 tỉnh thành, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị.

Có lẽ điều ai cũng thấy dễ dàng, là xã hội Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng khá toàn diện.

Trước hết là khủng hoảng về dịch bệnh không thể kiểm soát. Không chỉ không thể kiểm soát về mức độ lây nhiễm, về các biến thể của virus, về dịch bệnh tăng từng ngày, mà còn là sự nhanh chóng quá tải của hệ thống Y tế nước nhà. Điều này đã được dự đoán, là nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền, nay đã diễn ra trên thực tế.

Ai cũng biết, với hệ thống y tế khi bình thường đã 4-5 người chen nhau một giường bệnh, thì khi dịch bệnh bùng phát điều gì xảy ra thì ai cũng hiểu.

Và như một quy luật tất yếu, bần cùng sẽ sinh đạo tặc. Khi không còn con đường sống, hẳn nhiên sẽ có lắm vấn đề về trật tự xã hội, đời sống con người sẽ xảy ra. Đó là một cuộc khủng hoảng về đạo đức, lối sống xã hội.

Nhưng, trước hết, sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin.

Lòng tin là điều mà xưa nay, đảng vẫn lạm dụng đến mức lì lợm từ người dân. Còn người dân Việt Nam vốn quá thừa thãi điều này, hoặc có thể họ thừa lòng tin, hoặc không còn cách nào khác cứ phải “tin, hoặc giả vờ tin”.

Thế nhưng, qua đại dịch này, những điều gì nhà nước, chính phủ và đảng thể hiện trước mắt người dân là khó che giấu và bản chất lộ rõ. Mọi người đều có thể nhìn thấy được bản chất của nó ra sao.

Vấn đề là khi đã nhìn thấy bộ mặt của đảng và nhà nước cộng sản rõ nhất, người dân sẽ làm gì với chúng?

No comments:

Post a Comment