Saturday, August 21, 2021

Chí Sĩ Phan Đình Phùng

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, hưởng ứng dụ “Cần Vương” của vua Hàm Nghi, cụ Phan Đình Phùng đứng ra chiêu mộ nghĩa quân ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Cụ lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa có quy mô và lâu dài nhất trong Phong trào “Cần Vương” vào cuối thế kỷ 19. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Chí Sĩ Phan Đình Phùng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việc quân, vâng mệnh trải mười Đông,

Chiến sự, nay còn tính chưa xong.

Dân đói kêu trời, tan ổ nhạn,

Quân thù chật đất, dậy đàn ong.

Cửu trùng, thánh chúa nơi quê lạ,

Bốn bể, nhân dân chốn lửa hồng.

Trách vọng càng cao, lo lại lặng,

Tướng môn, những thẹn với anh hùng.

Đó là 8 câu thơ của chí sĩ Phan Đình Phùng viết trước khi lâm chung.

Hưởng ứng phong trào “Cần Vương” của vua Hàm Nghi để chống Pháp vào cuối thế kỷ 19, cụ Phan Đình Phùng đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê,

Chí sĩ Phan Đình Phùng sinh năm 1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình khoa bảng. Cha là Phó bảng Phan Đình Tuyến, hai bác là chí sĩ Phan Đình Thông, cử nhân Phan Đình Thuật và chú là Phó bảng Phan Đình Vận.

Năm 1876, cụ Phan đỗ cử nhân. Năm sau, thi đậu Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sau đó, thăng chức Ngự sử Đô sát viện.

Tại triều đình, cụ Phan tố cáo nhiều vụ khuất tất và tham nhũng, nên được vua Tự Đức khen ngợi về tánh cương trực.

Năm 1882, Cụ dâng sớ tố cáo Thiếu bảo Nguyễn Chánh về việc “ứng binh bất viện” (tức cầm quân mà không đi tiếp viện) khi quân Pháp tấn công thành Nam Định“không quan tâm đến dân tình ở Bắc Kỳ.

Năm 1883, do bất đồng quan điểm với Thái sư Tôn Thất Thuyết về việc phế vua Dục Đức lập vua Hiệp Hòa nên Cụ bị cách chức. Năm 1884, Cụ được phục chức và được bổ làm Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh.

Năm 1885, vua Hàm Nghi tổ chức lật đổ quyền thống trị của thực dân Pháp nhưng không thành, nên rút ra vùng Tân Sở của tỉnh Quảng Trị ban hịch Cần Vương. Cụ Phan bỏ mối hiềm khích riêng, cùng với Tôn Thất Thuyết tổ chức kháng chiến chống Pháp.

Mặc dù đang chịu tang mẹ, Cụ vẫn đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để chiêu mộ nghĩa quân, được vua Hàm Nghi phong chức Tán lý Quân vụ, lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn cứ tại 2 huyện Hương SơnHương Khê thuộc Hà Tĩnh.

Phụ giúp Cụ còn có tiến sĩ Phan Trọng Mưu, cử nhân Phan Quảng .v.v. và rất nhiều võ tướng như Cao Thắng, Cao Nữu, Lê Ninh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Can .v.v.

Nghĩa quân do Cụ chỉ huy có kỷ luật nghiêm minh và được giảng dạy các chiến thuật linh hoạt. Do đó suốt 10 năm (từ năm 1885 đến năm 1896), nghĩa quân do Cụ lãnh đạo đã giao chiến nhiều lần và gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp, tiêu biểu là trận đánh tại Vụ Quang vào ngày 17/10/1894 làm cho hàng trăm quân Pháp bị tử thương, tịch thu nhiều vũ khí.

Thấy không thể dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa Hương Khê, quân Pháp dụ dỗ, mua chuộc Cụ bằng cách lợi dụng các quan đồng nghiệp của Cụ là Lê Kinh Hạp, Phan Trọng Mưu, Võ Khoa, Hoàng Cao Khải, viết thư để khuyên hàng nhưng Cụ vẫn một lòng cự tuyệt. Mặt khác Pháp dùng Nguyễn Thân và một số quan lại ra sức đàn áp, bắt giam thân nhân và khai quật mồ mả tổ tiên Cụ, nhưng vẫn không làm Cụ sờn lòng.

Năm 1895, Pháp điều động Nguyễn Thân phối hợp với Công sứ Nghệ An là Duvillier đem 3 ngàn quân tiêu diệt nghĩa quân Hương Khê. Quân chủ lực của cụ Phan bị chận đường tiếp tế nên thiếu thốn lương thực và vũ khí. Trong một trận giao tranh ác liệt, Cụ bị thương nặng và qua đời vào ngày 28/12/1895.

Sang đầu năm 1896, nhiều cấp chỉ huy nghĩa quân lần lượt hy sinh vì “sương lam chướng khí” nơi rừng thiêng nước độc, một số tử trận hay bị bắt, một số khác rút qua Thái Lan hoặc ra đầu hàng… nên cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo bị tan rã.

*****

Tương tự như nhiều cuộc khởi nghĩa khác, cuộc khởi nghĩa Hương Khê là một bằng chứng cho thấy tinh thần quật cường của con dân nước Việt trong công cuộc chống ngoại xâm, dựng lại nền tự chủ ngàn đời cho dân tộc.

Một điểm sáng ngời hơn nữa là cuộc khởi nghĩa của chí sĩ Phan Đình Phùng hoàn toàn dựa vào sức mạnh và chính nghĩa của dân tộc, chứ không phải cầu viện ngoại bang hoặc vay mượn lý thuyết và chủ nghĩa ngoại lai như Hồ Chí Minh.

Các nghĩa quân Hương Khê hiểu rõ câu huấn từ của Tổ tiên là “đất nước hưng vong, thất phu hữu trách”. Việc đứng lên hưởng ứng Hịch Cần Vương không phải là nỗi xúc động nhất thời vì muốn tận trung với vua, mà là muốn khôi phục lại nền độc lập tự chủ của nòi giống Tiên Rồng như các bậc Tiền nhân đã từng “diệt Hán, phá Tống, bình Chiêm, thắng Nguyên và đuổi Thanh”.

Hiện chế độ cộng sản đang cố loại bỏ các trang sử hào hùng của các triều đại phong kiến, bằng cách viết trang sử mới để tuyên truyền cho chủ nghĩa CS. Nhưng cho dù đảng CSVN có muốn chối bỏ hay xuyên tạc lịch sử đến đâu chăng nữa, thì tên tuổi cụ Phan Đình Phùng và các nghĩa quân Hương Khê vẫn có vị trí sáng ngời trong lòng con dân nước Việt, những người còn tha thiết đến vận mệnh đất nước và hạnh phúc của toàn dân./.

No comments:

Post a Comment