Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua.
Bảo Trân: Thưa anh HD, chúng ta nhận được nhiều tin rất bi quan về tình hình dịch bịnh Vũ Hán tại Việt Nam. Không những thế, nền kinh tế của VN cũng đang đứng trước đà phá sản, nhiều công ty phải đóng cửa vì dịch bịnh, anh có thêm chi tiết gì về việc này?
Hướng Dương: Bộ kế hoạch và đầu tư VN cho biết là gần 80 ngàn công ty đã ngưng kinh doanh trong vòng 7 tháng qua vì đại dịch Vũ Hán. Theo thống kê của bộ này, trong vòng 7 tháng đầu năm nay, có đến 79 ngàn công ty rút khỏi thị trường, tức tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, trong số đó có rất nhiều công ty thuộc loại lớn. Nguyên nhân chính yếu là vì các công ty đang trực diện với các khó khăn như thiếu vốn liếng, chi phí vận chuyển quá cao, các giới hạn lưu thông hàng hóa trong mùa dịch và không được hỗ trợ từ nhà nước.
Trong khi đó Hiệp hội Ngân hàng VN cho biết là tính từ tháng 6 năm ngoái đến nay, các công ty đang nợ thêm gần 30 tỷ Mỹ kim và có nguy cơ trở thành các món nợ khó đòi.
Bảo Trân: Thưa anh, riêng tại Bình Dương, người dân đang đối diện với nguy cơ hết thực phẩm phải không ạ?
Hướng Dương: Thưa chị, Trong chuyến thị sát tỉnh Bình Dương vào hôm thứ Ba 24/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tận mắt chứng kiến nhiều khu dân cư giăng biểu ngữ cầu xin cứu trợ lương thực.
Trước tình hình nói trên, ông Đam đã ra lệnh cho nhà cầm quyền Bình Dương phải gấp rút phân phát lương thực cho dân để ngăn chận nạn đói. Tuy nhiên vào hôm thứ Tư 25/8, quân đội VN đã điều động 2 ngàn binh sĩ đến tỉnh này sau khi nhận được báo cáo là người dân đã nổi dậy đốt phá các khu cách ly vì không thể chịu đựng được điều kiện sinh hoạt quá tồi tệ và thiếu chăm sóc y tế ở các nơi này.
Cần biết là suốt hai tháng qua, Bình Dương đã bị phong tỏa ngặt nghèo, với nhiều tuyến đường ra vào bị bịt kín bởi các tảng bê tông. Tuy nhiên số người bị nhiễm dịch vẫn tăng nhanh, với hơn 77 ngàn người bị nhiễm và 640 người tử vong, tính đến ngày hôm thứ Tư 25/8.
Và thưa chị, liên tiếp hai ngày 21 và 22/8, hàng trăm người đang bị cách ly trong Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương đã nổi dậy, dùng gậy gộc phá chốt kiểm dịch của công an để yêu cầu nhân viên y tế đến cấp cứu cho nhiều người bệnh nặng. Hôm 21/8, vụ nổi dậy được châm ngòi sau khi một thai phụ bị nhân viên y tế bỏ mặc dẫn đến tắt thở. Em trai người phụ nữ này sau đó đã phải chở chị gái trên chiếc xe gắn máy đến bệnh viện cấp cứu. Hiện chưa rõ thai phụ có được cứu sống không.
Sự việc tiếp diễn vào hôm sau, khi nhiều người trở bệnh nặng, một số người đã chết trong tình trạng bị bỏ mặc. Không một công an hay nhân viên y tế nào có mặt kịp thời khi người dân cần trợ giúp. Nhưng chỉ vài phút sau cuộc nổi dậy, hàng trăm công an, cảnh sát cơ động xuất hiện tức thì với vũ khi trên tay. Công an bắc loa kêu gọi người biểu tình giữ bình tĩnh, tin tưởng vào sự quan tâm, săn sóc của cơ quan chức năng. Đáp lại, là những tiếng la ó, phản đối đầy tức giận của người dân.
Bảo Trân: Riêng tại Sài Gòn, thưa anh, việc Phan Văn Mãi bất ngờ lên làm chủ tịch thay Nguyễn Thành Phong, việc này ra sao thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, đúng như dự đoán, Phó Bí thư Phan Văn Mãi được chỉ định làm Chủ tịch Thành Hồ sau khi Nguyễn Thành Phong bị chuyển ra Hà Nội làm Phó Ban Kinh tế Trung Ương. Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Thành Hồ khóa X được tổ chức sáng hôm qua ngày 24/8.
Phan Văn Mãi sinh năm 1973, quê xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Theo báo chí lề đảng, Phan Văn Mãi có bằng thạc sĩ Quản lý kinh tế. Mãi được Bộ Chính trị đưa vào vị trí Phó bí thư Thường trực Thành Hồ nhiệm kỳ 2020-2025 từ ngày 1/6/2021. Chỉ hơn hai tháng sau, Mãi đã đẩy được Nguyễn Thành Phong ra khỏi chiếc ghế Chủ tịch thành phố. Ngay khi cầm quyền, Mãi lập tức áp dụng tình trạng “thiết quân luật” nhằm kiểm soát dân chúng chặt chẽ hơn dưới chiêu bài “chống dịch”. Điều đó chứng tỏ phe cánh của Mãi đang chiếm ưu thế trong cuộc tranh giành quyền lực.
Chắc chắn bộ đôi quyền lực Nên- Mãi sẽ dùng chính sách cai trị hà khắc hơn lên người dân Sài Gòn so với những nhân vật tiền nhiệm.
Bảo Trân: Thưa anh HD, trong lúc Việt Nam ngày càng nhận được nhiều việc trợ vaccine từ các nước phương Tây, nhưng người dân Sài Gòn bị bắt buộc phải chích vaccine của Tàu cộng. việc này là như thế nào thưa anh?
Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị, nguồn tin đã được kiểm chứng gửi tới đài ĐLSN cho hay, nhiều người dân tại Sài Gòn buộc phải chích vaccine Vero Cell của Tàu vì không còn lựa chọn nào khác. Quy trình cho một lần tiêm vaccine Tàu là, tổ trưởng khu phố sẽ phát phiếu tiêm chủng cho người dân. Sau đó, người dân mang theo phiếu này đến điểm tiêm chủng, nơi họ sẽ được lựa chọn loại vaccine mà họ muốn. Tới nơi, nhân viên y tế sẽ trả lời rằng không còn loại vaccine nào khác ngoài thuốc do Tàu cộng sản xuất. Vì vậy, một là đồng ý tiêm, hai là ra về mà không có sự bắt ép nào. Tuy nhiên, người chưa chích ngừa sẽ không thể di chuyển đến phường, quận khác dù có giấy thông hành như phiếu đi chợ hay đi khám chữa bệnh nếu không kèm theo chứng nhận đã tiêm phòng. Ngay cả việc đi khám chữa bệnh trong phạm vi địa phương, không qua các chốt kiểm dịch, bác sĩ cũng sẽ từ chối bệnh nhân nếu người này không trình được giấy chứng nhận tiêm phòng. Các shipper, các thiện nguyện viên cũng phải có giấy chứng nhận đã chích ngừa mới được di chuyển dù họ đã được cấp giấy lưu thông liên quận.
Điều này đồng nghĩa với việc trên lý thuyết, người dân có quyền từ chối thuốc Tàu nhưng thực tế, họ không còn lựa chọn nào khác là phải đồng ý tiêm loại vaccine này như một điều kiện bắt buộc cho sự tồn tại của bản thân trên đất Sài Gòn.
No comments:
Post a Comment