Friday, August 13, 2021

Đừng hy vọng để khỏi thất vọng

Quan Điểm

Bà phó TT Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ đến Việt Nam trong vài tuần tới, người Việt Nam nói chung và những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam mong đợi gì trong chuyến công du này? Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ, sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Lực Lượng Cứu Quốc

Thưa quí thính giả,

Hoa kỳ đã nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1995, trong 21 năm qua nhiều quan chức cao cấp hai nước đã gặp gỡ và thăm viếng nhau thường xuyên. Theo sự sắp hạng về chính sách ngoại giao của VN, họ chia ra làm 5 bậc, căn cứ vào mức độ tin tưởng và quyền lợi hỗ tương, cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, ở bậc này, VN có 3 nước là Tàu Cộng, Nga và Ấn Độ.  Tiếp đến là đối tác chiến lược, VN có quan hệ với 17 nước. Thứ ba là đối tác toàn diện, VN có  quan hệ với 13 nước, trong ấy có Hoa Kỳ. Thứ tư là đối tác chiến lược lĩnh vực, và thấp nhất là quan hệ đặc biệt. Hoa Kỳ không sử dụng cách xếp hạng này trong chính sách đối ngoại.

Cho đến nay quan hệ ngoại giao giữa HK-VN ở mức độ đối tác toàn diện, nghĩa là dưới cái nhìn của CSVN, HK chỉ ngang hàng với Nam Phi, Hà Lan, Chí Lợi, Ukraine….mà thôi. Do đó chính quyền Joe Biden mong muốn nâng lên tầm đối tác chiến lược, như lời trình bảy của tân đại sứ HK ở VN là Marc Knapper.

Đối với người dân VN nói chung và nhất là những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền, chắc chắn mong muốn mối quan hệ HK-VN phải ở mức đồng minh, chứ không chỉ ở mức chiến lược toàn diện mà thôi. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì căn cứ vào những gì đã và dang diễn ra trong gần nửa thế kỷ qua, HK đã hào phóng hỗ trợ VN trên nhiều lãnh vực. Với hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt, cộng đồng này là nhịp cầu nối kết hai quốc gia một cách bền vững, và mỗi ngày mỗi phát triển thêm lên. Cứ nhìn vào lãnh vực giao thương thì rõ.

Một cách cụ thể, phía HK, ngoài những lần thăm VN của các vị tổng thống, từ Bill Clinton, Bush 43, Barack Obama, Donald Trump, còn có hàng trăm viên chức trong các lãnh vực chuyên môn đã đến VN. Mới hai tuần trước đây, bộ trưởng QP Lloyd Austin đã chính thức thăm VN; và hiện nay HK đang chuyển hàng chục triệu liều thuốc chủng Covid-19 và những dụng cụ y tế đắt tiền khác cho Việt Nam qua cơ quan USAID, COVAX và các tổ chức khác.

Tòa Bạch Ốc cũng đã mở cửa chào đón các lãnh tụ đảng CSVN, từ Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang đến Nguyễn Phú Trọng. Chắc chắn không phải vì đảng CSVN mà là vì hơn 90 triệu người dân xứ này.

Nhưng đối với đảng CSVN thì lại hoàn toàn khác. Khi được hỏi về chuyến viếng thăm của phó TT Mỹ Kamala Harris, bà Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao nói rằng: “Việt Nam hoan nghênh lãnh đạo các nước, trong đó có lãnh đạo Mỹ, đến thăm Việt Nam”, câu nói ấy xác minh rằng HK cũng như bất cứ nước nào khác, đến thì chúng tôi hoan nghênh, thế thôi!

Cũng trong cuộc trả lời báo chí hôm 5/8/2021 Bà Hằng còn nhấn mạnh:  “Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Việt Nam, không đi với nước này để chống lại nước khác”. Đây là một trong chính sách 4 không của VN. Chẳng những  vậy, xuyên qua các động thái mà HK đã và đang hỗ trợ VN, đảng CSVN còn cố ý diễn giải rằng đây, chẳng qua là trách nhiệm HK phải đền bù cho các sai lầm và tội ác của họ đã gây ra cho VN!

Trở lại với chuyến đi sắp tới của bà Kamala Harris, lần này cũng như những lần thăm VN trước đây của các vị TT; họ đều nhận được những kiến nghị, những yêu cầu bày tỏ nguyện vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Còn đối với các lãnh tụ CS đến từ Hà Nội, thì thường phải đối mặt với những cuộc xuống đường phản đối rất đông đảo.

Điểm nhấn trong mấy chục năm qua mà cộng đồng người VN ở hải ngoại kiên trì đấu tranh, là tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống của chế độ độc tài toàn trị của CSVN. Dựa vào chính sách ưu tiên nhân quyền của T.T. Joe Biden, nhiều tổ chức đang vận động để vấn đề này có trong nghị trình của bà Harris.

Tuần qua Mạng Lưới Nhân Quyền VN và Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền đã phổ biến một thư ngỏ gửi bà phó TT. Chắc chắn thư này đã đến văn phòng của bà, kết quả thế nào chúng ta hãy chờ xem.

Nhưng có ba điều mà người dân VN và những người đấu tranh đã biết trước, một là CSVN sẽ tiếp tục duy trì chính sách 4 không, hai là cấp độ ngoại giao VN- HK luôn phải thấp hơn Trung Cộng. Ba là VN tiếp tục đi dây để một tay nắm TC, hầu duy trì vị trí độc tôn lãnh đạo đất nước, tay kia nắm HK để được vỗ béo cho đảng.

Do đó mọi công cuộc đấu tranh để giải thể chế độ CS độc tài vẫn phải duy trì và đẩy mạnh, không quá hy vọng để rồi phải thất vọng. Tinh thần tự chủ và độc lập nằm trong tay chúng ta, đừng để mất đi.

Cảm ơn quí thinh giả đã theo dõi bài QD của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment