Sunday, August 22, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật 22.08.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải

1) CÔNG AN VIỆT NAM ĐƯỢC CẤP THÊM 150 TỶ ĐỒNG ĐỂ CHỐNG DỊCH TRONG CÁC TRẠI GIAM

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chi thêm 150 tỷ cho công an để lực lượng này chống dịch Vũ Hán trong các trại giam, nâng tổng số tiền mà công an nhận được để bảo đảm an toàn cho các trại giam trong khi nhiều địa phương phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm cúm Vũ Hán gia tăng.

Trong số tiền cấp thêm này, 24,6 tỷ đồng được phân bổ dưới dạng phụ cấp dành riêng cho lực lượng công an quản lý trại giam và trại tạm giam. Khoản chi còn lại để cho việc khám chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị chống dịch, và thuốc men cho các trại giam và trại tạm giam.

Nhà cầm quyền CS Việt Nam cho tới nay chưa công bố thông tin về tình trạng lây lan dịch cúm Vũ Hán trong các trại giam, duy chỉ có trại tạm giam Chí Hoà ở Sài Gòn đã được xác nhận bị lây nhiễm. Một số thân nhân của các tù nhân chính trị cũng cho biết thông tin về việc dịch bệnh lây lan ở trại tạm giam Bố Lá ở Bình Dương, tuy nhiên đến nay nhà chức trách không xác nhận thông tin này.

2) SÀI GÒN VÀ VINH PHẠT 12 CHỦ TÀI KHOẢN FACEBOOK VÌ ĐƯA TIN VỀ ĐẠI DỊCH CÚM VŨ HÁN

Nhà chức trách ở Sài Gòn và Vinh đã xử phạt 12 chủ tài khoản Facebook với cáo buộc cung cấp, chia sẻ và đăng tải “thông tin sai” làm dân chúng hoang mang về công tác phòng chống dịch tại hai địa phương trên.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Sài Gòn, từ ngày 09/8 đến 19/8, nhà chức trách của thành phố này đã phạt 8 chủ tài khoản với mức xử phạt hàng triệu đồng do đăng  tin gây hoang mang về cách phòng chống dịch của thành phố. Cũng trong thời gian này, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An cũng xử phạt hành chính bốn người.

Nhà chức trách hai địa phương nói rằng những người này “đã cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang” trong dân chúng lên trang Facebook cá nhân của mình.

Trong nhiều tháng gần đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam  gia tăng kiểm soát thông tin đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng chống dịch cúm Vũ Hán và đã phạt rất nhiều người bị cho là vi phạm theo Nghị định 15, một văn bản bị nhiều tổ chức nhân quyền chỉ trích vì cho rằng là công cụ đàn áp tiếng nói của người dân, đe doạ tự do bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội.

3) ASEAN VÀ UỶ HỘI SÔNG MEKONG TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC

Vào hai ngày 19-20/8, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy hội Sông Mekong (MRC) đã tiến hành cuộc đối thoại trực tuyến về an ninh nguồn nước trong khu vực. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên với mục đích tìm những giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức về an ninh nguồn nước trong khu vực.

Các vấn đề được nêu ra trong cuộc đối thoại bao gồm khả năng hợp tác để ứng phó tình trạng khan hiếm nước, ô nhiễm nước, những mối nguy liên quan đến nguồn nước như lụt lội và hạn hán.

Một hoạt động bên lề cuộc đối thoại được cho biết là sinh hoạt của người trẻ nhằm thúc đẩy giới này đi đầu, cổ xúy cho những cuộc nói chuyện về an ninh nguồn nước trong khu vực Mekong.

Cuộc đối thoại được hình thành trên khung hợp tác giữa ASEAN và MRC theo tiêu chí tăng cường chia sẻ kỹ năng, bảo đảm phối hợp và bổ sung cho nhau nhằm có thể sử dụng tốt hơn nguồn nước và những tài nguyên liên quan đến nước trong khu vực Sông Mekong.

Hoạt động đối thoại ASEAN-MRC như vừa nêu dự kiến sẽ trở thành hoạt động tổ chức hai năm một lần. Cuộc đối thoại ASEAN-MRC lần thứ hai sẽ được tổ chức vào năm 2023.

4) ANH VÀ HOA KỲ CÔNG BỐ THÊM LỆNH TRỪNG PHẠT QUAN CHỨC CAO CẤP CỦA NGA

Vào thứ Sáu ngày 20/8, London và Hoa Thịnh Đốn đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các quan chức an ninh cấp cao của Nga, những người bị cáo buộc đóng vai trò trong vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny cách đây đúng một năm trên một máy bay ở Siberia.

Bộ Ngoại Giao Anh đã nhắm vào 7 người, được xác định là thành viên của cơ quan an ninh Nga FSB. Những cá nhân này bị cấm nhập cảnh Anh Quốc, trong lúc tài sản của họ tại Anh sẽ bị phong tỏa. Luân Đôn nói rõ thêm là các biện pháp trừng phạt Nga “được thực hiện cùng với  đồng minh Mỹ.”

Trong khi đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo riêng biết là tổng cộng có 9 quan chức cấp cao và hai phòng thí nghiệm khoa học đã trở thành đối tượng trong làn sóng trừng phạt thứ ba này của Mỹ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định rằng “hai phòng thí nghiệm khoa học của Bộ Quốc phòng Nga đã tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển khả năng vũ khí hóa học của Nga.”

Đến Moscow ngày 20/08, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin trả tự do cho Alexeï Navalny, trong bối cảnh tròn một năm nhà đối lập bị đầu độc và ông đổ lỗi cho Điện Kremlin. Nga từ chối lời kêu gọi này và giải thích rằng ông Navalny không bị giam giữ “vì các hoạt động chính trị” mà vì “tội hình sự gây ra cho các đối tác nước ngoài.”

No comments:

Post a Comment