Trước những biến cố dồn dập xẩy ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta cần tỉnh táo để nhìn rõ được con đường phải đi để tiến hành hiệu quả công cuộc đấu tranh cho một nền dân chủ chân chính trên quê hương. Trong mục tiêu này, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Con Đường Chúng Ta Đi”, sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
27.08.2021
Lực Lượng Cứu Quốc
Thưa quý thính giả,
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam 2 ngày vào chiều hôm qua, Thứ Năm, 26 tháng 8. Đây là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của một Phó tổng thống Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975, và cũng là giới chức cao cấp nhất trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam
Trong hơn 2 ngày bàn thảo với các cấp lãnh đạo CSVN, bà Harris đã ký kết nhiều hiệp ước với nhà cầm quyền CSVN. Các hiệp ước này bao gồm việc Mỹ tặng thêm cho VN thuốc chủng ngừa, thiết lập tại Việt Nam cơ sở CDC chính thức của Mỹ cho toàn vùng Đông Nam Á, thuê đất xây tòa Đại sứ mới của Mỹ ở Hà Nội, vân vân.
Nhưng mục tiêu của chuyến viếng thăm này rõ ràng là để kéo CSVN về phía Mỹ trong nỗ lực ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng tại Biển Đông nói riêng, và toàn vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Mục tiêu này được thể hiện cụ thể bằng lời kêu gọi của Phó Tổng Thống Mỹ trong buổi gặp gỡ Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 25 tháng 8. Theo tường thuật của báo chí, trong cuộc gặp này Bà Harris tuyên bố, nguyên văn, “Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và phản đối các tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng và đậm chất bắt nạt của họ, nói thẳng thắn ra là như vậy “.
Mục tiêu này cũng đã được khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam trước đó chỉ một tháng của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, cựu tướng Lloyd Austin. Trong chuyến viếng thăm này Ông Austin đã tuyên bố “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, phồn vinh, độc lập.” Câu này hàm ý “Việt Nam mạnh mẽ, phồn vinh, độc lập” để cùng với Mỹ ngăn chận hiệu quả mưu đồ bành trướng của Trung Cộng!
Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng Thống Mỹ diễn ra trong lúc dân chúng thế giới còn đang ngỡ ngàng trước cuộc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan đày tắc trách, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Cảnh tượng dân chúng Afghan dẫm đạp hỗn loạn tại phi trường quốc tế thủ đô Kapul ngày 15 tháng 8 vừa qua là một vết đen trong lịch sử can thiệp quân sự của Mỹ.
Những hành động của Mỹ để vuốt ve Việt Nam và chối bỏ Afghanistan diễn ra cùng lúc đã khiến nhiều người quan tâm đến thế sự hoài nghi và chán chường! Họ cho đó là những trò đổi trắng, thay đen của các nước lớn. Tâm lý này không ít thì nhiều cũng làm nhụt bớt ý chí phấn đấu của một số người!
Thật ra, việc Hoa Kỳ ve vuốt CSVN hoặc chối bỏ Afghanistan là do nhu cầu quyền lợi của nước này. Đây là chủ trương “thực dụng truyền thống” của Mỹ, luôn được các cấp lãnh đạo Mỹ theo đuổi, không phân biệt thuộc đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ. Mà không riêng gì Mỹ, hầu hết các nước lớn trên thế giới đều theo đuổi chính sách tương tự; có khác chăng chỉ là việc thi hành có nhẹ nhàng, khôn kheo, hay ồ ạt, lộ liễu mà thôi.
Và vì đặt căn bản trên quyền lợi, không phải lúc nào quyền lợi của Hoa Kỳ cũng thuận chiều với quyền lợi của nước được giúp đỡ! Đó chính là trường hợp Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 và Afghanistan ngày nay.
Cũng cần khẳng định, trong một số trường hợp, chính ý chí của một dân tộc đã làm thay đổi lập trường của “đồng minh”. Ví dụ rõ ràng và gần đây nhất là trường hợp dân chúng Libya nổi dậy chống chế độ độc tài Gaddafi vào năm 2011. Khi cuộc nổi dậy bắt đầu do ảnh hưởng cuộc cách mạng ở Tunisia, nhiều nước Tây phương có liên hệ với Libya như Ý, Pháp, và cả chính Hoa Kỳ cũng không ủng hộ. Lý do là vì Ý có liên hệ chặt chẽ với giai cấp cầm quyền ở Libya vì đây là cựu thuộc địa của Ý; còn Pháp nhập cảng nhiều dầu thô Libya nên e ngại nguồn tiếp liệu này bị đình trệ; trong khi đó Hoa Kỳ sợ mất ổn định ở Bắc Phi. Phải chờ cho đến khi dân chúng nổi dậy tấn công quân Gaddafi ở nhiều nơi và chiếm được thành phố chiến lược Bengazi, lúc đó Tây phương mới lên tiếng ủng hộ và gửi phi cơ, chiến cụ yểm trợ vì e ngại chính quyền phe nổi dậy sau này không giao hảo!
Những sự kiện trên cho thấy công cuộc đấu tranh loại bỏ chế độ độc tài đảng trị “phản dân, hại nước” mà dân tộc Việt đang tiến hành phải do chính người Việt chủ động thực hiện. Sự hỗ trợ của các nước bạn, nếu có, chỉ là phụ thuộc, không thể là yếu tố quyết định sự thành bại của công cuộc đấu tranh của dân tộc.
Đó là con đường mà những người Việt chân chính, thực lòng vì dân, vì nước cần vững tâm tiến bước để phục vụ quyền lợi đích thực của Tổ Quốc./.
No comments:
Post a Comment