Friday, June 4, 2021

Mất Tin Tưởng Vào Ngành Tư Pháp, Luật Sư Bỏ Nghề

Quan Điểm

Việc Ls, Lê Văn Hòa tuyên bố bỏ nghề vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam. Vậy từ khi CS cướp được chính quyền đến nay, tư pháp VN có đáng được tin cậy hay không? Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Mất Tin Tưởng Vào Ngành Tư Pháp, Luật Sư Bỏ Nghề” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Lực Lượng Cứu Quốc

04,06,2021

Thưa quí thinh giả,

Sau khi LS Lê Văn Hòa tuyên bố bỏ nghề luật sư từ ngày 27 tháng 5 năm 2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam, thì dư luận trong giới đồng nghiệp của ông xôn xao. Những lời bàn tán, góp ý cho thấy có ba khuynh hướng rõ nét. Một, cho đây là quyết định đáng tiếc, mang tính cá nhân, có lẽ bắt nguồn từ sự bất mãn riêng tư đã tiềm ẩn từ lâu, cộng với những thất bại trong các vụ án mà LS Hòa nhận bào chữa, nhưng đã không xoay chuyển được quyết định của thẩm phán. Khuynh hướng này vẫn hoàn toàn tin vào đảng CS và nhà nước CSVN, có nghĩa là nền tư pháp VN vẫn đi đúng hướng, và khuyên LS Hòa nên rút lại quyết định bỏ nghề. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là LS Trần Đình Triển.

Khuynh hướng thứ hai hoàn toàn không tin tưởng có sự cải tiến nào trong ngành tư pháp VN khi mà đảng CS vẫn còn độc quyền cai trị đất nước. Tiêu biểu có LS Võ An Đôn, người đã bị nhà nước tước bằng hành nghề, hay LS Trịnh Vĩnh Phúc, người đã từ chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng và rút tên ra khỏi danh sách thành viên Hội Đồng Khen Thưởng, Kỷ Luật Đoàn Luật sư Thành Hồ năm 2016.

Khuynh hướng thứ ba, chiếm đa số giới LS ở VN, nhóm này tuy biết rất rõ bản chất thật của ngành tư pháp, trước sau vẫn là công cụ của đảng, luôn phải tuân thủ mọi quyết định của Bộ Chính Trị. Nhưng vì cuộc sống gia đình, vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm, địa vị xã hội, vì sự ràng buộc kỷ luật của Luật Sư Đoàn, mà Luật Sư Đoàn cũng do đảng CS kiểm soát, nên, hoặc im lặng ‘nín thở qua sông’, hay tùy cơ ứng biến, gió chiếu nào che chiều đó. Nếu phải lên tiếng thì cũng nói cách vô thưởng vô phạt, đại khái là tôn trọng quyêt định của LS Hòa, nhưng nên ở lại kiên trì đấu tranh để cải tiến, chứ bước ra ngoài rồi thì còn đâu cơ hội để góp ý xây dựng nữa …vân vân.

Đã  bước vào ngành luật, đã hành nghề LS ắt hẳn phải biết rõ nền tảng của ngành tư pháp trong cơ cấu tổ chức nhà nước. Nghiên cứu lịch sử văn minh nhân loại cho thấy ngay trong thời bán khai, khi con người còn ‘ăn lông ở lỗ’ thì khái niệm về công bằng, về công lý đã có khi chia nhau thức ăn kiếm được; khi phải phân xử những vụ tranh giành xảy ra trong bộ lạc. Vậy những nhà luật học, những quan tòa, LS, đều là thành phần mà người dân ngưỡng mộ, đặt hết niềm tin vào, để cầu mong cho công lý được sáng tỏ, cho những thiệt thòi được đền bù, cho những vu oan giá họa được phơi bầy ra ánh sang, được minh oan.

Vậy những thành phần ưu tú trên đây có nhìn lại  lịch sử 76 năm qua, từ ngày CS cướp được chính quyền 1945 đến nay không? Cứ tạm bỏ đi 9 năm kháng chiến 1945-1954, còn 21 năm cai trị Miền Bắc thì những gì đã diễn ra, khi mà hàng ngàn tòa án nhân dân được mở ra ở khắp các huyện các xã, trong số ấy có những chánh án không đọc thông chữ Quốc Ngữ.  Để họ ra những bản án tử hình cho hơn 172,000 địa chủ cường hào ác bá!. Đó có phải là tư pháp không?  Trong hàng ngũ LS ở VN, có ai còn nhớ lệnh ra án tử của Hồ Chí Minh, dành cho người ân nhân của đảng, là bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, qua bài báo “Địa chủ ác ghê” của CB tức “Của Bác” không? Đó có đúng là một bản cáo trạng không? Rồi hàng loạt văn nghệ sĩ bị đẩy vào tù trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, cũng như những thành phần xét lại chống đảng, đó có phải là nạn nhân của hệ thống tư pháp CS không?

Còn 46 năm qua gọi là thống nhất đất nước, hơn một triệu quân dân cánh chính của VNCH bị đưa vào tù khổ sai, không hề có xét xử, vậy án lệnh đó từ đâu ra? Hàng ngàn người chỉ lên tiếng cho bất công xã hội, chống đối Tàu Cộng xâm Lược, đòi hỏi đền bủ công bằng khi bị cưỡng chiếm đất đai nhà cửa, đều bị khép vào những tôi chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân… vân vân. Rồi bị lãnh những bản án nặng nề trong những phiên tòa man rợ. Ở những phiên tòa ấy, các LS chỉ để làm cảnh, còn bản án đã có BCT quyết định sẳn rồi. Hệ thống tư pháp VN là như vậy đó, ai cũng biết cả mà.

Vì nhu cầu kinh tế, VN phải đáp ứng đòi hỏi của các nước có đầu tư vào VN, vì họ phải thi hành những khế ước, những hợp đồng kinh doanh rất phức tạp, nên bắt buộc phải mở lại trường luật. Nhưng học luật là một chuyện, còn áp dụng luật cho người dân VN lại là một chuyện khác.

Tóm lại, dù LS Hòa hay 100 LS khác có bỏ nghề thì cũng chẳng có chuyện gì xẩy ra. Trên thực tế nhiều LS đã âm thầm bỏ nghề hay bị tước bằng hành nghề rồi. Cho nên chừng nào đảng CS còn ngồi trên đầu trên cổ nhân dân ta, chừng nào những người có học có kiến thức mà vẫn thụ động, vẫn nằm chờ sung rụng thì đừng có mơ tưởng ngành tư pháp được cải tiến. Không khổ công lao nhọc gieo trồng thì làm sao có mùa màng để thu hoạch hoa lợi được.

Cảm ơn quí thinh giả đã theo dõi bài QD của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment