Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.Hôi ký do Bá Cơ diễn đọc và sẽ được phát thanh vào mỗi tối thứ tư hàng tuần.Sau đây là bài 22
Khi về đến nhà, hàng xóm kéo đến đầy nhà. Cô hàng xóm bán bia đầu xóm to béo vừa cười mà nước mắt ràn rụa ôm tôi xốc bổng lên và nói: xem bác vào tù mà sút bao cân nào? Mọi người cười ồ vui vẻ. Một lát sau một bà cụ già ở sâu trong xóm 82 tuổi lò dò chống gậy ra chia vui với tôi và bà nói: “Ôi chao, hôm nghe tin em bị bắt, chị nghĩ thương ứa nước mắt”.
Có lẽ không cần phải tả thêm nỗi sung sướng của vợ tôi và 3 cô con gái sau 10 đêm mà tôi bị giam giữ là 10 đêm nước mắt. Số nước mắt này cộng lại sức nặng của nó nặng gấp trăm lần nước mắt của mẹ tôi, của vợ tôi khóc thương cho số phận của tôi trong chiến tranh giữ nước.
Những ngày tiếp sau bạn bè, hàng xóm tiếp tục đến chia vui “tai qua nạn khỏi”. Các bác trong chi bộ cũ, trong cựu chiến binh nơi sinh hoạt cũ của tôi lần lượt đến thăm. Đồng đội trong trung đoàn Cờ Đỏ anh hùng cũ của tôi đến động viên, an ủi. Có 2 vị lão thành cách mạng từ Hà Nội đến tận nhà thăm hỏi. Và tôi còn nhận được nhiều cuộc điện thoại từ Dăk Lăk, Tây Nguyên, Thái Bình, Hà Nội và các bạn ở ngay trong Hải Phòng mà tôi chưa có dịp quen biết cũng gọi điện đến chia vui, thăm hỏi. Cũng hơi đặc biệt là có một dòng thơ trích của một bạn vô danh gửi đến vẻn vẹn có mấy dòng. Trích đoạn thơ tặng Hăng ri mác tanh, chiến sĩ hoà bình Pháp:
Hăng Ri Mác Tanh
Chúng nó giam không cho anh nói.
Nhưng giam sao được ánh mặt trời chói lọi.
Nhưng giam sao được cả cuộc đời
Có lẽ anh động viên tôi “hơi quá” vì thân phận tôi chỉ là hạt bụi của cuộc đời này. Rồi cũng mấy dòng ngắn ngủi của một nhạc sĩ Hà Nội: Chị Lan ơi, nói hộ thằng em là em thương anh Quận lắm lắm lắm!. Tôi đội ơn anh, “cái thằng em” ấy cũng đã 65 tuổi rồi.
Ba ngày sau khi tôi ra tù tức là ngày 7-5-2001 một đoàn từ Hà Nội đi ô tô xuống thăm tôi gồm cựu chiến binh Trần Dũng Tiến (trưởng đoàn), đại tá Nguyễn Hữu Ích, nguyên Tư lệnh phòng không, đại tá Thế Kỷ, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và cựu chiến binh Nguyễn Sắc nguyên Phó Tổng giám đốc liên hiệp dệt 8-3 với 19 huân chương lấp lánh trên ngực. Các anh vừa đi dự lễ truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Liệt sĩ Vũ Thị Kính, tức Trần Thị Khang, em ruột cựu phó chủ tịch HĐBT (nay là Phó Thủ tướng) theo giấy mời của huyện Mỹ Hà được ủy quyền của tỉnh Hưng Yên tạt thăm tôi. Qua cuộc tiếp xúc này tôi được biết đôi điều về việc công an Hải Phòng bắt tôi, những diễn biến xảy ra trong những ngày tôi bị giam giữ, và khi về còn bị trạm kiểm soát Quán Toan gây phiền hà.
Việc ra lệnh bắt tôi là do công an Hải Phòng. Đó là một điều hết sức thường tình như vẫn bắt các kẻ tội phạm khác. Nhưng hình như công an Hải Phòng chủ quan quên một điều là đằng sau tôi là các bạn tôi, là một nhà nước pháp quyền sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật và đằng sau nữa là nước ta đã ký vào bản công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (Convention internationale des droits civils et politiques) ngày 24-9-1982 thì dù một chính quyền dù lộng quyền đến đâu cũng phải e sợ dư luận nhân dân nước mình và dư luận quốc tế chứ. Hơn hai trăm năm trước đây, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế những vần thơ lục bát vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự:
Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào…
Cái câu “lộng ngôn” của Lênin cách đây gần trăm năm không thể dùng được nữa rồi: “Chính quyền vô sản là chính quyền không bị luật pháp nào hạn chế cả” (Lênin toàn tập – NXB Tiến Bộ – tập 37 – trang 297)
Tôi bị bắt chiều 24-4-2001 tức là 2 ngày sau khi Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam bế mạc với câu tổng kết chiến lược của tân Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: “Trí tuệ – Đoàn kết – Dân chủ – Công bằng – Văn minh” còn nóng hổi. Lập tức, Trần Dũng Tiến, người trực tiếp chiến đấu bảo vệ bác Hồ từ những ngày đầu CMT8 cũng là người đầu tiên viết bài phản ứng rất quyết liệt về việc bắt giữ tôi trái phép với đầu đề “Chẳng lẽ lại khởi sự bằng đàn áp ư?“ gửi tới Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nước Trần Đức Lương, Quốc Hội, Thủ tướng Phan Văn Khải, bí thư Hải Phòng Tô Huy Rứa và các cơ quan thông tin đại chúng. Trong đó có một số đoạn ông nêu: Khi nghe tin Vũ Cao Quận bị bắt, Nguyễn Thanh Giang đã nghẹn ngào thốt lên: thật là đảo điên, tàn bạo hết chỗ nói. Sao không làm vào một lúc nào khác, hoặc sớm hơn, hoặc muộn hơn mà nhằm ngay lúc Tổng bí thư mới vừa đăng quang để gây náo loạn thế này. Hoặc tôi cũng mong ông bí thư Thành ủy Hải Phòng Tô Huy Rứa hãy ra lệnh tha ngay Vũ Cao Quận.
Cũng vì bài viết phản đối quyết liệt về việc bắt giữ tôi mà ngay ngày 26-4-2001 các đài BBC, Hoa Kỳ, RFI và Châu Á Tự Do… đưa tin về dư luận thế giới phản ứng về việc bắt giữ vô cớ cựu chiến binh Vũ Cao Quận. Tiếp theo đó các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng chất vấn và phản đối việc bắt giữ CBB Vũ Cao Quận gửi đến chính phủ Việt Nam. Không thể im lặng trước sự bất bình của dư luận thế giới, chính phủ ta phải đưa bà Phan Thúy Thanh phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra “đỡ đạn” và chối tội là tin về việc bắt giữ ông Vũ Cao Quận là vu cáo với ý đồ xấu vì việc bắt ông Vũ Cao Quận là hoàn toàn không có!!!
No comments:
Post a Comment