Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Phụng Hoàng và Nguyên Khải
1) CỘNG SẢN VIỆT NAM BAN HÀNH BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Giữa tuần qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ban hành bộ quy tắc nhằm “xây dựng chuẩn mực đạo đức” về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật và không đưa thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên mạng.
Trong quyết định ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết bộ quy tắc này có hiệu lực từ ngày 17/6 nhưng không nói rõ nó sẽ được thực hiện như thế nào hay liệu có áp dụng hình thức chế tài hay không.
Bộ quy tắc yêu cầu các cá nhân phải dùng tên thật và “chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy,” đồng thời “khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.” Nội dung này giống như Điều 331 của Bộ luật Hình sự vốn được sử dụng để bỏ tù nhiều nhà hoạt động trong nhiều năm gần đây.
2) VIỆT NAM SẼ THỰC HIỆN CƠ CHẾ TIÊM DỊCH VỤ VACCINE NGỪA CÚM VŨ HÁN
Việt Nam sẽ tiến hành tiêm dịch vụ vaccine ngừa cúm Vũ Hán song song với tiêm miễn phí sau khi đã tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 18/6, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm virus Vũ Hán nói Việt Nam chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, huy động sự tham gia nhiều bộ ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng. Các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine là những người làm việc trên tuyến đầu phòng chống dịch gồm nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch, lực lượng quân đội, và công an.
Tuy nhiên, báo chí không đưa thông tin chi tiết về việc tiêm dịch vụ như phí mỗi liều tiêm và thời điểm tiến hành.
Việt Nam bắt đầu tiến hành tiêm chủng ngừa cúm Vũ Hán vào ngày 8/3 vừa qua và cho đến nay số người được tiêm chủng ở Việt Nam vào khoảng 1,4 triệu người, chiếm 1,5% dân số. Đây là tỷ lệ được coi là thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Hà Nội đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 75% dân số trong năm 2021. Bộ Y tế cho biết đã đặt mua được 170 triệu liều vaccine nhưng nhà sản xuất không bảo đảm tiến độ giao hàng.
3) NHIỀU DÂN VIỆT BỊ LỪA SANG LÀM VIỆC TRONG SÒNG BÀI CỦA NGƯỜI HOA LỤC Ở CAMPUCHIA
Toà đại sứ Việt Nam ở Campuchia tố cáo tội phạm người Hoa Lục lừa nhiều người dân Việt Nam sang làm việc ở nhiều sòng bài thuộc tỉnh Sihanoukville của Campuchia.
Nhiều nhóm tội phạm người Hoa Lục đã đưa người Việt sang nước láng giềng bằng cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp với lời hứa được trả lương tháng từ 800 đến 1.000 Mỹ kim. Tại đây, họ phải làm việc trong các sòng bài của người Hoa ở đặc khu kinh tế Sihanoukville gần với cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh của Việt Nam. Nạn nhân bị buộc phải làm việc 16 giờ một ngày và bị đánh đập nếu có ý định bỏ trốn. Nếu từ chối làm việc để trở về Việt Nam sẽ bị đánh đập và buộc phải trả khoản nợ từ 1.000 đến 8.000 Mỹ kim, hoặc sẽ bị bán cho công ty khác.
4) QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ TRUNG CỘNG CAM KẾT TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC
Vào thứ Năm ngày 17/6, chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Cộng Lật Chiến Thư hội đàm trực tuyến. Ông Lật hối thúc ông Huệ về sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, và đề nghị Việt Nam “quản lý hợp lý các tranh chấp lãnh hải.”
Trung Cộng tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ chính trị cho Việt Nam và tạo động lực mới cho con đường xã hội chủ nghĩa của hai nước và quan hệ song phương trong thời kỳ mới. Ông Lật cũng nhấn mạnh rằng hai nước cũng như hai đảng cộng sản cần tăng cường hợp tác và nỗ lực phối hợp để đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, phòng chống “Cách mạng màu” và ứng phó hiệu quả với các hành vi bá quyền, các hành vi kìm hãm sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo nhóm G-7 khi nhóm họp ở châu Âu đã đưa ra sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) nhằm đối đầu với BRI của Trung Cộng, vốn bị phương Tây chỉ trích là “ngoại giao bẫy nợ.”
5) ĐẠI HỘI ĐỒNG LHQ LÊN ÁN CUỘC ĐẢO CHÍNH Ở MYANMAR, KÊU GỌI CẤM VẬN VŨ KHÍ
Trong một hành động hiếm hoi, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ra nghị quyết lên án cuộc đảo chánh tại Myanmar và kêu gọi cấm vận vũ khí chống lại nước này và đòi khôi phục việc chuyển tiếp dân chủ của nước này.
Nghị quyết trên là kết quả của những cuộc thương thuyết kéo dài của tổ chức có tên là Core Group trong đó có Liên hiệp châu Âu và nhiều nước phương Tây và 10 thành viên của ASEAN, bao gồm Myanmar.
Dù nghị quyết không được ủng hộ với đa số tuyệt đối nhưng người ủng hộ hy vọng hành động của Đại Hội đồng, dù không ràng buộc về pháp lý, phản ánh sự lên án quốc tế cuộc đảo chánh lật đổ đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và giam giữ bà cùng với nhiều lãnh đạo chính phủ và chính trị gia, cũng như chống lại mạnh mẽ việc quân đội đàn áp những người biểu tình đòi chấm dứt việc quân đội chiếm quyền.
Nghị quyết kêu gọi hội đồng quân nhân Myanmar khôi phục chuyển tiếp dân của nước này, lên án “bạo động quá mức và gây chết người” kể từ cuộc đảo chánh, và kêu gọi tất cả các nước ngăn chặn làn sóng vũ khí vào Myanmar.
Nghị quyết cũng kêu gọi quân đội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Quốc gia Suu Kyi và các giới chức chính phủ khác cùng các chính trị gia bị bắt sau đảo chánh và tất cả những người bị giam giữ, truy tố hay bị bắt tùy tiện.
No comments:
Post a Comment