Friday, June 11, 2021

Lây lất trong đại dịch

Chuyện Nước Non Mình

Khi bất cứ một thảm họa nào xảy ra cho VN thì chỉ có dân nghèo tận cùng là nạn nhân đau khổ nhất vì sự bất lực trong tham nhũng và bất tài trong điều hành của bạo quyền CSVN. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Lây Lất Trong Đại Dịch” của Tuấn Khanh sẽ được  Ca Dao trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Tuankhanh.

Trong ngày giãn cách đầu tiên ở Sài Gòn, và cũng lần đầu tiên, tôi chợt nghe được bà cụ gần nhà nói về đại dịch, theo cách nhìn của bà “Nếu chết thì tới luôn, chứ lây lất vầy mệt quá”.

Bà cụ đã vượt quá tuổi 60, tức số tuổi mà đợt giãn cách nhắc nhở là nếu không có việc gì thì đừng ra ngoài. Bà ngồi ở trước thềm nhà, mắt nhìn mông lung, không buồn, không vui, và nói vậy.

Sài Gòn, hay Việt Nam, đã có đủ kinh nghiệm về giãn cách từ năm 2020. Có thể nhìn chung, xã hội Việt Nam sốt sắng hợp tác toàn diện trước những mệnh lệnh từ chính phủ, từ các phương thức phòng chống, cho đến việc chịu nhốt mình trong nhà, đồng thuận với cả những barrier kẽm gai đột nhiên xuất hiện chận ngay trước ngõ nhà mình. Những người ít ỏi cố vượt các quy định, thường bị mạng xã hội và báo chí lên án không khác gì tội phạm.

Và chắc vì vậy, bạn của bà cụ gần nhà, là một người bán xôi dạo, đã gần 70 tuổi, cũng tuân theo quy định, không thấy xuất hiện với tiếng rao quen thuộc của mình. Đó là một phụ nữ gầy gò, nhỏ con và sống bằng những gói xôi nhỏ, gói lá chuối nguyên bản hằng ngày. Không biết bà cụ bán xôi ấy sẽ lây lất những ngày này ra sao?

Trên một trang facebook, tôi đọc thấy một phụ nữ mặc trang phục thể thao, tập thể thao trong nhà và ghi chú vui vẻ rằng mọi người chẳng có gì cần phải lo lắng đâu. Cô ấy nói hãy tận dụng thời gian này để vui chơi, tập luyện và thư giãn chờ dịch đi qua.

Nhưng người phụ nữ đó thật may mắn, vì có thể lạc quan với cuộc sống không quá khó khăn. Vì khi chúng ta cố hò hét trong bầu trời màu hồng đằng trước, phía sau, vẫn có hàng ngàn, hàng chục ngàn người đang quay quắt, tự sinh tự diệt trong lúc này. Trong cách nói của các quan chức nhà nước, thì vẫn luôn “no one left behind”_ Không bỏ ai lại đằng sau  như mọi quốc gia khác. Nhưng nếu không thử quay đầu nhìn lại và tỉnh táo nhận ra, làm sao biết ai đang đuối sức ở ngay đằng sau mình?

Thống kê trên trang Trung tâm báo chí thành phố, viết rằng từ năm 2016 đến nay, có 67 ngàn gia đình nghèo (chiếm 3,36% tổng số dân) và hơn 48.100 gia đình gần mức nghèo, và quả quyết là đến nay đã căn bản giải quyết xong. Bản tin tuyên bố là năm 2020 đã dứt điểm, chỉ còn 1% nhà nghèo.

Thật bất hợp lý và ngớ ngẩn. Nghèo là một biến động không ngừng, và chỉ số biến động đó còn tùy thuộc vào rất nhiều thứ của cả quốc gia và thế giới. Không thể đi theo một mức cũ của năm năm trước, rồi sau đó treo băng-rôn, bắn pháo hoa là đã hoàn thành chỉ tiêu diệt nghèo của hôm nay.

Cũng trong cuối năm 2020, khái niệm về nghèo, tiêu chuẩn nghèo được sắp đặt lại. Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn nghèo đa chiều trong  giai đoạn 2021-2025, thì nghèo được tính theo thu nhập khi một người kiếm tiền chỉ có 1 triệu rưởi một tháng ở miền quê và 2 triệu ở thành thị

Đây cũng là một cách tính lạc hậu kinh hoàng với thời thế. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… sống được với 4 triệu đồng một tháng đã là chuyện vật vã khó tin. Những người bán cóc ổi trước quán nhậu, những người bán vé số mỗi ngày bên đường vẫn thấy, và với cả cụ bà bán xôi mà tôi biết, có thu nhập gấp đôi số đó, tức 8 triệu đồng/tháng cũng không vùng vẫy nổi để thoát khỏi chữ nghèo.

Dù có nói gì đi nữa, đại dịch và giãn cách là cú tát nổ đom đóm mỗi ngày đối với người nghèo, với buổi sáng thức dậy, loay hoay nặn túi dè sẻn chi xài, nhìn tiền học của con cái mà điếng người, ám ảnh ngày đóng tiền nhà sắp đến… Câu chuyện một nam thanh niên chạy Grab nhảy cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh, Sài Gòn) vào cuối tháng 5 do dịch bệnh kéo dài, khó khăn chồng chất suốt hai năm nên tuyệt vọng, là một ví dụ rất rõ.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các vùng, khu vực bị phong tỏa để tránh lây nhiễm xuất hiện liên miên ở nhiều nơi. Sài Gòn cũng rơi vào tình trạng như vậy. Dĩ nhiên, trong các vùng phong tỏa ấy, có người bệnh lẫn kẻ lành, nhưng ai cũng chấp nhận vì đó là chuyện chung của quốc gia. Do vậy, cũng đến lúc, chính quyền nên thiết thực và ráo riết xem sự khó khăn, cùng quẫn của người nghèo trong lúc này là bộ mặt và tư cách quốc gia mà mình đang có trách nhiệm.

Thật khó nghĩ về chuyện đóng, khóa một khu vực mà phó mặc họ tự sinh tồn ra sao. Với kinh nghiệm của năm 2020 về chống dịch và dân khó, chính quyền tối thiểu nên nghĩ đến các loại tem phiếu thực phẩm hàng ngày, nhu yếu phẩm tuần, dành cho những gia đình, công dân khó khăn đang hết lòng hợp tác với việc phong tỏa.

Người dân có thể giúp nhau. Hàng xóm có thể chuyển gạo, bánh cho nhau, nhưng nếu trong tất cả những hành động đó không có gương mặt của chính quyền, thì dù có gọi là chống dịch thành công, cũng chẳng vẻ vang gì khi thiếu phần đạo đức nhà nước với công dân mình. Không thể cái gì cũng đẩy vào xã hội hóa – dân tự lo cho nhau. Nếu chống dịch thành công và bộ mặt nhà nước rạng rỡ, nó cần là ánh sáng chung, có từ cả những gương mặt những người nghèo khó trên đất nước này.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền biên lai tính tiền đợt cách ly của một người, với gần 6 triệu rưỡi, khiến không ít người đọc và thót tim. Đây hoàn toàn là kiểu dịch vụ trọn gói, phối hợp giữa nhà nước và nhà thầu, không có sự trợ giúp nào được thấy. Một người chạy xe Grab lớn tuổi vào buổi sáng cuối tháng 5, trên đường đi vắng hoe, cứ quay đầu hỏi đi hỏi lại “mình không có tiền, được trả góp không chú? Mà mình có bảo hiểm y tế có được tính vô không chú?”. Những câu hỏi như vậy, vọng lên từ dân nghèo, chỉ chính phủ mới có thể trả lời.

Năm thứ hai của đại dịch Covid mở ra nhiều cái nhìn về cách cư xử ở mỗi quốc gia, đối với công dân của mình. Bất luận đó là hình thức kiểm soát nghiêm ngặt nhất cho đến các biện pháp tự do miễn dịch cộng đồng, điều quan trọng nhất vẫn là những bài tính có gương mặt con người. Tức là con người sẽ tồn tại, chịu đựng hay sống sót qua các cơn dịch như thế nào. Và thế giới sẽ quay lại đời sống bình thường của mình ra sao, vuốt mặt nhìn nhau, với phần nhân loại đã được loại trừ.

Nói đến đây, lại nhớ câu chuyện trước con hẻm nhà mình. Dì bán café cóc, sống mòn bằng từng ly café mang đi hiếm hoi, lây lất trong những ngày đại dịch năm 2020. Tiền bán cả ngày không đủ bữa chợ hôm sau, Dì thuộc hàng nghèo nhất xóm. Nghe tổ trưởng khu phố gọi làm đơn xin trợ giúp từ quỹ 62.000 tỷ của nhà nước, Dì mừng hết lớn, điền ngay. Ấy vậy mà ít lâu sau, nghe đồn có người được lãnh tiền, Dì rón rén theo tổ trưởng, hỏi thăm, thì được trả lời rằng “có nguồn kinh doanh, tức là không có gì khó khăn, nên không được tiền hỗ trợ”.

No comments:

Post a Comment