Bất hạnh lớn lao của dân tộc Việt là Đại dịch cúm Tàu là một sự thật đang gieo rắc tang thương cho dân tộc, trong khi đó, đảng cs VN là một tập thể láo khoét, không có khả năng bảo vệ sự an toàn và tánh mạng của nhân dân. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trân Văn với tựa đề: “Phòng, chống COVID-19 và sự lố bịch của… ‘tự hào’” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Trân Văn
Cho dù số nơi bị phong tỏa…, phải thực hiện giãn cách xã hội…và cách ly … tăng từng ngày, thậm chí trên phạm vi rất rộng (phường – xã, quận – huyện, tỉnh – thành phố) nhưng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam vẫn không ngừng lại, giờ đã vượt qua mức 7.500.
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã có… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương trong phòng, chống dịch… khiến cả thế giới thán phục, học hỏi mà vào lúc này, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những quốc gia có số người được chích vaccine ngừa COVID-19… thua xa cả Campuchia, Lào, cuối cùng phải ráo riết xin thiên hạ bốn trong số năm châu lục (chỉ còn thiếu châu Phi) hỗ trợ “tiếp cận vaccine” như đang thấy?
Tại sao đã có… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo trong phòng – chống dịch mà lại xảy ra tình trạng nhiều bệnh viện “tuyến đầu” dẫu có tiền vẫn không dám dùng để mua, dự trữ thiết bị, vật tư y tế thiết yếu dùng trong chạy chữa cho những đồng bào đang nguy kịch bởi chưa… tổ chức đấu thầu theo các qui định hiện hành. Chẳng lẽ chiến lược của những… quyết sách, sự… quyết liệt, sáng tạo của các chỉ đạo lại là đầy các bệnh viện “tuyến đầu” phải hỏi mượn thiết bị, vật tư y tế thiết yếu của nhau, đồng thời ép các nhân viên y tế phải dùng mạng xã hội kêu gọi công chúng hỗ trợ khẩn cấp cho việc cứu người?
Với số ca nhiễm mỗi ngày một cao, phạm vi lây nhiễm mỗi ngày một rộng, đến nay, các diễn biến trong ứng phó với đợt dịch thứ tư tại Việt Nam chỉ chứng tỏ một điều… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giống như có mắt như… mù, có tai như… điếc, bất kể COVID-19 đã trở thành đại dịch trên toàn cầu trong hơn một năm nhưng những cá nhân hữu trách vẫn không thấy, không nghe, không ngẫm nghĩ để học bất kỳ kinh nghiệm nào nào từ thiên hạ trong phòng, chống dịch. Não dường như chỉ được dùng vào việc khoe khoang ra sao để thuyết phục đồng bào… biết ơn và tự hào!
Cho đến giờ này, về mặt dịch tễ, thiên hạ vẫn chưa giải thích được tại sao trong 15 tháng (từ hạ tuần tháng 1/2020 đến trung tuần tháng 4/2021), tại Việt Nam chỉ có 4.076 ca nhiễm COVID-19, song đối chiếu giữa cách thức ứng phó của thiên hạ với Việt Nam, có thể khẳng định, việc thực thi phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly một cách cực đoan như từng thấy đã góp phần đáng kể vào việc khống chế số ca lây nhiễm, phạm vi lây nhiễm COVID-19. Đến giờ, những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương, sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của chính phủ, các bộ, ban, ngành trong phòng, chống dịch dường như chỉ có vậy!
Thực thi phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly một cách cực đoan không phải là sai và xấu nhưng chỉ như thế thì hết sức tàn bạo. Năm ngoái, sau lần đầu tiên áp dụng các biện pháp cực đoan, ông Nguyễn Xuân Phúc – lúc đó là Thủ tướng Việt Nam, thừa nhận: Mấy tháng nay, nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi! Tuy nhiên đến giờ, đã có bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp chật vật xoay sở với đủ thứ khó khăn tính từ lúc COVID-19 bùng phát đến nay nhận được trợ cấp từ gói hỗ trợ trị giá 61.580 tỉ đồng (theo qui định, tùy trường hợp mà một cá nhân, một gia đình, những cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ được hỗ trợ một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng).
Ở thời điểm đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn tuyên bố đã dành ra 16.000 tỉ để các doanh nghiệp vay, trả lương cho khoảng 11.000 người phải ngưng làm việc vì chuyện thực thi các biện pháp phòng, chống dịch cực đoan nhưng tháng rồi, Ngân hàng Nhà nước loan báo, Gói Tín dụng ưu đãi ấy chỉ giải ngân được… 43 tỉ, tương đương… 0,27% giá trị cả gói, hoàn toàn không phải vì doanh nghiệp hay những người phải nghỉ làm việc do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cực đoan không cần trợ giúp mà vì quá nhiều đòi hỏi khắt khe, thành ra doanh giới mới bình chọn chính sách cho vay không tính lãi để trả lương này là chính sách khó tiếp cận nhất.
Từ khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, một trong những câu mà các cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thích dùng là: Không bỏ ai lại phía sau! Thiên hạ chẳng lạ gì phương châm, chính sách “no one left behind” cả trên chiến trường lẫn tiến trình phát triển kinh tế, xã hội. 18 tháng sau khi COVID-19 hiện diện tại Việt Nam, dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã thực hiện được cam kết “không bỏ ai lại phía sau”! Người nghèo, tầng lớp trung lưu, kể cả chủ những doanh nghiệp lớn, vốn đầu tư trên 100 tỉ không còn ở phía sau, tất cả đã ở dưới đáy của khốn cùng và tuyệt vọng!
No comments:
Post a Comment