Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.Hôi ký do Bá Cơ diễn đọc và sẽ được phát thanh vào mỗi tối thứ tư hàng tuần. Sau đây là bài 21
Khi tiếng mở khóa các buồng giam vang lên, tôi đang gấp gọn chăn màn, thì đại úy Ph. xuống báo thu xếp quần áo tư trang rồi lên phòng quản giáo. Tôi lật đật thu xếp nhưng có gì đâu mà thu xếp. Tôi cởi bộ xu vết tơ măng, lột cái áo may ô tụt nốt cái quần đùi nghĩa là “tú nuy” rồi mặc lại cái áo sơ mi, cái quần nâu. Còn để lại tất: cái chăn len và cái màn tuyn mới, một bộ quần áo thay đổi, bộ quần áo lót, hai đôi tất, nghĩa là bỏ lại tất (sở dĩ tôi kể hơi tỉ mỉ là vì giữa thời buổi “thừa mứa quần áo” ở ngoài đời thì trong tù vẫn còn nhiều người không có quần đùi, áo lót). Riêng cái ba lô vì một lý do không thể nói được trong hồi ký này, tôi nói với M. là tôi mượn phải đem về trả. Sau này tôi nhờ vợ anh gửi vào tặng anh cái ba lô to hơn và mới. Chuẩn bị xong, tôi ôm lấy M. rồi ôm chầm lấy Tr.T. khóc nức nở, khóc cho nỗi tủi nhục của tuổi xế chiều. Phút bịn rịn chia tay kẻ ở người ra lòng thương cảm làm tôi quên hẳn nỗi sung sướng của chính tôi. Khi lên phòng quản giáo, đại uý Ph đã pha trà sẵn mời tôi. Anh chúc tôi trở về mạnh khỏe. Còn tôi chúc anh hạnh phúc và đày lòng nhân đức.
Khi lên phòng trực, họ lạikhám ba lô, một cái ba lô rỗng không. Lần này tôi không bị khám người. trung tá V.L. đưa tôi vào phòng hỏi cung ngồi chờ Ban giám đốc công an xuống tận trại giam đọc lệnh trả tự do cho tôi. Ngồi chờ chừng 10 phút thì tôi được đưa lên phòng họp ở tầng 2. Đến nơi, tôi thấy có ông phó giám đốc sở công an, Thượng tá L, trưởng phòng Điều tra xét hỏi, trung tá K, trưởng phòng PA25 và khoảng 7, 8 thiếu, trung tá khác cùng nhân viên kỹ thuật camera. Tôi không biết gọi buổi tiếp xúc đây là buổi tiếp xúc gì, sau mấy câu mở đầu của ông phó giám đốc công an, đó là ông Th. một người trông còn rất trẻ, dáng dấp một sinh viên, một doanh nghiệp trẻ hơn là một người đang mang trọng trách của một cơ quan chuyên chính. Ông cho phép tôi tự do phát biểu với thời gian làm việc khoảng 1 tiếng.
Tôi phát biểu không dài, khoảng 10 phút. Tôi khẳng định tôi hoàn toàn không có tội nếu chiếu theo Hiến pháp và luật phát của nước CHXHCNVN, những điều tôi viết là những suy nghĩ, kiến nghị của tôi gửi lên đảng, lên nhà nước. Tôi chả có điều gì phải chống đảng, chống nhà nước cả nên những việc làm của tôi không thể ghép vào tội chống đảng, chống nhà nước.
Còn về phía ông phó giám đốc phát biểu, ông nói những việc làm vừa qua của tôi là chống đảng, chống nhà nước. Căn cứ vào luật pháp tôi phạm các tội: tàng trữ, tán phát những tài liệu xấu, chống đảng, chống nhà nước; chiếm giữ tài liệu bí mật quốc gia và vi phạm luật xuất bản phải đem truy tố trước tòa án, trước pháp luật. Nhưng vì nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, bản thân có một số đóng góp vào công cuộc cách mạng của đất nước, nên xét chưa đến mức đưa ra xét xử. Do vậy với “sự khoan hồng” của đảng, của nhà nước nên ông tuyên bố trả tự do cho tôi.
Tôi cũng đã lường trước được những gì ông sẽ nói nên khi ông hỏi tôi có cần phát biểu gì nữa không thì tôi hiểu đây đâu có phải là lúc tranh luận nên tôi xin cảm ơn.
Trái lại với hôm bị bắt, quang cảnh đông đúc công an ở xung quanh tôi trong phòng không hề có cảm giác căng thẳng, một không khí “có vẻ” vui bình thường như một cuộc họp cơ quan. Cam phận là một người tù, tôi không nghĩ tới việc bắt tay nhưng khi ra về các anh đã vui vẻ bắt tay tôi.
Một chiếc U-oát chờ dưới sân và chở tôi về số 14 Lê Quýnh. Tôi lại được dẫn vào một phòng họp ở tầng 2, ở đó tôi thấy ngoài số cán bộ công an của phòng điều tra xét hỏi còn có mặt vợ tôi, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, thiếu tá phó trưởng công an phường, đại úy hộ tịch viên phường Cầu Tre. Thiếu tá V.N.C. lên tuyên bố lý do trả tự do cho tôi với nội dung luận tội tôi giống như ông phó giám đốc công an đã nói cách đây gần 1 tiếng. Lại một lần nữa được các anh vui vẻ bắt tay ra về. Thủ tục cuối cùng là tôi phải ký vào 3 tờ lệnh trả tự do cho tôi. Sau khi ký xong, tôi đề nghị được giữ một tờ để mang về với lý do “trình” địa phương và giữ làm kỷ niệm, nhưng V.N.C. khéo léo từ chối với giọng nói vui: thôi, bác giữ làm gì cái của nợ này. Tôi phải gửi đi lưu ở 3 nơi, bác a.
Con gái tôi đi xe máy đón tôi ở cổng. Thấy tôi cháu khóc vì sung sướng. Cháu chở tôi về nhà ông anh rể vợ tôi ở ngã Năm chứ không chở thẳng về nhà. Mấy phút sau tôi được ông anh rể cho biết: thím ấy sợ về bây giờ còn sớm, bà con xóm làng cười cho. Đợi tối thím ấy thuê taxi lên đón chú về. Trời ơi, tôi phải tự hào và ngẩng cao đầu mà nhìn đời chứ, sao vợ tôi lại sợ vớ vẩn thế này? Nói vội một câu với ông anh rể, tôi ra thuê xe ôm về ngay nhà. Lúc đó là 5 giờ chiều.
No comments:
Post a Comment