Saturday, June 26, 2021

Thượng Tướng Trần Khát Chân

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, trong thời kỳ nhà Trần bị suy vi, vẫn có một tướng lãnh chỉ huy quân dân Việt đánh tan đoàn quân xâm lược, giết chết Chế Bồng Nga, khiến quân Chiêm Thành phải hủy bỏ ý đồ xâm lăng Đại Việt. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Thượng Tướng Trần Khát Chân” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Trần Khát Chân thuộc dòng dõi của danh tướng Trần Bình Trọng. Ông sinh năm 1370 tại Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ nổi tiếng nhờ văn võ song toàn. Năm 1388, thi đổ Thái Học Sinh. Năm 19 tuổi, được triều đình phong tướng, chỉ huy  đoàn quân Long Tiệp.

Thời Trần Khát Chân là thời suy vi của triều Trần. Nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, triền miên với các lân bang, đặc biệt là Chiêm Thành, làm cho tiềm lực đất nước bị kiệt quệ. Các vị vua cuối đời Trần phần lớn thiếu tài đức, còn bị quyền thần lộng hành lấn át, thậm chí còn bị bức tử.

Lúc bấy giờ, Chiêm Thành đang thời hưng thịnh, vua Chiêm là Chế Bồng Nga nhiều phen sai quân qua đất Việt cướp phá, có lần thiêu rụi kinh thành Thăng Long, buộc vua tôi nhà Trần phải rút lui. Đất nước trong cảnh điêu linh, triều đình cử các tướng lãnh dốc toàn lực lượng chống trả, nhưng vẫn không thể chống nổi sức tiến công của đoàn quân xâm lược.

Năm 1389, quân Chiêm Thành do đích thân Chế Bồng Nga cầm đầu, dẫn đại quân tiến sang biên giới Chiêm – Việt. Thượng hoàng nhà Trần là Trần Nghệ Tông cử tướng Trần Khát Chân làm Tổng chỉ huy quân đội, cầm quân ngăn chận.

Chế Bồng Nga với hơn 100 chiến thuyền, tiến vào Hải Triều để dò xét cách phòng thủ của quân Đại Việt trước khi tấn công. Chiến thuyền của thủy binh Chiêm Thành chưa kịp ổn định vị trí thì quân Đại Việt tấn công trước, bắt được một số binh sĩ của Chế Bồng Nga, trong đó có tên Ba Lậu Kê, người đã khai và chỉ điểm chiến thuyền chỉ huy. Nhờ vậy, tướng Trần Khát Chân ra lệnh cho quân sĩ dồn hỏa lực bắn phá, mấy phút sau chiến thuyền chỉ huy chở Chế Bồng Nga bị nổ tung, Chế Bồng Nga chết tại trận. Mất chủ tướng, thủy binh Chiêm hoảng sợ rút lui và bộ binh cũng bỏ binh khí chạy về nước.

Trần Khát Chân sai Giám quân là Lê Khắc Khiêm, mang đầu Chế Bồng Nga về Tổng Hành Dinh của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ở Bình Than báo tin thắng trận.

Chiến thắng của Trần Khát Chân đã khiến cho quân Chiêm Thành phải ngưng các cuộc tấn công vào Đại Việt. Sau khi lập được công lớn, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Phụng Thần, Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu.
Thời gian sau, nhận thấy Hồ Quý Ly chuyên quyền, âm mưu cướp ngôi của họ Trần. Trần Khát Chân cùng nhiều tướng lãnh và quan văn lập mưu giết Hồ Quý Ly khi Hồ Quý Ly bước vào dự Hội thề tại Đốn Sơn, Thanh Hóa. Nhưng vì sự chần chừ của Trần Khát Chân và tin tức bị lộ, Hồ Quý Ly đã ra tay trước, giết chết Trần Khát Chân cùng với 370 người, rồi sau đó cướp ngôi của nhà Trần vào năm 1400. Thượng tướng Trần Khát Chân mất vào năm 1399, khi vừa tròn 29 tuổi.

Để tưởng nhớ công lao đánh bại quân Chiêm Thành, người dân trong vùng lập đền thờ ông ở làng Phương Nhai và vùng Kẻ Mơ. Hiện trong nước có nhiều đường phố và trường học mang tên ông.

*****

Sách sử Việt ghi, mấy ngàn năm trước có Phù Đổng Thiên Vương, Trưng Nữ Vương, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt , Trần Hưng Đạo, Quang Trung .v.v. đã “giương cao ngọn cờ tự chủ”“dàn sâu thế trận Đồng Tâm”, đánh đuổi kẻ thù phương Bắc ra khỏi bờ cõi với khí thế ngạo nghễ “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”.

Nhà Trần trong thời buổi “suy vi điên đảo” vẫn có nhiều anh hùng như Trần Khát Chân xuất hiện. Trong thời cận đại, khi “Tổ Quốc lâm nguy” đều xuất hiện các nghĩa sĩ đứng ra bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Và gần đây nhất, mặc dù bị đàn áp tàn nhẫn, bị lâm cảnh tù đày, bị thủ tiêu, nhưng vẫn có nhiều người yêu nước dám đứng lên đấu tranh chống bạo quyền Cộng Sản vì nhận thức rõ ràng, tập đoàn lãnh đạo CSVN đang đưa đất nước vào thời kỳ Bắc Thuộc mới. Ách nô lệ ngàn năm trước, một lần nữa sẽ tròng lên đầu, lên cổ người dân Việt khi hiểm họa ngoại xâm lần này trở thành hiện thực và đó chính là động lực thúc đẩy làn sóng đấu tranh ngày càng dâng cao.

Những việc làm cho Tổ Quốc của những người dân yêu nước này sẽ được ghi vào trang sử và tên tuổi sẽ sống mãi trong lòng dân tộc như đức Trần Bình Trọng và Trần Khát Chân thuở nào.

Những người yêu nước đã và đang bị tù tội đều có quyền tự hào và hãnh diện về việc làm của bản thân mình, vì giòng máu bất khuất của nòi giống Tiên Rồng vẫn đang luân chảy trong tim, quyết không để đất nước Việt Nam trở thành quận huyện của Tàu Cộng phương Bắc.

No comments:

Post a Comment