Monday, June 14, 2021

Trung Quốc một trăm năm cô đơn

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, Trung Quốc trở thành mối đe dọa lớn cho nền hòa bình của nhân loại không phải vì người dân Trung Hoa, mà chính vì bản tính hung hăng tàn ác của đảng CS nước này.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Trung Quốc một trăm năm cô đơn”_ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Hiếu Chân

Chỉ một tháng nữa ở Trung Quốc sẽ diễn ra sự kiện chính trị lớn nhất trong nhiều năm: đại lễ kỷ niệm đệ bách chu niên (100 năm) ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc – đảng chính trị lớn nhất và quyền lực nhất hành tinh. Chưa bao giờ Trung Quốc giàu mạnh như lúc này, nhưng cũng chưa bao giờ đất nước 1.4 tỷ dân lại cảm thấy cô đơn và bị thế giới xa lánh như lúc này.

 

Hoa Kỳ là một đất nước bị chia rẽ trầm trọng. Hầu như mọi ý tưởng, đề nghị đưa ra nghị trường đều có hai luồng tư tưởng ủng hộ và phản đối, quyết liệt như nhau, bất phân thắng bại, từ chuyện trợ cấp cho người thất nghiệp đến vụ điều tra cuộc bạo loạn tấn công tòa nhà Quốc Hội. Nhưng có một chuyện cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều đồng ý với nhau cao độ: mối đe dọa từ Trung Quốc.

 

Tổng Thống Joe Biden có lần nói: “Người Trung Quốc đang ăn mất bữa trưa của chúng ta.” Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) thì cho rằng Trung Quốc đang đi gần tới mục tiêu thống trị cả thế giới.

 

Có một vấn đề thời sự rất nóng mà quan điểm của hai đảng đang tiệm cận với nhau: nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Từ chỗ cho rằng virus SARS-Cov-2 gây đại dịch có nguồn gốc tự nhiên, truyền nhiễm sang con người một cách ngẫu nhiên từ động vật, cụ thể là con dơi, giới khoa học dần dần chuyển sang giả thuyết SARS-Cov-2 bị rò rỉ ra cộng đồng từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

 

Từ đầu dịch đến nay, giả thuyết “rò rỉ từ phòng thí nghiệm” luôn bị giới khoa bảng và truyền thông cho là sai lầm, là “thuyết âm mưu” nhằm đổ tội cho Trung Quốc dù cựu Tổng Thống Donald Trump và các giới chức hàng đầu của đảng Cộng Hòa nhiều lần nói bóng gió rằng Hoa Kỳ “có bằng chứng” rằng virus gây đại dịch COVID-19 đã sổng ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán sau một tai nạn.

 

Đảng Dân Chủ – vốn bác bỏ mọi tuyên bố của ông Trump bất kể đúng sai – cho rằng giả thuyết “phòng thí nghiệm” chẳng qua chỉ là thủ đoạn đánh lạc hướng dư luận khỏi thành tích kém cỏi của chính quyền Trump trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

 

Thế nhưng, quan điểm của đảng Dân Chủ đã thay đổi, chuyển sang ủng hộ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, gần với quan điểm của đảng Cộng Hòa. Sau khi nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới đăng thư ngỏ yêu cầu tổ chức cuộc điều tra độc lập, toàn diện và minh bạch về nguồn gốc của virus Corona, đặc biệt sau khi chính phủ Bắc Kinh bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tổ chức một cuộc điều tra như vậy, lần thứ hai, thì chính phủ Biden đã lên tiếng.

 

Hôm Thứ Tư, 26 Tháng Năm, Tổng Thống Joe Biden yêu cầu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ phải “nỗ lực gấp đôi” để xác định nguồn gốc của virus COVID-19 và báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày. Dù ông Biden chưa xác quyết trong hai giả thuyết về nguồn gốc virus, “tự nhiên” và “phòng thí nghiệm,” giả thuyết nào là đúng, nhưng quyết định đẩy mạnh điều tra ngụ ý bản thân ông đang tin rằng giả thuyết phòng thí nghiệm là có cơ sở, cần được tiếp tục theo đuổi.

 

Ở Châu Á, hình ảnh của Trung Quốc cũng không sáng sủa gì hơn. Hãy xem mối quan hệ của Trung Quốc với Úc, một trong những đối tác thương mại chính của họ. Úc đã quyết đoán hơn đối với Trung Quốc về cả thương mại và nhân quyền nhưng vẫn luôn nỗ lực để duy trì các mối quan hệ mang tính xây dựng.

 

Năm ngoái, Canberra đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Và đáp lại, Bắc Kinh đã tấn công Úc bằng tất cả các loại hạn chế thương mại, cáo buộc chính phủ Úc “đầu độc quan hệ song phương” và đòi Úc phải ngăn cấm báo chí và các viện nghiên cứu của nước này đăng những bài viết tiêu cực về Trung Quốc.

 

Ấn Độ là một trường hợp khác. Năm ngoái, binh lính Trung Quốc xâm nhập và đụng độ với binh lính Ấn Độ ở biên giới trên dãy Hi Mã Lạp Sơn băng giá, chiếm cho Trung Quốc khoảng 100 cây số vuông đất hoang. Nhưng kết quả là Ấn Độ, từ lâu đã không muốn tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc, hiện đã sẵn sàng thay đổi. Ấn Độ đã cấm hàng loạt ứng dụng điện toán của Trung Quốc, loại trừ các công ty Trung Quốc ra khỏi mạng 5G của Ấn Độ và đã cùng Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản thực hiện các cuộc tập trận Hải Quân lớn nhất của họ trong hơn một thập niên qua.

 

Ở Đông Á, Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia xung quanh Biển Đông có rất nhiều câu chuyện của riêng họ về việc Trung Quốc sử dụng các cuộc tuần tra quân sự hung hăng và các hình thức đe dọa khác để khẳng định lợi ích của mình chung quanh các quần đảo Đài Loan, đảo Senkaku của Nhật Bản và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, thậm chí đi sâu xuống quần đảo Natuna của Indonesia và củng cố việc chiếm đóng các bãi cạn Mischief, Scarborough của Philippines…

 

Tất cả những chính sách hung hăng và ngạo mạn của Bắc Kinh đã và đang gây ra những hậu quả trầm  trọng cho hình ảnh toàn cầu của nước này, làm giảm đáng kể sức mạnh mềm mà Trung Quốc đã cố công xây dựng.

 

Cái nhìn tiêu cực đối với Trung Quốc của người Mỹ đã tăng vọt từ 47% vào năm 2017 lên mức đáng kinh ngạc 73% vào năm 2020. Đây không phải là hiện tượng riêng ở Mỹ mà là xu thế chung của thời đại, của thế giới.

 

Hậu quả của lối hành xử đó là Trung Quốc ngày càng bị thế giới văn minh xa lánh, hoặc chỉ duy trì quan hệ ở mức tượng trưng với những lời lẽ lịch sự mà không thực chất.

 

Trong 100 năm kể từ ngày đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập, Trung Quốc chỉ có một giai đoạn ngắn hòa đồng với thế giới khi thực hiện phương châm của Đặng Tiểu Bình, còn trước và sau đó là những thời kỳ phô trương sức mạnh, bành trướng thế lực. Và đó cũng là những thời kỳ Trung Quốc bị cô lập, bị xa lánh trên thế giới./.

No comments:

Post a Comment