Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.Hôi ký do Bá Cơ diễn đọc và sẽ được phát thanh vào mỗi tối thứ tư hàng tuần.Sau đây là bài 18
Vũ Cao Quận
Sáng ngày 2-5-2001, sau bát cháo sáng tranh thủ vài phút trước khi gọi đi cung, tôi cùng Tr.T. và M. nhâm nhi mỗi người một cái bánh trứng, có trà Thái và tráng miệng mỗi người một quả chuối. Suốt hơn một tuần ở tù lần đầu tiên tôi thấy M. vui vẻ và cởi mở: “Nói thật với bác Quận, ở ngoài đời mỗi sáng như thế này em tiêu ít nhất cũng 100.000đ. Vào đây thèm đủ mọi thứ nhưng rồi cũng quen”. Tr.T. nói tiếp: “Tôi đoán ông Quận sắp được tha rồi, vì tôi và bác M. sắp chuyển về chỗ cũ “. Rồi họ kể cho tôi nghe chỗ ở của họ là những buồng giam từ 80 đến 100 người với đủ nỗi khổ: chật chội, nóng bức, ăn uống, tắm giặt… với đủ hạng người việc “chí chóe anh chị” cũng khá thường xuyên. Nhưng ở cái nơi tưởng như u tối đó cũng không thiếu nghĩa cử, những tình người cao thượng, tốt đẹp giữa những người tù với nhau cũng đáng để khối kẻ ngoài đời tự do nhâng nhâng rao giảng đạo đức cũng phải xấu hổ.
Khoảng 8 giờ 30 tôi lại đi cung. Số người hỏi cung vẫn như hôm trước, nhưng có khác là thiếu tá V.N.C. ngồi ở buồng trong chỉ đạo, còn trực tiếp vẫn là 2 trung tá V.L. và V.S.
Hỏi: Quyển sách của anh chúng tôi thấy photo khá nhiều. Vậy anh đã in bao nhiêu quyển và còn cho những ai. Anh có tặng cho các ông Hà Nội không?
Đáp: Tôi không có nhiều tiền nên photo nhiều lần, mỗi lần khi thì 2 quyển, khi thì 3 quyển nên cũng chẳng nhớ cụ thể là bao nhiêu quyển. Có thể là 15 quyển gì đó. Còn nói là tặng thì cũng xin được nói hơi dài dòng một chút, nếu các ông cho phép.
Hỏi: Được thôi, anh cứ nói cụ thể cho chúng tôi nghe.
Đáp: như hôm trước tôi đã nói, tôi có phải nhà văn, nhà quái gì đâu. Ở Hà Nội mới đầu chỉ dám tặng tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và nhạc sĩ Đ.Q.T. Sau được khen là đọc tàm tạm được nên tôi mạnh dạn “phạm thượng” tặng các bậc đàn anh như: trung tướng Trần Độ, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn văn Đào, đại tá nguyên Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự Phạm Quế Dương, cựu chiến binh quyết tử quân Trần Dũng Tiến, nhà báo Cam Ly, nhà nghiên cứu Hán nôm Trần Khuê, lương y Nguyễn Đắc Kính, các cựu chiến binh Trần Bá, Dương Sơn…
Cứ hỏi, cứ đáp xung quanh cuốn sách của tôi rồi cũng hết giờ. Khi trở về buồng giam lúc đi ngang qua chỗ mấy người tù tự giác mặc áo sọc trắng đen đang làm lao động dọn sân thì một người tù đã có tuổi đứng dậy nói khẽ: “Họ đang rất lúng túng khi đưa ông ra xử trước tòa”. Lời nói ngắn gọn của người tù kết hợp với dự đoán của Tr.T. hồi sáng, tôi cũng hơi ngỡ ngàng, vui sướng. Vì trước đây mấy hôm có tin “thoảng” đến tai tôi là có khả năng họ định giam tôi 2 tháng. Chả lẽ họ lại tha mình sớm thế sao? Lúc đó tôi nào đâu có biết những người bạn già của tôi ở Hà Nội như: Thanh Giang và cựu chiến binh quyết tử Trần Dũng Tiến… đã viết những bài phản kháng rất quyết liệt về việc bắt giữ tôi để nhân dân trong nước và thế giới biết.
Buổi chiều sau khi tiếp tục tra hỏi chán chê về cuốn sách, họ đưa ra một quyển về luật xuất bản gì đó, bìa màu lam thẫm và quy tôi tội vi phạm luật in ấn, xuất bản trái phép, có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Mới đầu tôi kiên quyết không nhận, tôi in cho bạn bè đọc, có bán chác gì đâu mà vi phạm pháp luật. Nhưng mọi biện luận của tôi đều vô ích, trước áp đặt của quyền lực, tôi ký nhận. Thôi thì lại chờ ra trước tòa hãy hay. Còn nếu bị phạt tiền thì cứ việc trừ vào đồng lương hưu xương máu cũng được vì tôi tuy “lạc hậu” đẻ những 5 con vịt trời, các cháu đã lớn cả và rất có hiếu sẽ nuôi tôi đến cuối đời, vả lại tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa.
Sáng ngày 3-5-2001, nhân sự hỏi cung tôi vẫn như hôm trước, nhưng có nội dung mới: chiếm dụng bí mật quốc gia.
Hỏi: Chúng tôi khám ở nhà anh, thu được những tài liệu thuộc về bí mật quốc gia như bài nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và bản thông báo của ủy ban dân vận Trung ương về vụ Thái Bình, vi phạm luật này có mức án tù từ…
Lại vẫn chuyện tù từ mấy năm đến mấy năm, hôm nay tôi không còn nhớ nữa. Thì ra họ đang hỏi tôi về “Lược ghi bài nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại hội nghị toàn quốc về xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày 21-5-1999 tại Hà Nội”, và bản thông báo của Ủy Ban Dân vận Trung ương về sự nổi dậy chống bọn cường hào ác bá ở Thái Bình của hàng vạn nông dân Thái Bình. Quái, một bài nói chuyện trước hàng mấy trăm con người của Tổng bí thư thì còn gì là bí mật nữa. Nhưng cứ cho là bí mật đi nữa thì bí mật của đảng đâu phải là bí mật quốc gia. Và tôi có phải là đảng viên đâu mà phải giữ cái “bí mật cho đảng” và thấy cần cho nhiều người cùng đọc. Rồi nữa, cái bản thông báo, đã gọilà thông báo thì còn quái gì là bí mật nữa. Nhưng rồi trước cái La raison du plus fort est toujours la meilleure (lý lẽ của kẻ mạnh luôn luôn đúng), bởi vì 2 cái bản kể trên bị photo nhiều lần nhòe nhoẹt rất khó đọc có in mỗi chữ “mật” theo kiểu dấu củ khoai. Biết thân phận, tôi chả tranh cãi nữa và nhận “tội”.
No comments:
Post a Comment