Sau va chạm giao thông, nữ Chánh văn phòng đảng ủy các khu kinh tế Hải Phòng phát ngôn gây sốc: ‘mạng người không quan trọng’.
Câu này có thể xuất phát trong trạng thái ‘lỡ lời’, tức là không kiểm
soát được điều mình sẽ nói ra. Tuy nhiên, bản chất tích tụ về quan điểm
‘dân là rác’ luôn nằm trong vị Chánh văn phòng đảng ủy này.
Chánh văn phòng đảng ủy, đơn vị cơ sở tương đương cấp quận, và người
ngồi vào vị trí này được bảo hộ bởi cha và mẹ là người có địa vị cao
trong xã hội, thế nhưng sau tất cả, yếu tố con người trong mắt chị không
được cao như vị trí chị đang ngồi.
Trong xã hội xử sự một cách thô bạo, khinh miệt dân như thế thì thử
chị ứng xử với đồng nghiệp, người dân tìm đến cơ quan đó sẽ như thế nào?
Nữ Chánh văn phòng đảng ủy các khu kinh tế Hải Phòng làm dấy lên dự
căm phẫn của cộng đồng xã hội. Một phản hồi của độc giả báo Tuổi Trẻ
châm biếm: Mới có chánh văn phòng mà đã có phong thái “bà”; lên đại biểu
quốc hội chắc xe tăng phải làm bằng giấy để đỡ hư xe bà mất.
Câu chuyện va chạm giao thông đã trở thành một hình ảnh đặc trưng lớn
về giao tiếp giữa quan chức và người dân hiện nay, khi tính đe nẹt
trong lãnh đạo vẫn còn; và người dân thì tự động được cho rằng phải cun
cút, sợ hãi, luồn cúi.
Là đảng viên, ủy quyền cậy thế, ức hiếp người yếu thế trong xã hội,
nhưng chị nữ Chánh văn phòng đảng ủy lại không hiện diện một cách đơn
nhất, mà hiện hữu 100% tại các tỉnh thành. Lý do xuất phát từ việc, cơ
chế xin cho khiến cho đảng viên được ‘đặc quyền, đặc lợi’ thậm chí ‘đặc
cách’ mình trở thành một giai tầng thống trị trong xã hội (chứ không
phải là nhân viên công vụ bình thường nữa). Trong mắt các lãnh đạo, quan
chức (công chức) thì người không có quyền hạn là những con người bị
trị, và số phận, thậm chí tính mạng của họ phụ thuộc nhiều vào tâm lý/
hành vi của lãnh đạo.
Va chạm giao thông, chiếc xe trong mắt lãnh đạo bỗng nhiên trở nên
quan trọng, chức vụ trở nên quan trọng, và trong mắt đảng viên – tình
người và ứng xử gần gũi với dân là thứ xa xỉ phẩm.
Bản chất cuối cùng cũng là ‘dân chủ’ chưa hiện diện trong đời sống
công quyền, hoặc có nơi hiện diện nhưng lại nằm trên báo cáo cuối năm
(dân chủ hình thức), do vậy mà những sự vụ nêu trên diễn như chuyện
thường ngày ở huyện.
May mắn là Việt Nam có sự hiện diện của internet, smartphone và Facebook.
Ba yếu tố hợp thành một công cụ vạn năng để thanh tẩy bớt những tiêu
cực trong hệ thống công quyền, nó tạo cơ hội cho người yếu thế cất lên
tiếng nói, nó kéo sự công bình về phía người dân hơn bằng sự tập hợp
của… dư luận xã hội. Giả như nếu không có nó, thì phía nữ Chánh văn
phòng đảng ủy có thể chửi bới thoải mái, ép anh sinh viên bồi thường và
dọa bỏ tù như cách các ‘quan bà’ thời phong kiến.
Facebook hay internet chống sự lạm quyền, điều chỉnh ứng xử của quan
đối với dân và do đó mà tại những nơi công quyền tồn tại như một quyền
lực ‘trời đánh’, thì lại đâm ra e sợ.
Mới đây nhất, UBND xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng
Tháp gây bức xúc nhân dân vì chính quyền xã này treo bảng cấm quay phim,
chụp ảnh, ngay trụ sở UBND xã vì… sợ mạng xã hội. Biển cấm không có căn
cứ pháp lý, biển cấm ngang nhiên được dựng lại, biển cấm ngăn cản quyền
giám sát của người dân và biển cấm là tư duy tồn tại của hệ cơ chế
‘quyền nực’: Tao có quyền và bọn dân đen mày phải nghe theo.
Từ ‘mạng người không quan trọng’ cho đến ‘sợ mạng xã hội’ có thể nhận
ra, cơ chế – bản chất của tính bạo lực chính quyền khiến cho xã hội
không vận hành đúng như trạng thái của một xã hội bình thường mà nó phải
tuân thủ theo mô hình ‘kín’ – tức: Quan hét ra lửa và dân buộc phải
nghe lời. Quản trị hành chính, dân sự, thay bằng cai trị và lạm quyền.
Khi bản chất này không được giải quyết, khi vấn đề ‘dân làm chủ’ còn
chưa thực thi hóa một cách thực tế, thì những ‘bộc phát’ nêu trên vẫn sẽ
hiện diện./.
Ánh Liên – VNTB
No comments:
Post a Comment