Đó dường như là một nghịch lý. Trong khi các hoạt động ôn hoà của những tổ chức xã hội dân sự khác bị ngăn cản thì việc các tổ chức “hiệp sĩ đường phố” – thực chất cũng là những tổ chức xã hội dân sự, lại được công khai ủng hộ dù tiềm tàng rất nhiều nguy hiểm cho từng cá nhân “hiệp sĩ” lẫn cho toàn xã hội. Giải thích nghịch lý này như một hiện tượng xã hội cần được nhìn từ nhiều phía nhưng từ phía nào cũng thấy lồ lộ sự vô trách nhiệm của chính những cơ quan công quyền.
Có thể những lực lượng vũ trang của chính quyền hiện tại đa phần đều
thấm nhuần cương lĩnh “chiến tranh nhân dân” nên xem việc nhân dân tự tổ
chức chiến đấu chống lại các thế lực xấu là điều bình thường? Cho đến
giờ lực lượng công an vẫn thường nhắc đi nhắc lại “thế trận an ninh quốc
phòng toàn dân”, liệu rằng việc khuyến khích và để tồn tại các lực
lượng hiệp sĩ tự phong này cũng nằm trong cái “thế trận” ấy chăng?
Cũng có lời giải thích rằng những nhân viên công an cấp thấp khi nhìn
vào khối tài sản khổng lồ của những tướng lãnh trong ngành đều thấy
chạnh lòng với mức lương không đủ sống của mình nên chẳng dại gì dấn
thân. Vì vậy, họ để tồn tại các lực lượng “hiệp sĩ” tự phát này để chia
xẻ bớt những nguy hiểm rủi ro.
Tất cả đều là giả thiết và không thể nào chứng thực được. Nhưng, cái
chết của những “hiệp sĩ” vừa qua là có thật. Và sự tắc trách của lực
lượng được giao gìn giữ nội an cũng có thật. Chống tội phạm không phải
là một cuộc chiến tranh, không thể dùng lực lượng “du kích” để “tiêu hao
sinh lực địch”. Không người dân nào có nghĩa vụ liều thân mình để bảo
vệ trị an. Cũng không luật pháp nào trao quyền cho một nhóm người dân để
họ có thể tổ chức tuần tra hay bắt giữ nghi phạm. Cả “hiệp sĩ” lẫn “kẻ
cướp” đều chịu sự kiểm soát của pháp luật và ai trong họ cũng không được
phép miễn trừ trách nhiệm pháp lý.
Một giải thích khác là sự hình thành tự phát của các nhóm hoạt động
xã hội dân sự “Hiệp sĩ đường phố” dường như làm an lòng nhà cầm quyền
rằng các nhóm này không làm ảnh hưởng đến “chính trị”. Thực tế đã chứng
minh, điều mà các “hiệp sĩ” này ghét sau đám ăn cướp, có lẽ đó là những
lý lẽ đi ngược lại các chủ trương của nhà cầm quyền. Do đó, họ tự họp
thành nhóm có hoạt động thường kỳ và chính thức hoạt động mà không gặp
bất kỳ trở ngại nào từ các cơ quan hữu quan, thậm chí họ nhận bằng khen
và được báo chí cổ vũ. Trong khi đó, các hoạt động ôn hoà của những
nhóm xã hội dân sự khác luôn gặp sự cản trở dù đó chỉ là hoạt động vì
môi trường hoặc phản đối lạm dụng tình dục.
“Những nhà cầm quyền vô trách nhiệm cần sự im lặng của những kẻ bị
trị hơn là cần tới bất cứ tính tích cực nào, ngoại trừ tính tích cực mà
họ chế ngự, thống trị được” – Triết gia John Stuart Mill đã viết như
vậy trong tác phẩm Chính Thể Đại Diện. Có suy nghĩ nào của chúng ta khi
liên tưởng đến mô hình “Hiệp sĩ đường phố” không?
Lực lượng công an đã chứng tỏ họ có khả năng thế nào khi tích tắc đã
bắt được ngay hai nghi phạm trong vụ sát hại các “hiệp sĩ”. Theo báo
chí, phải đến 50 cảnh sát bao vây với súng ống đầy đủ để bắt một trong
hai nghi phạm này. Nghi phạm được cho đã ra tay giết hai “hiệp sĩ” đã
dùng lưỡi lê quân đội, thứ vũ khí nếu đâm trúng chỗ yếu hại thì nạn nhân
chắc chắn chết vì không cầm máu được. Trong phần trả lời phỏng vấn trên
giường bệnh viện, một “hiệp sĩ” đang trọng thương cho biết không ai
trong số họ có võ hay ít nhất là kỹ năng thoát hiểm khi đối diện với
hung khí.
Có thể khâm phục tinh thần hiệp nghĩa nhưng không thể cổ vũ người dân
tự đấu tranh bảo vệ mình. Chỉ có những xã hội vô chính phủ thì người
dân mới phải lập ra các đội tự vệ để tự lo cho trị an.
Trung Bảo
No comments:
Post a Comment