“ … Tuyên truyền, phỉnh gạt là kỹ thuật hàng đầu đảng CS vận
dụng để lôi kéo quần chúng. Khi đã lọt vào rọ, đã nhìn thấy bộ mặt thật
của chế độ, nạn nhân cũng không dễ gì vùng vẫy thoát khỏi vì guồng máy
trấn áp bạo lực của tập đoàn thống trị quá sắt máu, man rợ. Cuộc đời nhà
thơ Trần Vàng Sao là một thí dụ tiêu biểu của những nạn nhân này …” Mời
quý thính giả theo dõi Quan Điểm của LLCQ về trường hợp nhà thơ Trần
Vàng Sao, sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát
thanh tối hôm nay.
Thưa quí thính giả,
Tuần qua, các trang mạng xã hội rộ lên về cái chết của nhà thơ Trần Vàng Sao. Nhiều bài viết, ký sự, truyện kể về nhà thơ, cùng một số sáng tác của anh được đăng tải, phân tích, phê bình.
Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 tại Huế, qua đời ngày 9 tháng 5 vừa qua. Là một trong số sinh viên đại học Huế chống chính quyền VNCH, Nguyễn Đính hăng hái tham gia công tác “sinh viên vận” của Cộng Sản tại miền Trung. Sự tích cực, nhiệt thành của Nguyễn Đính đã được cấp trên lưu ý, chuẩn bị kết nạp vào đảng. Tháng 6 năm 1965, Đính là một trong những sinh viên Huế đầu tiên “nhẩy núi”, tức “thoát ly lên rừng” tham gia “kháng chiến chống Mỹ”. Trong “bưng” Nguyễn Đính làm việc trong Ban tuyên huấn thành uỷ Huế. Năm 1970, Nguyễn Đính bị thương và mắc bệnh dạ dày, được đưa ra Bắc chữa trị.
Tại miền Bắc, tận mắt chứng kiến xã hội của “hậu phương lớn”, cảm nhận rõ đời sống người dân, sinh hoạt cả ở mặt nổi, và mặt chìm trong guồng máy chế độ, Nguyễn Đính đã nhìn ra bộ mặt thật của đảng CS. Anh ghi lại những sự việc, nhận định này trong hồi ký. Cán bộ an ninh đảng đọc được hồi ký này và bắt đầu một cuộc “tra cứu” kéo dài nhiều năm vì nghi ngờ Nguyễn Đính do CIA gài vào để phá hoại Đảng.
Trong hồi ký có tên “Tôi bị bắt – Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù”, viết năm 1993, chỉ riêng các nhận định của Nguyễn Đính về giới trí thức Miền Bắc cũng đã bị cán bộ an ninh qui vào các “tội” sau, xin trích nguyên văn:
“Anh ta tỏ ra khinh bỉ giới tri thức miền Bắc, anh cho đó chỉ là những kẻ nói thuội, Đảng dạy gì nói nấy, không có đầu óc suy nghĩ độc lập, sợ. Trí thức, học giả được phân sách gì, tài liệu gì để đọc là phân theo tiêu chuẩn thịt, đường, sữa. Người này tiêu chuẩn một tháng một lạng thịt thì chỉ được đọc sách này, người kia năm lạng một cân thì đọc sách này. Anh nói gì mà vô học thế. Nhưng người viết phê bình văn học… thì chỉ biết trích dẫn Nghị quyết, phê bình văn học miền Nam thì cái gì cũng Mỹ Ngụy hết. Đối với anh ta chỉ có bọn Nhân văn-Giai phẩm phản động chống Đảng mới là nhà văn thực sự.’’
Nguyễn Đính còn bị cán bộ an ninh CS quy kết nhiều trọng tội trong các lãnh vực khác nữa, nào là phản động phá hoại chế độ, bôi bác đường lối đảng, chửi bới Hồ Chí Minh, vân vân… Kết quả là anh bị chuyển từ nơi này qua nơi khác, dù ở chung với nhiều người nhưng bị cô lập, không cho phép được nói chuyện với người chung quanh. Anh cũng bị cúp cả phần thuốc để chữa bịnh dạ dày. Nhưng Anh cho biết, “Tôi chẳng sợ gì cả. Đằng nào thì tôi cũng bị đối xử như một con vật rồi. Tôi phải sống để gặp mẹ tôi”.
Việc cô lập, theo dõi còn kéo dài cả sau khi Nguyễn Đính được chuyển vào Nam sau 30 tháng 4 năm 1975. Anh càng bị nghi ngờ, làm khó dễ khi lập gia đình với con gái một Trung Tá quân đội VNCH. Cả gia đình anh bị đói khổ, thiếu thốn. Phần cuối của cuốn hồi ký ghi lại tình cảnh gia đình phải nhịn đói liên tục nhiều năm.
Tại Việt Nam, dưới sự thống trị của đảng CS, không ít người có cùng cảnh ngộ như nhà thơ Trần Vàng Sao. Chúng ta chỉ không biết những người này vì họ không phải là nhà văn, nhà thơ, nên không có cơ hội và phương tiện trình bày về tâm tư và hoàn cảnh của mình và gia đình mình. Sự kiện này đã được Nguyễn Đính khẳng định khi viết trong hồi ký: “Chế độ này muốn cho tất cả mọi người đều trở thành những kẻ bị thiến hoạn về tư tưởng”.
Và không phải sự nhồi sọ, dối gạt và guồng máy kềm kẹp bằng bạo lực chỉ xẩy ra trong thời trước khi đảng CS mở cửa để hội nhập vào thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Trái lại, các kỹ thuật và phương tiện này vẫn được đảng CS duy trì và tận dụng.
Một ví dụ cụ thể là sự truy bức, kiểm soát của đảng đối với Nguyễn Đính theo anh ngay cả đến cuối đời. Lúc còn sống, dù đã trên 70 tuổi, nhưng sau mỗi lần tiếp ai tại nhà, Nguyễn Đính vẫn phải ghi lại trong một cuốn sổ tay, tên người khách, giờ đến, giờ về, nói những chuyện gì. Sự kiện này đã được nhà báo Trương Duy Nhất, một bạn vong niên của Nguyễn Đính viết trong bài “Trần Vàng Sao, một chút kỷ niệm“ như sau, xin trích, “Tôi nghe tin ông qua đời với một chút bùi ngùi, một chút thương tiếc nhưng cũng có cả một chút vui mừng cho ông. Bùi ngùi bởi tiếc một bậc tài hoa, thương tiếc bởi tiếc một con người tử tế và dễ bao dung đến mức khó tin, và mừng vui cho ông bởi từ nay ông được tự do, những ai đến viếng ông thì con cháu ông ghi sổ, ông không phải ngồi hí hoáy ghi chép…”.
Bài học “Trần Vàng Sao” cho thấy chừng nào đảng CSVN còn ngự trị trên quê hương, chừng đó không ít người dân Việt còn bị đảng “đối xử như những con vật”!
No comments:
Post a Comment