Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
Có nghĩa là:
Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm gươm cổ,
Một đời ta chỉ cúi đầu sùng bái hoa mai.
Hai câu đối được truyền tụng này của Cao Bá Quát đã nói lên tinh thần phản kháng của ông với khí phách hào hùng, quyết tâm đứng lên trừ bạo quyền cứu dân cứu nước và vừa bộc lộ một tâm hồn trong sạch thanh cao, đẹp như hoa mai trắng.
Khoảng giữa thế kỷ 19, nền kinh tế Việt Nam suy thoái trầm trọng. Thêm vào đó, nạn chiếm đoạt đất đai và tham nhũng của nhiều quan lại, cộng với chế độ thu thuế và lao dịch khắc nghiệt, thêm nhiều thiên tai như bão lụt, hạn hán, ôn dịch và vỡ đê xảy ra liên miên. Tất cả các lý do này đã đẩy người dân vào cảnh tận cùng đau khổ, tứ tán phân ly.
Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ 1847 đến 1862, trước khi vua Tự Đức ký Hòa ước Nhâm Tuất nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, đã có hơn 40 cuộc nổi dậy chống triều đình, trong đó có cuộc nổi dậy của cụ Cao Bá Quát từ 1854 đến 1856 ở Hà Tây là tiêu biểu nhất.
Vào năm 1850, không được lòng một số quan lớn trong triều, cụ Cao Bá Quát rời kinh đô Huế đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Một lần nữa, Cụ về quê sống với tầng lớp dân nghèo, để nghiệm thêm về chính sách hà khắc của triều đình và suy tính phương cách khởi nghĩa. Không lâu sau, lấy cớ về nuôi mẹ già, Cụ từ chức.
Tháng 7 năm 1854 tại Bắc Kỳ, xảy ra nạn dịch châu chấu, mùa màng bị phá sạch, nạn đói hoành hành, mọi người đều ta thán. Nhân thời cơ này, dựa vào lòng dân còn tưởng nhớ nhà Lê, Cụ suy tôn một người thuộc dòng dõi nhà Lê là Lê Duy Cự làm Quân chủ, còn Cụ làm Quốc sư, tập hợp các tầng lớp sĩ phu và các hào mục bí mật chuẩn bị cuộc tổng nổi dậy chống triều Nguyễn tại Hà Nội.
Để nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy, Cụ cho thêu hai dòng chữ lớn trên lá đại kỳ:
Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn,
Mục Dã, Minh điều hữu Võ Thang.
Tạm dịch:
Ở Bình Dương và Đồ Bản không có những ông vua tốt như vua Nghiêu, vua Thuấn.
Nhưng Mục Dã, Minh Điều có những người như Võ Vương, Thành Thang nổi dậy.
Chẳng bao lâu sau, Cụ tập hợp được một lực lượng đông đảo, nhiều nhất là những nông dân nghèo khổ ở miền Trung du. Ngoài ra, lực lượng này còn được giới trí thức, giới võ quan và các lang đạo người Mường tham gia.
Công cuộc khởi nghĩa còn trong giai đoạn chuẩn bị thì bị phát hiện. Vua Tự Đức ra lệnh cho 3 Tổng đốc Hà Ninh, Hưng Tuyên và Bắc Ninh đưa quân đàn áp.
Trước cục diện này, Cụ đang ở Bắc Ninh vội trở về Sơn Tây họp bàn ngày tổng nổi dậy. Do lực lượng ở các tỉnh chưa được chuẩn bị chu đáo, nên khi lệnh khởi nghĩa ban ra thì chỉ có nghĩa quân ở Mỹ Lương do Cụ và Đinh Công Mỹ chỉ huy là kịp điều quân nổi dậy.
Trận mở đầu xảy ra vào tháng 11 (âm lịch) năm 1854 tại Ứng Hòa. Sau khi đánh chiếm được phủ thành này, Cụ cho quân tiến lên hướng Bắc đánh chiếm luôn huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Tháng 12 năm 1854, cánh trung quân do Đô thống Nguyễn Văn Tuân chỉ huy từ Thanh Oai tiến đến Hà Nội, thì gặp quân của triều đình đón đánh ở khu vực xã Đồng Dương và Thạch Bích. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, quân của đôi bên bị thương vong rất nhiều. Nhưng vì yếu kém hơn về quân số và vũ khí, nên các binh đoàn nghĩa quân bị đánh tan, các thủ lĩnh là Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Đình Huấn, Hoàng Đình Nho, Lê Văn Trường… đều bị bắt.
Sau khi cho quân rút khỏi Ứng Hòa và Thanh Oai, cụ Cao Bá Quát tiến đánh huyện Yên Sơn và vây phủ thành Quốc Oai. Đốt phá phủ thành xong, Cụ đưa quân đón đánh quân triều đình do Tổng đốc Nguyễn Bá Nghi chỉ huy. Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt tại làng Sài Sơn và cũng vì không cân bằng lực lượng, nghĩa quân phải rút lui về huyện Phúc Thọ thuộc phủ Quảng Oai.
Bị truy đuổi, Cụ cho quân vượt sông Hồng sang phủ Vĩnh Tường và vì cánh quân chủ lực của Cụ suy yếu nên phải quay về Mỹ Lương nhập với đoàn quân của Bạch Công Trân cùng lo chấn chỉnh đội ngũ, bổ sung lực lượng bằng cách tuyển mộ thêm nghĩa binh miền núi.
Vào đầu năm dương lịch 1855, Cụ đem quân tấn công huyện Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây là Lê Thuận Đại đem quân nghinh chiến. Cuộc chiến đến hồi quyết liệt tại vùng núi Yên Sơn, thì Cụ bị cai đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Tiếp theo, Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Văn Trực cũng lần lượt bị bắt giết.
Mặc dù mất Quốc sư và nhiều thủ lãnh, quân khởi nghĩa vẫn chiến đấu nhưng sau đó các đội ngũ từ từ tan rã hẳn.
Đề cập đến Cụ, giáo sư Nguyễn Phan Quang viết:
“Thực ra, cũng như bao sĩ phu khác, Cao Bá Quát vào đời bằng con đường khoa cử và muốn giúp đời bằng con đường làm quan, nhưng càng ngày ông càng cảm thấy bế tắc. Hàng ngày, ông nhìn thấy bao cảnh đói khổ của nông dân và bất công của xã hội. Tuy có lúc ông tỏ ra bi quan chán nản, nhưng vốn tính kiên cường, ông không thể tìm lối thoát nào khác ngoài con đường vùng dậy đấu tranh. Và cuộc khởi nghĩa do chính ông vận động và tổ chức là một hệ quả tất yếu”.
Một người mang tấm lòng nhiệt huyết, can đảm đứng lên chống triều đình để đưa đất nước ra khỏi cơn quốc nạn. Mặc dù thất bại, nhưng tên tuổi cụ Cao Bá Quát và các nghĩa quân vẫn có vị trí sáng ngời trong tâm hồn của người Việt. Tinh thần bất khuất của Cụ chính là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu trong tình thế Tổ quốc lâm nguy hiện nay.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment