Nhà nước đầu tư mở rộng đường BOT mới ra hai bên như Pháp Vân – Cầu Giẽ đang làm nhưng không thu phí. Trạm thu phí BOT chuyển vào đường rẽ và chỉ thu tiền những xe chọn đường BOT, còn bên nhà nước thì miễn phí.
Quốc lộ 1 đi qua thị trấn Cai Lậy được nhà thầu BOT xây thêm một đường vòng dài 12km không qua thị trấn. Người ta gọi đó là đường vành đai hay vòng xuyến nhằm hướng các phương tiện giao thông không cần vào thành phố thì cứ đường vòng mà đi.
Đó là giải pháp của tất cả các thành phố lớn trên thế giới và kinh phí lấy từ nguồn đóng thuế của dân, kinh phí bảo trì lấy từ phí đường bộ do các xe đăng bạ đóng hàng năm.
BOT thật sự cho phát triển là một đường vành đai khác, đẹp hơn, thuận tiện hơn, nhanh hơn nhưng ai dùng phải trả tiền.
Đường vành đai quanh Washington DC (Capital Beltway) khoảng 100km là một ví dụ. Nhà nước hoàn tất từ 1964 rồi sau một thời gian sử dụng, đường kẹt luôn luôn. Mấy năm gần đây, họ kêu gọi giải pháp và BOT nhảy vào cuộc.
Chính phủ cho phép mở rộng vành đai ra hai phía và đường BOT đặt vào giữa, có bảng báo hiệu bên trả tiền và bên miễn phí. Đi từ Arlington đến điểm rẽ ra Springfield đi trung tâm mua bán nổi tiếng Potomac Mills mất khoảng hơn 2 đô. Ai vội đi mua sắm, muốn đi nhanh vì việc riêng thì cứ trả tiền và chui vào rọ BOT. Ai không vội, ít tiền chọn đường hay bị kẹt xe.
Nhìn cung đường cũng thấy rõ đâu là đẳng cấp. Xe đẹp, xe sang chạy veo veo trên BOT, trong khi xe tải, bán tải, xe cũ, tà tà đi bên ngoài nhưng vẫn nhích tốt. Nhanh chậm mươi phút chẳng là gì nhưng tiết kiệm được vài đô cũng là quí rồi. BOT và không BOT song hành mà không có cạnh tranh. Nếu chính phủ chặn đường đòi phí mãi lộ trên vành đai thì dân Mỹ treo cổ Bộ trưởng Bộ Giao thông.
Đối với đoạn đường rẽ tránh Cai Lậy hiện đã hoàn tất có thể làm tương tự. BOT tư nhân đã “trót” đầu tư, các ông “trót” thò tay lông lá rồi, há miệng mắc quai, chả lẽ đóng cửa. Giải pháp khác tạm ổn như Capital Beltway là mở rộng ra hai phía đường mới, mỗi bên hai làn dành cho xe tránh vào thị trấn. ¬Ai thích đi nhanh chọn đường BOT ở giữa, ai ít tiền đi đường nhà nước xây. Đây mới gọi là nhà nước và nhân dân cùng làm.
Muốn thu phí thì phải có đường cho người ta lựa chọn không mất phí. Rải mặt đường một chút gọi là, kẻ lại vạch sơn cho mới kiểu photoshop như cô gái làm đẹp lừa trai già thì vẫn là kiểu trấn lột. Chuyển BOT vào đường rẽ và cấm xe tải nặng đi qua thị trấn Cai Lậy vẫn là kiểu trấn lột khác, sẽ còn chuyện tiền lẻ, tiền chẵn.
Năm 2012 có cuốn sách nổi tiếng “Why Nations Fail – Tại sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả là Daron Acemoglu gốc Thổ Nhĩ Kỳ thuộc viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT) và nhà khoa học của Anh là James A. Robinson làm việc tại Đại học Harvard. Dựa vào những kiến thức kinh điển về thể chế, phát triển và lịch sử, hai ông đưa ra những kiến giải, tại sao các quốc gia phát triển khác nhau, một số thành công, một số thất bại, một số lại đứng im dựa vào thể chế kinh tế dung nạp hay tước đoạt.
Thể chế kinh tế dung nạp cho phép và khuyến khích sự tham gia đông đảo của người dân trong các hoạt động kinh tế giúp cho nội lực của mỗi người được sử dụng tốt nhất và cho phép dân chúng được lựa chọn điều mình mong muốn. Thể chế kinh tế này có tính đặc trưng là sự bảo đảm quyền tài sản cá nhân, một hệ thống pháp luật không thiên vị, dịch vụ công bình đẳng để mọi người có thể trao đổi và hợp đồng với nhau, cho phép sự tham gia của các hoạt động kinh doanh mới.
Thể chế kinh tế tước đoạt là thể chế không có được các đặc trưng nêu trên mà ở đó chúng được thiết kế để tước đoạt hay khai thác thu nhập hay của cải của nhóm này để phục vụ cho một nhóm khác. Nói một cách đơn giản là thu nhập hay của cải của số đông người dân được khai thác để phục vụ cho một nhóm nhỏ những người cầm quyền và một số ít đối tượng liên quan. Cái cách mà BOT Cai Lậy đang làm thuộc về thể chế kinh tế tước đoạt, không cho người dân một lựa chọn nào khác. Sự thất bại là nhãn tiền vì xung đột lợi ích, không thể dùng công an, cảnh sát và an ninh để bảo vệ BOT.
Quốc gia muốn ổn định chính trị để phát triển thì không thể để ung nhọt kiểu BOT Cai Lậy mà cần hướng tới thể chế kinh tế dung nạp thay vì chiếm đoạt.
Giải pháp cho vấn nạn kẹt xe tại các thành phố đang mở rộng là lập đường mới rộng rãi, chạy êm, chạy nhanh khi cần đi gấp và dĩ nhiên phải trả tiền nhưng vẫn duy trì đường lộ miễn phí cho người ít tiền, tôn trọng dân để dân được quyền lựa chọn.
Hiệu Minh
No comments:
Post a Comment