TÌNH TRẠNG SẠT LỞ BỜ SÔNG ĐANG TRÀN LAN Ở CÁC TỈNH MIỀN NAM
Theo lời kể của người dân, trong tháng 4 vừa qua đã có 3 vụ sạt lở liên tiếp ở bờ sông Tiền, với tổng chiều dài hơn 200 thước và chiều sâu từ 15 đến 30 thước, đe dọa hàng trăm căn nhà ở ven sông. Một số căn nhà đã đổ sập xuống sông trong 3 trận sạt lở, nhưng may mắn là không có ai bị thiệt mạng.
Cần nhắc lại là trong tháng 4 vừa qua, một số khu vực ở hai bờ sông Hậu cũng diễn ra tình trạng sạt lở sâu vào trong đất liền, với hàng chục căn nhà bị đổ sập xuống sông ở tỉnh An Giang, mà nguyên nhân chính yếu là do tình trạng khai thác cát bừa bãi ở các lòng sông.
Trước mối đe dọa này, nhà cầm quyền tỉnh Đồng Tháp đã ra lệnh di tản 200 gia đình đang sống dọc theo quốc lộ 30, nối liền thị xã Hồng Ngự đến biên giới Campuchia.
HÀNG HÓA VN KHÔNG CẠNH TRANH NỔI Ở THỊ TRƯỜNG CAMPUCHIA
Không chỉ yếu kém trong việc cạnh tranh trên thị trường thế giới, hàng hóa VN hiện không thể chen chân vào thị trường Campuchia. Điều thê thảm hơn nữa là lượng hàng hóa Campuchia nhập cảng vào VN càng lúc càng gia tăng.
Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan VN thì trong vòng 5 năm qua, lượng hàng hóa VN xuất cảng sang Campuchia đang giảm dần. Nếu vào năm 2011, tổng giá trị xuất cảng qua Campuchia là 2 tỷ 800 triệu Mỹ kim, thì đến năm ngoái đã giảm xuống còn 2 tỷ 200 triệu. Ngược lại, tổng giá trị hàng hóa nhập cảng từ Campuchia lại gia tăng từ mức 430 triệu Mỹ kim vào năm 2011, lên đến 726 triệu Mỹ kim vào năm ngoái.
Theo số liệu của tổng cục nói trên thì các mặt hàng xuất cảng chủ yếu của VN là xăng dầu, sắt thép và quần áo, trong khi Campuchia xuất cảng sang VN các loại gỗ, hạt điều, cao su và đậu nành.
VN THÂM THỦNG MẬU DỊCH GẦN 3 TỶ MỸ KIM TRONG 4 THÁNG QUA
Tổng cục Thống kê VN vào cuối tuần qua công bố số liệu cho thấy là trong vòng 4 tháng đầu năm nay, VN đã thâm thủng mậu dịch gần 3 tỷ Mỹ kim.
Tính tổng cộng trong vòng 4 tháng qua, VN xuất cảng khoảng 61 tỷ Mỹ kim, chiếm đa số là hàng hóa do các công ty ngoại quốc làm chủ ở VN. Tuy nhiên lượng hàng hóa nhập cảng khoảng 64 tỷ, với Trung Cộng vẫn là nước xuất cảng hàng hóa nhiều nhất sang VN, lên đến 18 tỷ Mỹ kim.
KHỐI ASEAN NÉ TRÁNH VIỆC TRUNG CỘNG QUÂN SỰ HÓA BIỂN ĐÔNG
Trong bản tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần qua, khối ASEAN không hề nhắc đến việc Trung Cộng xây dựng hàng loạt pháo đài quân sự trên các hòn đảo, mà Trung Cộng tấn chiếm được ở Biển Đông.
Được biết bản tuyên bố này đã bôi xóa đoạn văn trong dự thảo trước đó, có nội dung nhắc đến việc “bồi đắp hải đảo và quân sự hóa” vùng biển này. Đoạn văn nói trên từng được nêu lên trong bản tuyên bố chung vào năm ngoái, nhưng năm nay lại bị xóa bỏ hoàn toàn, cho thấy là khối ASEAN đã thay đổi lập trường trước các áp lực và thủ đoạn mua chuộc của Trung Cộng.
Lập trường mềm mỏng và nhu nhược nói trên đã được giới quan sát viên tiên đoán trước, vì chủ tịch khối này trong năm nay là Philippines, và trong thời gian qua Tổng thống Phi Rodrigo Duterte nhiều lần tuyên bố là Phi không thể chống đỡ được sự bành trướng của Trung Cộng trong khu vực.
Trong cuộc họp báo sau khi bế mạc hội nghị vào hôm thứ Bảy, ông Duterte còn bày tỏ hy vọng là khối ASEAN và Trung Cộng sẽ hoàn tất được bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, sau hơn 10 năm đàm phán.
TRUNG CỘNG TRÌNH LÀNG CHIẾC THỦY PHI CƠ LỚN NHẤT THẾ GIỚI
Vào cuối tuần qua, Trung Cộng vừa mang ra trình làng chiếc thủy phi cơ (Flying boat AVIC) lớn nhất thế giới do nước này chế tạo, có mã danh là AG600.
Theo Tân Hoa Xã, thì chiếc thủy phi cơ này được sử dụng vào mục đích cấp cứu các tai nạn trên biển, nhưng thòng thêm một câu là nó cũng được dùng để giám sát và bảo vệ biển cả.
Chiếc AG600 vào hôm qua đã thực hiện chuyến bay đầu tiên, nhưng Trung Cộng không cho biết rõ về mức trọng tải và tầm hoạt động của nó là bao xa.
No comments:
Post a Comment