ĐÀI LOAN PHÁ VỠ ĐƯỜNG DÂY NHẬP LẬU TRẺ EM VN
Sở Di trú Đài Loan vừa phá vỡ một đường dây nhập lậu trẻ em VN vào đảo quốc này, với giá cả từ 3 đến 7 ngàn Mỹ kim mỗi đầu người.
Đa số những trẻ em nói trên là thân nhân của những phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan, trong độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi. Sau khi đặt chân đến Đài Loan bằng giấy tờ giả, các em này bị đưa đến làm việc ở các trang trại trồng trà hay các tiệm hớt tóc.
Cảnh sát Đài Loan đã bắt giữ 34 người trong chiến dịch bố ráp vào tuần qua sau gần một năm mở cuộc điều tra. Hiện giới chức di trú Đài Loan đang phối hợp với bộ công an VN để lùng kiếm thêm các trẻ em đã nhập lậu vào Đài Loan trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016.
LÒ LUYỆN THÉP SỐ 1 CỦA NHÁ MÁY FORMOSA CHÍNH THỨC KHỞI ĐỘNG
Vào chiều hôm qua, 29/5, nhà máy Formosa đã chính thức tái khởi động lò luyện thép số 1, hơn một năm sau khi gây thảm họa cá chết hàng loạt ở ven biển 4 tỉnh miền trung.
Tin này được tổng cục phó môi trường VN, Hoàng Dương Tùng, xác nhận trong buổi họp báo vào chiều hôm qua. Ông Tùng cho biết là vào tuần trước, một phái đoàn giám sát của nhiều bộ ngành và chuyên gia đã đến khu vực nhà máy ở khu Vũng Áng – Hà Tĩnh để giám sát việc tái khởi động lò luyện thép số 1. Kết quả vận hành trong 24 giờ sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Cần nhắc lại, nhà máy Formosa – Hà Tĩnh chính là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường ở vùng biển miền trung kể từ tháng 4 năm ngoái. Hàng triệu gia đình sống bằng ngành ngư nghiệp ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên đã lâm vào cảnh thất nghiệp hơn một năm qua. Theo yêu cầu của nhà nước VN, tập đoàn Formosa đã nộp phạt 500 triệu Mỹ kim tiền bồi thường cho thảm họa này. Tuy nhiên rất nhiều gia đình hiện vẫn chưa được tiền bồi thường, hay chỉ được nhận một khoản tiền tượng trưng.
CỤC TRƯỞNG CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN BỊ MẤT CHỨC VÌ LẠM QUYỀN
Cục trưởng cái gọi là “cục nghệ thuật biễu diễn”, ông Nguyễn Đăng Chương, đã trở thành con dê tế thần để xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận sau vụ cấm đoán một số bản nhạc sáng tác dưới thời VNCH nhưng rất thịnh hành trong dân gian.
Theo báo chí lề đảng thì người thay thế ông Chương sẽ là ông Vương Duy Biên, hiện nắm chức thứ trưởng bộ văn hóa, thể thao và du lịch.
Cần nhắc lại là sau khi bị dư luận chỉ trích dữ dội, ông Chương đã lên tiếng xin lỗi và hủy bỏ lệnh cấm ca hát một số bản nhạc.
ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN LẠI BIẾN THÀNH SÔNG HỒ
“Hòn ngọc Viễn Đông” Sài Gòn vào chiều tối hôm qua lại biến thành “Hòn ngập Viễn Đông” sau cơn mưa lớn kéo dài vài tiếng đồng hồ. Đến nửa đêm hôm qua, tại hầu hết các quận huyện, người dân vẫn tiếp tục lội trong dòng nước sâu để về nhà.
Chỉ vài tiếng trước đó, khi đường phố còn khô ráo, tân bí thư thành uỷ, Nguyễn Thiện Nhân, đã đến thăm một số nơi thường xuyên bị ngập nặng trước đây ở quận Bình Thạnh như đường Nguyễn Hữa Cảnh và Võ Duy Ninh. Tại đây ông Nhân được người dân cho biết là có những con hẻm mỗi năm bị ngập lụt khoảng 10 lần, có lần đến 2 ngày sau nước vẫn chưa rút hết.
Cần nhắc lại là hơn 20 năm qua, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã liên tục đưa ra nhiều dự án giải quyết tình trạng ngập lụt, với tổng số vốn vay mượn lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim. Thế nhưng càng xây thì tình trạng ngập lụt lại càng nặng nề hơn.
DỰ ÁN TÀU CÁ VỎ THÉP ĐANG TRÊN ĐƯỜNG PHÁ SẢN
Sau hai năm rầm rộ ca tụng, dự án đóng tàu vỏ thép cho ngư dân đang co nguy cơ phá sản, tương tự như rất nhiều dự án lớn nhỏ khác do tập đoàn lãnh đạo CSVN đề ra.
Nguyên nhân chính yếu là sau khi ra biển chỉ vài lần thì các tàu này bị hư hỏng nặng nề, khiến nhiều ngư dân bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tại tỉnh Bình Định, trong số 9 tàu vỏ thép được nhà nước trợ giúp để đóng theo nghị định 67, thì chỉ có một con tàu chuẩn bị ra khơi, 7 chiếc đang nằm ụ vì hư hỏng và một tàu thì không đủ thiết bị để đánh cá.
Tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chủ nhân các con tàu vỏ thép này cho biết là sau mỗi lần ra khơi thì đều phải tu bổ, với phí tổn còn cao hơn lợi tức kiếm được. Theo nghị định 67 nói trên thì phí tổn tu bổ sẽ do nhà nước tài trợ, nhưng thực tế thì chẳng có chủ tàu nào nhận được hoàn trả số tiền này.
ĐOÀN THỊ HƯƠNG LẠI RA HẦU TÒA MÃ LAI VỀ VỤ ÁM SÁT KIM JONG-NAM
Cô Đoàn Thị Hương, một trong số hai nghi phạm ám sát ông Kim Jong-nam, lại bị áp giải ra hầu tòa tại Mã Lai vào sáng hôm nay sau 6 tuần được gia hạn để giới hữu trách thu thập thêm bằng chứng.
Theo cáo trạng thì cô Hương và cô Siti Aisyah, một phụ nữ Nam Dương, là hai người đã ra ám sát bằng cách tẩm thuốc độc vào một chiếc khăn tay và ập lên mặt ông Kim Jong-nam khi ông này đang chờ đáp may tại phi trường Kuala Lumpur vào ngày 13/2. Cả hai cô đều là công nhân ngoại quốc đang làm việc tại Mã Lai, và đều xuất thân ở nông thôn.
Giới luật sư bào chữa đưa ra lập luận là hai cô Hương và Siti bị gián điệp Bắc Hàn lường gạt là đóng một màn hài kịch cho một đài truyền hình, chứ không phải là sát thủ. Tuy nhiên công tố viện Mã Lai bác bỏ lập luận này và khẳng định là hai cô biết rõ việc mình làm và đã chuẩn bị cuộc tẩu thoát về nước sau khi ra tay ám sát ông Kim.
Cần biết là nếu bị tòa án kết tội giết người, cả hai có thể lãnh án tử hình theo luật lệ của Mã Lai.
No comments:
Post a Comment