Thưa quí thinh giả,
Hậu quả do Formosa gây ra không những chỉ làm ô nhiễm vùng biển của Việt Nam, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và tuyệt vọng, mà còn gây ra những hệ lụy to lớn khác. Một trong các hậu quả là người dân không còn tin tưởng gì vào nhà cầm quyền CSVN nữa. Để cố gắng lấy lại sự mất mát ấy, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã phải sử dụng đến những chiêu trò bỉ ổi, mà lẽ ra chỉ dành cho bọn du thủ du thực, bọn côn đồ, bọn đầu đường xó chợ dùng, để thanh toán nhau mà thôi. Nhưng suy nghĩ cho cùng, thì chính bọn côn đồ lại là công cụ hữu hiệu, là tay sai đắc lực của công an, của nhà nước, đã và đang được sử dụng để khủng bố người dân khắp các nơi. Dầu không muốn đánh đồng nhà cầm quyền với côn đồ, nhưng qua cách hành xử, thì không thấy sự khác biệt giữa hai thành phần này.
Nhằm triệt hạ hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục, mà nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An xem như cái gai trước mắt cần phải nhổ đi; sau nhiều cố gắng và thủ thuật, như vu cáo các vị này cấu kết với các thế lực thù địch nước ngoài, nhận tiền để kích động quần chúng, xúi dân đi khiếu kiện, chống đối nhà nước và đảng CS, phủ nhận các thành quả của cách mạng. Rồi yêu cầu giám mục Nguyễn Thái Hợp phải thuyên chuyển LM Đặng Hữu Nam ra khỏi tỉnh. Nhưng những động thái ấy tỏ ra vô hiệu; nên nhà cầm quyền đã phải dùng đến quyền lực để huy động đảng viên, cùng các tổ chức ngoại vi do đảng nặn ra, như Hội Liên Hiệp Phụ Nữ huyện Quỳnh Lưu, thanh niên, cựu chiến binh. Kể cà ép buộc hoc sinh các trường trung tiểu học phải đi biểu tình, cho đó là ý dân tự phát. Cuộc biểu tình với gậy gộc và cờ xí rợp trời, trên những khuôn mặt đằng đằng sát khí, đọc những bài lên án soạn sẵn rất hùng hồn, rất khí thế. Giá mà cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược được như thế, thì thật là phúc đức cho dân Việt Nam chúng ta biết mấy!
Để tạo dư luận cho cuộc đấu tố trên, trung ương đảng CS ra lệnh cho các bồi bút và hệ thống truyền thông nhà nước như TV, báo chí đồng loạt đưa tin sai lạc, xuyên tạc những việc làm vì dân vì nước, vì nạn nhân của Formosa của các linh mục. Truyền thông nhà nước ngày 6/5 đưa tin một cuộc biểu tình ở Nghệ An để phản đối Linh mục Đặng Hữu Nam, họ cáo buộc LM Nam đã hành động trái pháp luật, bóp méo chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và rao giảng nói xấu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mà đúng ra lời phát biểu của LM Nam về ngày 30 tháng Tư như sau, (chúng tôi xin trích): “Ngày 30/4 là ngày mà dân tộc Việt Nam mất đi tự do, ngày mà người dân không có quyền làm người, ngày đã làm cho đất nước tang thương, ngày đã đưa đất nước trở thành lạc hậu, nghèo đói, ngày mà Việt Nam mất đi cơ hội phát triển, ngày đã tạo nên bất công trên mọi miền đất nước…” (hết trích).
Từ đó người biểu tình đấu tố đã kiến nghị cơ quan chức năng phải truy tố LM Đặng Hữu Nam về những sai phạm pháp luật. Có chỗ còn tròng điều 88 và 258 của bộ luật hình sự vào cổ linh mục Nam, để kết án ông này từ tù chung thân đến tử hình nữa!
Vế phía LM Đặng Hữu Nam, trước những đe dọa của nhà cầm quyền, thay vì hô hào giáo dân cũng xuống đường biểu tình, ủng hô những việc làm có ý nghĩa của ông, thì ngược lại ông đã lên tiếng hoan nghênh việc nhà nước tổ chức biểu tình. Ông cho rằng đây là một bước tiến bộ, vì hiến pháp VN đã qui định quyền ấy, nhưng nhà nước lấy lý do chưa có luật biểu tình, nên vẫn ngăn cấm các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân. Chẳng những thế, ông còn kêu gọi giáo dân đem nước, sữa và kẹo bánh mời những người biểu tình nữa. Cách ứng xử rất độc đáo của LM Nam, khiến ông càng có thêm uy tín, mặc dầu mục đích cuộc biểu tình là để tố khổ ông. Đúng như thế, ngoài việc 19 linh mục trong vùng đã lên tiếng bênh vực LM Nam, còn có rất nhiều tiếng nói của người dân, của các tổ chức, các nhà đấu tranh, các trí thức trong và ngoài nước lên tiếng chỉ trích việc làm của nhà cấm quyền và hỗ trợ linh mục Nam.
Qua những sự kiên trên đây chúng tôi cho rằng:
1. Cách ứng xử của nhà cầm quyền Nghệ An nói riêng và đảng CSVN nói chung, khiến người dân phải xa lánh, nên họ phải bám vào một bộ phận dân chúng là đảng viên và những người bị áp lực hay bị mua chuộc. Hành động này gây ra sự chia rẽ trong dân chúng, đặt cộng đồng người công giáo vào thế đối lập với nhà nước sâu sắc hơn, và với một thành phần dân chúng theo đảng CS. Làm suy giảm sức mạnh của toàn dân, không còn sức đề kháng trong khi giặc Phương Bắc đang lấn tới.
2. Nhà cầm quyền không dám nhìn thẳng vào sự kiện Formosa và những hệ lụy của nó, nên tìm cách lấp liếm, bao che để trục lợi, khiến người dân càng nhìn thấy rõ hơn áp lực từ Trung Cộng đè nặng trên đảng CSVN.
Khi một nhà nước đã phải dùng đến một bộ phân dân chúng, để làm khiên thuẫn che chống cho âm mưu đen tối của mình, hòng chống lại một thành phần dân chúng khác trong nước, thì nhà cấm quyền ấy chẳng khác nào một cây tự bứng rể khỏi lòng đất. Sớm muộn gì nó cũng héo khô thôi.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ
No comments:
Post a Comment