Saturday, May 20, 2017

QuanĐiểm

Thưa quí thinh giả,
Tại Bắc Kinh hôm 15/5/2017 vừa kết thúc hội nghị “Một vành đai, một con đường” theo sáng kiến của Tập Cận Bình. Có 29 quốc gia tham dự hôi nghị này, trong ấy có phái đoàn của Việt Nam do Trần Đại Quang cầm đầu.
“Một vành đai, một con đường” là tên rút ngắn của kế hoạch “Vành Đai Kinh Tế Con Đường Tơ Tụa” và “Con Đường Tơ Lụa Trên Biển thế kỷ 21”. Đây là một phương án của Trung Cộng, nhằm nối kết 65 quốc gia, với dân số đến 4.4 tỷ người. Tập Cận Bình đã đưa ra phương án này với tham vọng bành trướng kinh tế và chính trị, nhằm biến TC trở thành lãnh đạo số một của thế giới.
Mô hình Tập Cận Bình vạch ra nhằm nối kết thế giới với Trung Cộng qua 6 tuyến đường bộ và một tuyến đường biển. Nói cho rõ hơn, thì đây là 7 hành lang kinh tế giao thương để TC tiêu thụ hàng hóa rẻ của mình. Một trong 6 tuyến đường bộ sẽ nối kết với Bán Đảo Đông Dương, chạy xuyên qua Việt Miên Lào xuống Singapore. Hành lang thứ 7 gọi là “Tơ Lụa trên biển” phát xuất từ bờ biển Trung Hoa xuống Singapore, qua Ấn Độ, tới vùng biển Địa Trung Hải để kết nối với Bắc Đại Tây Dương và vùng bắc Châu Phi.
Riêng với Việt Nam, trước tham vọng bành trướng của Trung Cộng, một anh hàng xóm rất nham hiểm, với 1.4 tỷ dân, luôn có âm mưu thôn tính nước ta, thì dĩ nhiên Việt Nam phải tuân thủ những gì do Trung Cộng đề ra, và phải thi hành những cam kết giữa hai đảng CS Tàu-Việt trong thời gian qua. Chúng tôi xin nhắc lại những cam kết quan trọng về mặt kinh tế sau đây:
1. Trong chuyến thăm TC của Phan Văn Khải ngày 20/5/2004, Phan Văn Khải đã đề xuật xây dựng “một vành đai, một con đường”. Sau đó thủ tướng TC Ôn Gia Bảo đến Việt Nam, ngày 7/10/2004, hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm chuyên gia có tên Ủy Ban Hợp Tác Kinh Tế-Thương Mại Tàu-Việt, nhằm nghiên cứu tiến tới hình thành một hành lang kinh tế “Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh”, “Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh” và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Như vậy, “Hai hành lang, một vành đai” trở thành ý tưởng hợp tác của chính phủ hai nước. Thông qua việc xây dựng “Hai hành lang, một vành đai”.
2. Trong chuyến thăm Tầu của Trương Tấn Sang, từ ngày 19-21 tháng 6 năm 2013, Thông Cáo chung có đoạn như sau: “Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh thuộc khu tự trị của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế – thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển.”
3. Trong chuyến viếng thăm TC của Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12-15/1/2017. TC đã lập lại yêu sách, như trong thông cáo chung có đoạn như sau: “Tăng cường hơn nữa hợp tác thực chất về kinh tế thương mại. Làm tốt quy hoạch chiến lược tổng thể trong hợp tác song phương….. ….triển khai thực hiện có hiệu quả “Bản ghi nhớ về danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công thương Việt Nam với Ủy ban Phát triển và Cải Cách Nhà Nước Trung Quốc”. Tích cực bàn bạc thống nhất để sớm ký kết “Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc”.
4. Lần này, 5 tháng sau, Tập Cận Bình đã nhắc lại với Trần Đại Quang, khi Quang tham dự hội nghị tại Bắc Kinh rằng: “Phía Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu, bàn bạc, ký kết “Thỏa thuận tổng thể chung về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc”.
Trên mặt kinh tế, Việt Nam vẫn kỳ vọng vào TPP, nay TPP không còn triển vọng hồi sinh, nên Việt Nam phải có chân trong khối RCEP do TC chủ xướng, cùng với 9 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á; cũng như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ. Ngoài ra Việt Nam cũng có một số thoả hiệp hợp tác kinh tế song phương với Hoa Kỳ, Châu Âu, và một số quốc gia khác. Nhưng hiện nay, thương vụ giữa TC-VN vẫn vẫn quan trọng hơn cả, với trên 70 tỷ USD, và nhập siêu có thể lên đến 50 tỷ USD trong năm 2017. Trần Đại Quang còn muốn đẩy thương vụ lên 100 tỷ, thì tất nhiên thâm thủng mậu dịch sẽ lên cao, và VN sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào TC.
Trên mặt an ninh lãnh thổ, nếu những cam kết trên đây được thực hiện, có nghĩa là Việt Nam sẽ mở toang biên giới của 7 tỉnh giáp ranh với TC, có chiều dài 1500 cây số, để cho người Hoa tràn vào Việt Nam dưới hình thức khu thương mại hỗn hợp hai bên. Đây là một hình thức đầu hàng vô điều kiện về phía VN, và là một bằng chứng bán nước cho TC một cách êm thắm.
Tóm lại CSVN đã hoan hỉ chui đầu vào cái rọ “một vòng đai, một con đường” do TC giăng ra, rồi sẽ đưa Việt Nam vào một thời kỳ đô hộ mới của Tàu Cộng, như lời cảnh báo của cựu ngoại trưởng VN Nguyễn Cơ Thạch trước đây.
Cám ơn quí thinh giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment