Đại diện EU thăm TNLT Đặng Xuân Diệu trong trại giam
Hôm 24/2 vừa qua đại diện của văn phòng chính trị EU đã vào thăm TNLT
Đặng Xuân Diệu ngay tại buồng giam thuộc phân trại K1, Trại giam Xuyên
Mộc, Vũng Tàu. Phía EU cũng đã yêu cầu nhà chức trách trại giam phải cải
thiện tình trạng giam giữ đối với các tù nhân chính trị đang bị giam
giữ nơi đây. Ngoài ra, hai bên cũng đang dàn xếp để người thân được gặp
anh Đặng Xuân Diệu trong thời gian sớm nhất.
Xin được nhắc lại TNLT Đặng Xuân Diệu bị nhà cầm quyền Nghệ An bắt
vào ngày 31/7/2011 và kết án 13 năm tù giam với tội danh "âm mưu lật đổ
chính quyền" theo điều 79, bộ Luật Hình Sự. TNLT Đặng Xuân Diệu không
thừa nhận tội trạng của mình, và nhất quyết không mặc áo tù vì cho rằng
mình không có tội. Kể từ ngày anh bị bắt đến giờ, người thân chưa một
lần được gặp anh. Trước đó, TNLT Đặng Xuân Diệu đã nhiều lần tuyệt thực
để yêu cầu cán bộ trại giam thực hiện đúng pháp luật và quyền con người
đã được Công ước Quốc tế thừa nhận. Chính vì vậy mà anh đã bị chuyển
trại từ Trại giam số 5 Thanh Hóa vào Trại giam Xuyên Mộc, Vũng Tàu.
Xô xát xảy ra trong cuộc đình công của công nhân công ty Pouchen
Sáng ngày 26 tháng 2, cuộc đình công sang ngày thứ 2 của hơn 17,000
công nhân công ty Pouchen, Đồng Nai đã xảy ra xô xát, khiến 4 công nhân
phải được đưa đi cấp cứu. Một vài công nhân cho biết một người đàn ông
không rõ danh tánh, người sặc mùi rượu đã gây hấn với nhóm công nhân.
Ngay sau đó, lực lượng công an đã giải cứu và bảo vệ người đàn ông này
khi hàng trăm công nhân bao vây xung quanh. Báo Đồng Nai thì đưa tin
công an có mặt để giữ trật tự và thì xảy ra xô xát với công nhân làm 4
người bị thương. Được biết cuộc đình công của hơn 17,000 công nhân Công
ty Pouchen tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, bộc phát từ chiều hôm 25
tháng Hai, nhằm phản đối quy định tính trừ lương thưởng của công ty quá
khắt khe gây thiệt thòi cho công nhân. Theo ghi nhận đây là một chiến
thắng lớn đối với hai vạn công nhân công ty Pouchen, đồng thời cũng là
một thất bại thảm hại đối với liên đoàn lao động và giới chức tỉnh Đồng
Nai.
Campuchia muốn mua tàu chiến Trung Cộng
Phát biểu tại cuộc họp hôm 24/2 với người đồng cấp của Trung Cộng Yu
Manjiang tại Phnom Penh, Đô đốc Hải quân Campuchia Tea Vinh cho biết,
Campuchia đang đàm phán để mua lại 2 tàu chiến hạng nặng được trang bị
hệ thống vũ khí hiện đại từ Trung Cộng. Những thông tin về việc mua tàu
chiến được ông Tea Vinh tiết lộ cùng thời điểm 70 thủy thủ Campuchia
cùng 737 thủy thủ Trung cộng tập luyện với 3 tàu chiến Trung cộng đang
đậu tại cảng Sihanoukville. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh tình
hình bất ổn tại Biển Đông có xu hướng leo thang sau các hoạt động triển
khai vũ khí phi pháp gần đây của Trung cộng. Theo truyền thông Mỹ, Trung
cộng mới đây đã đưa hỏa tiển phòng không và chiến đấu cơ đến đảo Phú
Lâm thuộc Hoàng Sa và ngang nhiên dựng các radar cao tần ở Trường Sa của
Việt Nam. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn lớn tiếng tố ngược Mỹ đang quân sự hóa
Biển Đông và cho rằng các hoạt động này là cần thiết để phòng vệ trước
mối đe dọa từ các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Căng thẳng trên Biển Đông khiến ASEAN lên tiếng
Hôm 27/2, các ngoại trưởng ASEAN đang nhóm họp tại thủ đô Viêng Chăn,
Lào đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gia
tăng căng thẳng gần đây trên Biển Đông. Theo thông cáo thì căng thẳng đã
leo thang từ khi Trung Cộng triển khai hoạt động bồi đắp, bồi đấp các
đảo nhân tạo phi pháp từ năm 2013. Một số ảnh vệ tinh mới đây cho thấy
Trung Cộng đã lắp đặt tên lửa phòng không tại một khu vực trên quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này lập tức bị quốc tế lên án, cáo buộc
Bắc Kinh quân sự hóa khu vực.
No comments:
Post a Comment