Thứ Sáu, 12.02.2016
TBT Nguyễn Phú Trọng một mặt chủ trương duy trì điều 4 hiến pháp và độc quyền cai trị của đảng CSVN, mặt khác kêu gào chống tham nhũng trong đảng và nhà nước. Liệu chủ trương này khả thi hay không?. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài Quan Điểm của LLDTCNTQ với tựa đề: "Tham nhũng lẻ tẻ và tham nhũng có hệ thống" qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Khi các bình luận gia quốc tế nhắc đến Việt Nam, thì vấn đề tham
nhũng là một trong những vấn đề hàng đầu được nêu ra để thảo luận. Theo
báo cáo của cơ quan Minh Bạch Quốc Tế (tức Transparency International)
thì trong bản Chỉ Dẫn Nhận Thức về Tham Nhũng (Corruption Perception
Index) thì vào năm 2015, Việt Nam xếp hạng tham nhũng thứ 112 trong 167
quốc gia. Hạng chót thứ 167 là Bắc Triều Tiên.
Cơ Quan Minh Bạch Quốc tế cũng kết luận rằng có tương quan mật thiết
giữa tham nhũng và hai yếu tố khác: đó là sự hưng thịnh của thị trường
chợ đen và chế độ thư lại nhiêu khê của chính quyền. Sau cùng thì cả 3
yếu tố đều liên hệ đến Tổng Sản Lượng Nội Địa tính theo đầu người (gross
domestic product per capita) trong quốc gia. Có nghĩa là mức sản xuất
càng thấp thì tham nhũng càng cao.
Một kết luận vô cùng chính xác nữa mà cơ quan này không nhắc đến là
khi chúng ta nghiên cứu kỹ các quốc gia tham nhũng thì sẽ nhận thấy
rằng, mức độ tham nhũng hoàn toàn tỷ lệ thuận với mức độ độc tài trong
một quốc gia. Điển hình là Bắc Triều Tiên đội sổ tham nhũng.
Điều này chứng minh một chủ trương bất hủ của một chính khách Anh
Quốc vào thế kỷ 19 là Lord Acton rằng "Quyền lực làm ung thối và quyền
lực tuyệt đối sẽ làm ung thối tuyệt đối" (Power corrupts and absolute
power corrupts absolutely). Lời tuyên bố này được thường xuyên nhắc tới
trong chính trị học cũng như trên chính trường thực tế và được xem như
một định luật bất biến.
Khi nhắc đến tham nhũng tại Việt Nam, chúng ta thường nghĩ đến tài
sản khổng lồ của Thủ Tướng Nguyện Tấn Dũng, dinh thự nguy nga của Cựu
TBT Nông Đức Mạnh, cơ đồ ngất trời của Phó Thủ Tướng Thường Trực Nguyễn
Xuân Phúc, sự sụp đổ vì tham nhũng của các doanh nghiệp nhà nước
Vinashin, Vinalines và trước đại hội 12 của đảng, qua những đấu đá nội
bộ, nhiều phe nhóm đã sử dụng tin học hầu tố cáo các sự tham nhũng của
kẻ thù bằng cách bạch hóa siêu tài sản cũng như siêu bại hoại của cha
con Bộ Trưởng Quốc Phòng đại tướng Phùng Quang Thanh.
Tuy nhiên tham nhũng thực sự nghiêm trọng không phải nằm tại thượng
tầng cơ sở, mà đặc biệt nghiêm trọng vì nằm trong bản chất của một hệ
thống chính trị sai lầm. Chính vì thế tham nhũng mang tính hệ thống
(systemic corruption), từ bản chất đến hiện tượng, từ thượng tầng cơ sở
như bộ chính trị, đến hạ tầng cơ sở như các cấp huyện ủy và làng xã,
cũng như những cơ sở công an gần dân nhất.
Tham nhũng như một hiện tượng xã hội bình thường, phát xuất từ những
điều kiện nhân sinh, dĩ nhiên hiện diện mọi nơi, ngay cả tại những quốc
gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Tuy nhiên, tại những quốc
gia này, tham nhũng mang tính đột biến và lẻ tẻ. Hoàn toàn khác biệt với
tham nhũng tại các quốc gia độc tài như Việt Nam và Bắc Triều Tiên mang
tính hệ thống và là một quốc nạn cũng như quốc nhục.
Như vậy thì ngoài lý do là độc tài tuyệt đối sinh tham nhũng có hệ thống, còn có những lý do khác hay không?
Thêm vào đó, tại Trung Quốc và Việt nam, còn có một lý do quan trọng
nữa. Đó là tham nhũng tại 2 quốc gia này là một quốc sách mặc thị được 2
đảng cộng sản chủ trương.
Thật vậy, sau giai đoạn cách mạng cuồng say của Vệ Binh Đỏ tại Trung
Quốc, dưới sự điều hướng của Mao Trạch Đông, thì Đặng Tiểu Bình lên nắm
quyền từ năm 1978. Họ Đặng là một nhân vật chủ trương chính trị thực
tiễn. Ông biết rằng, ý thức hệ giáo điều Mác Lê Mao đã đem lại đói khổ
và lạc hậu cho Trung Hoa và đang trên đà thoái trào. Chính vì thế Ông đã
chủ trương một mặt tư bản hóa kinh tế và mặt khác duy trì độc tôn chính
trị. Ông cũng ý thức được rằng, độc tôn chính trị sẽ không vĩnh viễn và
dân chủ một ngày nào đó sẽ đến với Trung Hoa.
Tuy nhiên ông chủ trương càng kéo dài sự trị vì của đảng CS càng tốt
qua 2 thủ thuật chính trị. Một là độc đảng nhưng luân phiên nhân sự nắm
quyền. Hai là duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa qua một hệ thống doanh
nghiệp nhà nước hầu sử dụng công quỹ ban phát cho các đảng viên trung
kiên.
Sự luân phiên nhân sự lãnh đạo và ban phát quyền lợi này có hiệu năng
giảm bớt tranh chấp nội bộ vì quyền lợi được ban phát tương đối đồng
đều và duy trì một giai cấp thống trị nồng cốt tận trung bảo vệ đảng.
Như vậy, rõ ràng là nếu không còn tham nhũng thì đảng CSTQ sẽ không còn lý do và khả năng hiện hữu.
Sau khi đảng CS Liên Sô sụp đổ vào năm 1990, đảng CSVN hạ quyết tâm
theo mô hình CS Trung Quốc và từ đó học hỏi nghiêm túc những lời giáo
huấn của Đặng Tiểu Bình. Một mặt chủ trương độc đảng và mặt khác chủ
trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó chúng ta có
thể kết luận rằng, tương tự đảng CSTQ, đảng CSVN cũng chủ trương tham
nhũng như quốc sách của mình.
Trước tình huống đó, muốn giải trừ quốc nạn tham nhũng có tính hệ
thống tại Việt Nam, chúng ta không thể trông chờ vào những cải tổ hoặc
đổi mới nửa vời của đảng CSVN.
Dân tộc Việt Nam cần một cơ chế chính trị qua một hiến pháp mới, thể
hiện một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên; một chủ trương
kinh tế thị trường triệt để, dứt khoát đoạn tuyệt với điều 4 hiến pháp
và mọi định hướng xã hội chủ nghĩa. Có như thế quốc nạn và quốc nhục
tham nhũng mới bị loại trừ và dân tộc Việt Nam mới có thể vươn lên trong
cộng đồng các dân tộc văn minh trên thế giới.
Cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ
No comments:
Post a Comment