Wednesday, December 2, 2015

Tin tức ngày thứ Tư, 02.12.2015

Thứ Tư, 02.12.2015

THI HÀI NGƯ DÂN BỊ BẮN CHẾT Ở TRƯỜNG SA ĐÃ VỀ ĐẾN QUÊ NHÀ

Chiếc tàu cá bị tấn công ở quần đảo Trường Sa đã an toàn về đến cảng Sa Kỳ tỉnh Quảng Ngãi, và đã chuyển giao thi hài ngư dân Trương Đình Bảy cho gia đình. Trong khi đó thì giới chức VN tuyên bố là chưa biết rõ quốc tịch của nhóm người đã ập lên chiếc tàu cá và bắn chết ông Bảy.
Cần nhắc lại là 5 ngày trước đây, chiếc tàu cá Quảng Ngãi với 15 ngư phủ đã bị một nhóm người dùng ca-nô áp sát, sau đó leo lên tàu nổ súng bắn chết ông Trương Đình Bảy 45 tuổi. Vào hôm qua, một số tờ báo lề đảng cho biết nhóm hải tặc này là người Philippines. Tuy nhiên đến chiều tối thì bộ ngoại giao VN họp báo lên án vụ giết hại này, nhưng nói thêm là hiện chưa rõ những tay súng đó là thuộc nước nào.
Trong một diễn biến khác, cho thấy sự gian nan của giới ngư dân VN hiện nay, nhà cầm quyền Thái Lan đã phóng thích một số ngư dân Cà Mau bị Thái bắt giữ suốt hai tháng qua về tội xâm nhập hải phận bất hợp pháp. Theo một nguồn tin thì nhóm ngư dân này đã bị đánh đập, sau đó phải nộp tiền chuộc và chi trả cho tòa đại sứ VN gần 400 Mỹ kim mỗi người để làm thủ tục và mua vé may bay hồi hương.
Khi loan tải tin này, tờ báo Tuổi Trẻ nói thêm là gần như tháng nào cũng có ngư dân Cà Mau bị các nước láng giềng bắt giữ, và các bi kịch này cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác. Tờ báo này liệt kê con số tàu bị bắt mỗi tháng, điển hình như tháng Giêng có 8 tàu, tháng Hai 1 tàu, và sau đó cứ mỗi tháng là có 3 chiếc tàu bị bắt, khiến cho hàng loạt gia đình lâm vào cảnh phá sản, nợ nần chồng chất.

CHỐNG THAM NHŨNG, MỘT NHÀ BÁO BỊ TỜ THANH NIÊN SA THẢI

Theo lệnh trên, tờ báo Thanh Niên đã ra quyết định sa thải phóng viên Nguyễn Hoài Nam kể từ ngày 30/11.
Theo lời kể của ông Hoài Nam trên Facebook thì quyết định nói trên do tổng biên tập Nguyễn Quang Thông ký tên vào ngày 7/10, nội dung cho biết lý do sa thải là vì ông Nam "không hoàn thành định mức công việc" và vì "nhu cầu công tác của cơ quan".
Cần biết là vào ngày 20/10, phóng viên Hoài Nam đã tung lên mạng bài viết tố cáo tờ báo Thanh Niên có những hành động tham nhũng, tống tiền, và trù dập các cá nhân theo lệnh trên. Ông Nam đã trưng dẫn nhiều công văn và kể cả các đoạn băng ghi âm để làm bằng chứng.
Trong một diễn biến khác cho thấy thêm tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận của bạo quyền VN, một người xử dụng Facebook đã bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giam với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước".
Người bị bắt là anh Nguyễn Hữu Duy Quốc 30 tuổi ở thành phố Cam Ranh, có người em là thành viên của phong trào Zombie, tức "xác chết biết đi", cũng bị bắt vào tháng 8 vừa qua. Theo lời kể của bạn bè thì anh Quốc Duy đã tổ chức một nhóm 30 học sinh để thảo luận các đề tài mà bạo quyền Hà Nội liệt vào danh sách "nhạy cảm".

GIỚI TIỂU THƯƠNG CHỢ PHÚ HẬU LẠI BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI DI DỜI SANG CHỢ MỚI

Vào hôm qua, nhà cầm quyền Thừa Thiên – Huế đã điều động một lực lượng công an hùng hậu đến trấn áp cuộc biểu tình của giới tiểu thương chợ Phú Hậu trước trụ sở hành chánh tỉnh này.
Hàng trăm tiểu thương cùng gia đình đã giăng biểu ngữ phản đối việc sáp nhập và di dời đến khu chợ mới. Một số người đã quỳ trên đường phố, giương cao các biểu ngữ mang dòng chữ "Cứu lấy tiểu thương nghèo".
Cần nhắc lại là suốt mấy tháng qua, giới tiểu thương chợ Phú Hậu nhiều lần xuống đường yêu cầu nhà cầm quyền Thừa Thiên – Huế xem lại quyết định di dời sang khu chợ mới, với lý do là khu chợ mới không có đủ số sạp buôn bán, tiền thuê mướn quá cao và vị trí cũng không thuận lợi.
Vào lúc 4 giờ chiều, chủ tịch thành phố Huế đã đến gặp các tiểu thương để giải thích, nhưng các lập luận của ông này đã không được giới tiểu thương chấp nhận.

TRUNG CỘNG CÓ THỜI GIAN 1 THÁNG ĐỂ BẢO VỆ LẬP LUẬN VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG

Kết thúc phiên xét xử thứ nhì về vụ kiện của chính phủ Philippines, Tòa án Trọng tài Quốc tế vào hôm qua đã ấn định thời hạn một tháng để Trung Cộng phản bác các lập luận của Phi.
Trong thông báo đưa ra, các thẩm phán đã tóm lược các luận cứ của nước Phi về sự vô lý của Trung Cộng khi áp đặt đường lưỡi bò chủ quyền ở Biển Đông. Thông báo nói thêm là chính phủ Phi có quyền bổ sung thêm tài liệu và sẽ ra điều trần một lần nữa vào ngày 18/12 tới đây. Và mặc dù Trung Cộng khăng khăng tẩy chay vụ kiện tụng này, tòa án quốc tế vẫn quyết định dành cho Trung Cộng một cơ hội để phản bác các lập luận của Phi và phải gửi các lập luận đến tòa án này trước ngày 1/1/2016.
Trong thông báo, tòa án cũng đồng ý với lập luận của Phi là khu vực mà Trung Cộng tuyên bố có chủ quyền lịch sử là hoàn toàn trái ngược với công ước LHQ về luật biển. Thông báo cũng lưu ý Trung Cộng là đã khai thác bất hợp pháp các tài nguyên ở vùng biển thuộc chủ quyền nước Phi.
Trong khi đó thì giới trẻ Philippines vừa đưa ra sáng kiến là sẽ tổ chức biểu tình liên tục trên các hòn đảo mà nước Phi làm chủ ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự can ngăn của quân đội và chính phủ Phi. Theo dự định thì các thanh niên nam nữ Phi sẽ tiến đến các hòn đảo này để biểu tình chống Trung Cộng xâm lược suốt một tháng.

HOA KỲ KÊU GỌI NGA – THỔ HẠ GIẢM CĂNG THẲNG ĐỂ CHỐNG KẺ THÙ CHUNG

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hãy giảm bớt căng thẳng và hợp tác chống lại kẻ thù chung là phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Thổ ở Paris, ông Obama tuyên bố ủng hộ quyền bảo vệ lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng kêu gọi cả hai nước hãy nên "xuống thang" để cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Ông Obama nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của khối NATO vì thế khối này phải bảo vệ an ninh và chủ quyền của Thổ.
Cần nhắc lại là hai nước Nga – Thổ đang tìm cách trả đũa lẫn nhau sau vụ bắn hạ một chiến đấu cơ Nga vào ngày 24/11. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cáo buộc chiếc máy bay này xâm không phận của họ và đã đưa ra lời cảnh báo các phi công trước khi bắn hạ. Tuy nhiên nước Nga khăng khăng nói rằng chiếc máy bay không hề băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

No comments:

Post a Comment