Friday, December 11, 2015

Làm cách nào để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam?

Thứ Sáu, 11.12.2015
Trong những ngày vừa qua, nhiều tổ chức cũng như cá nhân, ở quốc nội cũng như hải ngoại, tham dự tích cực vào các hoạt động cổ võ nhân quyền tại Việt Nam. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLCQ về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, và phương cách để cải thiện tình trạng này, qua lời trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Ngày 10 tháng 12 năm 2015 kỷ niệm 67 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời, đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử văn minh nhân loại, một nhân thức mới về vị trí con người trên địa cầu, một vị trí then chốt và cao trọng nhất giữa các sinh vật sống trên mặt đất này. Nhưng quan trọng hơn cả là Bản Tuyên Ngôn đã xác định tính bình đẳng của con người, không phân biệt màu da, chủng tộc, phái tính, tuổi tác, biên giới, tôn giáo, cũng như thể chế chính trị.
Thật ra những khái niệm về quyền bình đẳng giữa con người trong xã hội đã có từ rất xa xưa, và đã xuất hiện trong nền văn minh nhân loại từ đông sang tây, nó bàng bạc trong luật lệ thành văn hay bất thành văn của những nhóm sắc tộc, của các quốc gia, và các đế quốc mạnh cũng như yếu. Tuy nhiên chính nhờ bản Tuyên Ngốn Quốc Tế Nhân Quyền mà các quyền này được tập trung, hệ thống hóa và nhất là được đề cao thành những giá trị phổ cập.
Ngoài phần dẫn nhập, Bản Tuyên Ngôn gồm 36 khoản đã được soạn thảo trong vòng 2 năm, và được chấp thuận ngày 10 tháng 12 năm 1948, bằng nghị quyết 217, được 51 quốc gia hiện diện chấp thuận tại Paris. Đây là nền tảng của một hiệp định về các quyền con người – đến nay đã được thừa nhận hoàn toàn hay một phần của 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, trong ấy có Việt Nam. Ta có thể xem đây như là một bản "Hiến Pháp Quốc Tế", nhằm vạch ra các nguyên tắc của cuộc sống chung dựa trên hòa bình, công lý và sự tôn trọng các quyền tự do và sự sống con người
Đến nay các định ước đã trở thành luật, bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền, bao gồm những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc năm 1945, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948, và Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1998, Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị năm 1966, và Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa cùng trong năm 1966. Ngoài ra còn có khoảng 50 công ước bổ túc và khai triển cho phù hợp với nhữn thay đổi của thế giới nữa.
Tuy đó là một bộ luật, nhưng từ văn bản đến thi hành là một vấn đề hết sức khác xa. Vì không có tính cưỡng hành và chế tài một cách quyết liệt như luật lệ trong một quốc gia pháp trị, nên rất khó đem đến hiệu quả như mong đợi; đặc biệt ở những quốc gia độc tài, độc đảng, trong đó tập đoàn thống trị có muôn vàn lý do để miễn thi hành hay vi phạm có chủ mưu, mà không thể trừng phạt được.
Riêng tại Việt Nam, nhất là ở Miền Nam Việt Nam cách nay trên nửa thế kỷ, dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, học sinh trung học đã được học và hiểu về Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nhưng ngày nay vấn đề nhân quyền hầu như còn khá xa lạ đối với đại chúng. Lý do là vì nhà cầm quyền CSVN không muốn cho người dân biết đến tài liệu này, vì biết rằng khi người dân ý thức được đâu là những quyền tự nhiên mình được hưởng, mà không do đảng ban phát, như đã bị tuyên truyền, nhồi sọ từ lúc mới ra đời, thì sự bất bình dẫn đến phản kháng sẽ gia tăng, và nguy cơ sụp đổ chế độ là điều khó tránh. Đó là lý do tại sao Đảng không những cấm đoán, ngăn chận không cho những thông tin về nhân quyền được phổ biến rộng rãi tại VN, mà còn thẳng tay hành hạ, bỏ tù những người thực thi các quyền căn bản này.
Một mặt, CSVN, chẳng những đã là hội viên Liên Hiệp Quốc, đã phê chuẩn các công ước về nhân quyền, đã là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng họ lại nhất quyết ngăn chận mọi hoạt động nhân quyền của người dân. Chẳng những thế họ còn biện minh rằng nhân quyền giữa người Việt Nam khác với người tây phương, vì vấn đề đặc thù văn hóa, vấn đế dân trí, vấn đề an ninh quốc gia vân vân.... Rõ ràng là những luận điểm ấy hoàn toàn là ngụy biện, là dối trá, là lừa bịp dư luận thế giới, chỉ vì CSVN muốn độc quyền cai trị đất nước để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của đảng và phe nhóm lợi ích mà thôi.
Nhờ vào kỹ thuật thông tin mới, và hơn 4 triệu Người Việt sống tại hải ngoại. cộng với hàng triệu người Việt có điều kiện ra nước ngoài, nhất là lớp trí thức tiếp cận được các thông tin đa nhiều, vấn đề nhân quyền càng ngày càng được biết đến ở Việt Nam; vì vậy trong những năm qua người dân chẳng những đã biết đến nhân quyền, mà còn có những phản ứng quyết liệt để bảo vệ những gì mình đang có; nhất là những quyền rất căn bản như quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, quyền biểu tình, quyền lập hội....
Trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, nhân quyền vừa là một vũ khí để răn đe, vừa là một món hàng để mặc cả trao đổi các quyền lợi kinh tế, chính trị. Nhưng dù được sử dụng cách nào đi nữa, vấn đề căn bản vẫn phải là tôn trọng phẩm giá con người; nên bất cứ hình thức nào làm tổn thương nhân phẩm như ngăn cấm, hành hung, thóa mạ, kỳ thị, làm nhục, bỏ đói, giam cầm trái phép... đều là vi phạm và bị lên án.
Theo sự đánh giá của các cớ quan nhân quyền quốc tế, cũng như những tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập, thì Việt Nam vẫn là một quốc gia vi phạm nhân quyền có hệ thống một cách nhiêm trọng. Dù biết vậy, nhưng người Việt Nam không thể trông cậy vào bất cứ thế lực nào có thể thay chúng ta để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam được. Đây là việc của chính chúng ta; và chỉ có một con đường để cải thiện nhân quyền là thay đổi thể chế độc tài bằng một thể chế tự do dân chủ thật sự mà thôi.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment