Thứ Hai, 28.12.2015
Thưa quý thính giả, một mùa xuân nữa lại sắp về trên quê hương Việt Nam. Nhìn lại năm vừa qua, chúng ta đều thấy rõ có quá nhiều đau khổ, oan ức, bất công mà cộng sản đã gây ra cho nhân dân Việt. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết được trích từ website Dân làm báo của Người Đưa Tin với tựa đề "Chuẩn Bị Năm Mới Với Nỗi Buồn Rất Cũ", sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.
Có dịp rời Sài Gòn đi về vùng sâu vùng xa, thật xa nơi phồn hoa náo
nhiệt, đặc biệt là miền núi để thấy đời sống phụ nữ và trẻ em còn rất
"hoang sơ". Được ăn no mặc lành dù chỉ một ngày với nụ cười thật hiền
hòa của người dân miền núi cũng làm xao động chút tình đồng loại. Họ
cũng là con người sống ngay trên dải đất hình chữ S dù đã teo tóp ít
nhiều, họ không phải bộ lạc hoang dã trong rừng rậm Amazon ở tận Nam Mỹ,
nhưng thật lạc lõng trong đất nước "giàu đẹp văn minh và vạn lần dân
chủ" thời cộng sản trị vì. Điều mỉa mai là đến với các sắc tộc anh em
cũng chẳng phải dễ dàng, dù chỉ để chia sẻ chút tình người nhân dịp
giáng sinh về, nếu không có "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân". Mấy ông
quan làng xã, học thì ít nhưng tuyên truyền chính sách "đảng ta là đạo
đức văn minh" nghe như gái làng chơi nơi đô thị thuộc nằm lòng giá cả
từng phòng trọ cho đến khách sạn hạng sang, nhìn cái miệng côn an viên
xoen xoét nói cười sau khi nhận phần quà "đầu tiên" để không gây khó dễ,
tự nhiên muốn làm "nha sĩ" để nhổ sạch những cái răng nhớp nhúa quanh
năm chỉ biết ăn bẩn nhưng chẳng bao giờ động lòng... súc miệng.
Đã là con người, ai rồi cũng đến lúc phải "đoàn tụ với ông bà". Quan
hay dân thì cũng mấy tấm ván "bốn dài hai vắn", gỗ quý hay bó chiếu thì
cũng đem chôn vào lòng đất, hoặc lên giàn hỏa để tìm lại chút tro tàn.
Thế mà quan chức làng xã vẫn giành phần ăn với người nghèo, vòi vĩnh cho
bằng được, nếu không sẽ không cấp phép để người tử tế có quyền thương
người nghèo khó. Đến anh chàng trí thức thứ thiệt hiền lành nhất trong
nhóm, cũng buột miệng "Đỗ mười cộng sản". Không có sự bất nhẫn nào giống
nhau, nhưng có một điểm chung với các đoàn từ thiện không muốn hợp tác
với quan chức địa phương vì sợ... bị ăn chận, đó là đi giúp người mà
phải lén lút như vượt biên bằng đường bộ sau 1975. Trò chuyện với người
dân địa phương, đa phần họ không còn tin vào chính sách "xóa đói giảm
nghèo" của cộng sản. Bởi tiền và vật phẩm khi đến tay người dân còn được
50% đã là một thành công lớn. Họ hàng quan chức làng xã tranh nhau cắn
xé hàng cứu trợ của người nghèo theo mùa lũ lụt hoặc lễ tết, như bầy heo
rừng kéo về vừa ăn vừa phá nát ruộng rẫy của các sắc tộc anh em.
Sài Gòn se lạnh có thể cảm thấy dễ chịu, cũng là dịp để các đôi tình
nhân dập dìu khoa sắc. Nhưng cái lạnh miền núi thì chẳng dễ chịu chút
nào và nếu cộng thêm cái đói thì ai đã từng nếm trải mới cảm nhận được
hết nỗi khốn khó mà đồng bào nghèo miền núi phải chịu đựng cái đói lạnh
quanh năm như định mệnh khắc nghiệt của trời già.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau
cùng. Khi còn bé học môn Đức Dục, Thầy Cô thường nhắc đến mỗi khi miền
trung bị thiên tai lũ lụt, nhưng quá nửa đời người mới thấy thấm thía
hai chữ đồng bào trong chế độ cộng sản như một thứ xa xỉ. Cứ nhìn cảnh
dân oan màn trời chiếu đất trên khắp cả nước. Nhìn các cô gái mỗi tối
tràn ra đường để đón khách làng chơi, nhìn báo chí đăng tải gái mãi dâm
và tệ nạn nạo phá thai của VN thuộc hàng có "số má" trên thế giới. Có
người cho rằng do hệ thống giáo dục đã không chăm sóc "rường cột nước
nhà". Thật ra, hệ thống giáo dục cộng sản chăm sóc trẻ rất kỷ từ khi còn
ngồi bô. Tiếc là không giáo dục các cháu tình thương đồng loại, thứ
tình thương vượt khỏi họ hàng huyết thống như các tôn giáo dạy con người
hướng thiện. Cộng sản dạy trẻ em chỉ có thứ tình yêu duy nhất, chỉ để
dành cho bác & đảng. Cộng sản dạy trẻ em hận thù giai cấp bằng thứ
chủ thuyết loài người văn minh đã xem như rác rưởi. Đó mới là nguyên
nhân làm băng hoại truyền thống đạo lý ngàn đời của người VN.
Gã thời gian cà chớn mang mùa xuân đến rồi lại mang nàng Xuân đi, sau
khi gieo chút niềm vui sống, nhưng chẳng bao giờ gã chịu xách theo cái
đói lạnh của những mảnh đời cơ nhỡ từ thành thị cho đến miền núi xa xôi,
gã luôn bỏ lại những muộn phiền cho người đời gặm nhắm bất kẻ sang hèn,
chắc để nhắc nhở rằng niềm vui sướng mà người đời đang hưởng thụ chỉ là
thoáng chốc nhưng đau khổ vì thiếu tình thương là cả một kiếp người.
Người Đưa Tin
Sài Gòn 22.12. 2015
No comments:
Post a Comment