Thứ Bảy, 19.12.2015
Kính thưa quý thính giả,
Lịch sử Việt Nam thời cận đại ghi lại nhiều vị tướng đã tuẫn tiết khi thành thất thủ theo quan niệm "Sinh vi tướng, tử vi thần". Trong số đó có một vị tướng trấn thủ thành Bình Định, khi thành thất thủ ông đã xin quân Tây Sơn xin tha chết cho quân sĩ trong thành và sau đó tự thiêu. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Hoài Quốc công Võ Tánh" của Việt Thái qua sự trình bày của Bảo Trân để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Những tưởng ra tay giúp nước nhà,
Ai dè bình địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!
Đó là tám câu thơ của công chúa Ngọc Du khóc chồng khi nghe tin Võ Tánh tuẫn tiết.
Võ Tánh ra đời tại huyện Phước An, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc tỉnh Đồng
Nai), sau dời về huyện Bình Dương, Gia Định. Vì không chịu thần phục
nhà Tây Sơn nên từ năm 1783 đến năm 1788, ông cùng với người anh là Võ
Nhàn tập hợp lực lượng nổi dậy tại thôn Vườn Trầu (Hóc Môn), tự xưng là
Nghĩa quân Kiến Hòa, giương ngọn cờ Khổng Tước Nguyên Võ, chiếm giữ cả
vùng Gò Công.
Năm 1788, nhận lời mời của Nguyễn Phúc Ánh, ông đến Sa Đéc hội binh,
được phong là Tiên phong dinh Khâm sai chưởng cơ và được chúa Nguyễn gả
em gái là Ngọc Du.
Năm 1790, Võ Tánh tiến đánh thành Diên Khánh và đánh bại tướng Tây Sơn là Đào Văn Hồ.
Năm 1793, Võ Tánh được thăng chức Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân. Khi
trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây
thành vào năm 1794. Sau đó ông được phong tước Quận Công và lãnh chức
Đại Tướng Quân.
Năm 1797, ông theo chúa Nguyễn ra đánh Quảng Nam. Thừa thắng, ông
vượt qua sông Mỹ Khê, Quảng Ngãi đánh bại Đô đốc Nguyễn Văn Giáp.
Năm 1799, ông tiến đánh Quy Nhơn. Vào cửa biển Thị Nại, Võ Tánh và
Nguyễn Huỳnh Đức đánh thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả. Đô đốc Lê Chất đầu
hàng và xin làm thuộc tướng. Sau đó, ông chận đánh quân của Thái phó
Tây Sơn là Lê Văn Đang tại làng Kha Đạo, bắt được 6 ngàn quân và 50 thớt
voi. Các tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát phải mở cửa
thành Quy Nhơn xin hàng. Thành Quy Nhơn được đổi tên là thành Bình Định.
Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định
được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Ngay sau
đó thành này bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy huy của Thái phó
Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Trần Quang Diệu sai
đắp lũy chung quanh thành và chia quân bao vây bốn mặt kéo dài đến 14
tháng.
Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sai người đem mật thư khuyên chúa Nguyễn kéo
quân ra đánh Phú Xuân, để hai ông cùng thủ thành cầm chân quân Tây Sơn.
Chúa Nguyễn nghe theo, đánh lấy được Phú Xuân vào tháng 5 năm 1801.
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân thất thủ, liền đem
quân ra cứu. Khi quân ra tới Quảng Nam thì bị chặn đường phải trở lui.
Trần Quang Diệu nổi giận đốc quân ngày đêm đánh thành Bình Định.
Trong thành thiếu lương thực, Võ Tánh gửi cho Trần Quang Diệu một bức
thư, xin tha chết cho quân sĩ trong thành và sai thuộc hạ lấy rơm củi
chất dưới lầu Bát Giác, đổ thêm thuốc súng, rồi châm lửa tự thiêu. Ngô
Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự vẫn vào ngày 7 /7/1801.
Khi chiếm được thành, xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô
Tùng Châu, Trần Quang Diệu sai người tẩm liệm thi hài hai ông tử tế và
không giết hại hàng binh nhà Nguyễn.
Năm 1802, khi chúa Nguyễn chiếm được Phú Xuân, quân Tây Sơn mất Trấn
Ninh, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng phải bỏ thành đi theo đường thượng
đạo qua Lào về cứu vua Cảnh Thịnh. Vua Gia Long khi lên ngôi truy tặng
Võ Tánh là Dực vận công thần Thái úy Quốc công. Năm 1831, vua Minh Mạng
truy phong cho ông là Hoài Quốc công.
Mộ của Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc,
cũng là thành Đồ Bàn của vua Chăm. Tại đầu ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị
xã Gò Công, hiện có ngôi đền thờ Võ Tánh mang tên là Võ Quốc Công Miếu.
Trước năm 1975 tại Sài Gòn có 2 con đường mang tên Võ Tánh.
* * *
Trước năm 1975, tại miền Trung có một trường trung học rất nổi tiếng
không thua gì trường Quốc Học ở Huế, lấy tên là trường Võ Tánh, tọa lạc
tại thành phố Nha Trang. Cách thành phố này khoảng 10 cây số về phía nam
chính là thành Diên Khánh, nơi tướng quân Võ Tánh đã có những chiến
thắng lừng lẫy khi giao chiến với quân Tây Sơn.
Dù ở phe bên nào trong giai đoạn tranh quyền đoạt lực vào thời đó, Võ
Tánh hay Trần Quang Diệu, đều chứng tỏ khí phách làm tướng của mình. Dù
là tuẫn tiết theo thành, hay đánh chiếm thành Bình Định, cả hai đều thể
hiện tấm lòng trân quý sinh mệnh của dân chúng, của binh sĩ và đặc biệt
là lòng tôn kính đối với địch thủ của mình.
Chính vì thế nhắc đến Võ Tánh, người ta phải nhắc đến Trần Quang
Diệu, nhắc đến việc Gia Long đã lăng trì xử tử hai vợ chồng ông sau khi
đánh bại triều đình Tây Sơn. Việc trả thù dã man này của nhà Nguyễn là
một vết ô nhục trong lịch sử nước Việt, nếu so với tấm lòng khoan dung
bác ái của triều đình nhà Trần khi đốt toàn bộ thư xin hàng giặc Nguyên
của các quan lại hèn nhát.
Thế nhưng vết ô nhục lớn nhất trong lịch sử dân tộc là sau hàng chục
năm chiến tranh điêu linh, tập đoàn cộng sản sau cái gọi là "thống nhất
đất nước" đã đày đọa và tiếp tục trù dập những quân dân cán chính VNCH
trong những nhà tù lớn nhỏ có tên là "trại cải tạo lao động". Thê thảm
hơn nữa là hơn 40 năm trôi qua, chiến dịch trả thù, phân biệt lý lịch
vẫn tiếp tục diễn ra, với hàng trăm ngàn thương phế binh VNCH đang sống
vất vưởng bên lề xã hội, trong khi chế độ vẫn ra rả kêu gọi "hòa hợp hòa
giải dân tộc"!
Như thế thì ai bạo tàn hơn ai? Triều đình nhà Nguyễn hay triều đình cộng sản hiện nay?
No comments:
Post a Comment