TÂN CHỦ TỊCH HÀ NỘI ĐỀ NGHỊ CẮT GIẢM LƯỢNG XE GẮN MÁY
Không đầy một tháng sau khi lên năm ghế chủ tịch thành phố Hà Nội,
giám đốc công an Nguyễn Đức Chung đưa đề nghị cắt giảm lượng xe gắn máy
đang lưu hành trên đường phố nhằm giải quyết tệ nạn tắc nghẽn giao
thông.
Đề nghị này được ông Chung đưa ra trong hội nghị vào sáng hôm qua,
với các số liệu cho thấy là mỗi tháng Hà Nội có thêm hơn 20 ngàn xe,
trong đó có khoảng 6 đến 8 ngàn chiếc xe hơi. Theo tính toán của ông
Chung thì với đà tiến này, đến năm 2018, Hà Nội sẽ có tổng cộng 1 triệu
chiếc xe hơi và 7 triệu xe gắn máy, chưa tính đến số lượng xe cộ đến từ
tỉnh thành đến Hà Nội mỗi ngày.
Cần nhắc lại là tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng đã trở
thành "chuyện thường ngày" ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn
trong mấy năm qua. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên mà giới cầm
quyền đưa ra đề nghị cắt giảm số lượng xe gắn máy. Thế nhưng nếu cắt
giảm lượng xe gắn máy thì phải có một hệ thống chuyên chở công cộng hữu
hiệu, mà hệ thống này thì ngay cả bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng
cũng lắc đầu ngao ngán vì quá bết bát và hỗn loạn.
Trong khi đó thì vào hôm qua, Tổng cục Thống kê cho biết là cả nước
đã chi ra gần 3 tỷ Mỹ kim để nhập cảng xe hơi, tức mức cao nhất kể từ 5
năm qua. Bên cạnh đó VN cũng nhập về một lượng phụ tùng xe cộ lên đến 3
tỷ Mỹ kim.
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG MUỐN ĐÁNH THUẾ NHỮNG AI SỞ HỮU NGOẠI TỆ
Sau khi ra quyết định không trả tiền lời cho các trương mục tiết kiệm
bằng ngoại tệ ở các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN vào hôm
qua tuyên bố là nhà cầm quyền đang cân nhắc đến việc thu lệ phí đối với
những ai gửi ngoại tệ tại các ngân hàng.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì kế hoạch này là nhằm loại bỏ việc
xử dụng ngoại tệ để giao dịch trên thị trường, đặc biệt là đồng Mỹ kim.
Ông Bình nói thêm là khi dẹp bỏ được chuyện này thì nhà cầm quyền sẽ
nâng lãi suất đối với các trương mục tiết kiệm bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì nếu muốn người
dân không xử dụng ngoại tệ thì nhà cầm quyền phải nâng cao niềm tin của
người dân vào đồng bạc VN, đặc biệt là phải bảo đảm sự ổn định của nó.
Trong khi đó thì số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết là VN đứng
hàng thứ 11 trong các nước nhận được lượng ngoại tệ lớn nhất gửi về
trong nước. Theo ước tính thì trong năm nay, người Việt ở nước ngoài đã
gửi hơn 12 tỷ Mỹ kim từ các giao dịch chính thức, chưa tính đến các
đường dây chợ đen. Trong số này, chỉ riêng số tiền gửi về từ Hoa Kỳ
chiếm đến 7 tỷ Mỹ kim.
TRUNG CỘNG NỔI ĐIÊN VỀ CHIẾN DỊCH CẮM TRẠI CỦA GIỚI TRẺ PHI LUẬT TÂN
Bộ ngoại giao Trung Cộng vào hôm qua đã tỏ ra giận dữ khi đề cập đến cuộc cắm trại trên đảo Thị Tứ của giới trẻ Phi Luật Tân.
Trung Cộng một lần nữa khẳng định là hòn đảo Thị Tứ, mà dân Phi gọi
là Pagasa thuộc quần đảo Trường Sa, là thuộc chủ quyền Trung Cộng và yêu
cầu chính phủ Phi Luật Tân phải triệt thoái toàn bộ nhân viên ra khỏi
hòn đảo này.
Cần nhắc lại là vào hôm thứ Bảy tuần qua, khoảng 50 thanh niên nam nữ
Phi đã đổ bộ lên đảo Thị Tứ để mở chiến dịch cắm trại thường xuyên nhằm
khẳng định chủ quyền của Phi tại quần đảo Trường Sa. Sáng kiến này là
do một cựu sĩ quan hải quân Phi đề ra. Mặc dù chính phủ Phi Luật Tân
không tán đồng chiến dịch này nhưng vẫn ra lệnh cho quân đội giám sát và
bảo vệ nhóm thanh niên này.
CAMPUCHIA SẼ CẤM PHE CÁC THỦ LÃNH ĐẠO ĐỐI LẬP CÓ SONG TỊCH
Trong một hành động nhằm gây khó khăn cho phe đối lập, Thủ tướng Hun
Sen của Campuchia vào hôm qua tuyên bố là sẽ thông qua một dự luật cấm
đoán giới lãnh đạo các đảng phái có quốc tịch ngoại quốc.
Ông Hun Sen khẳng định là đạo luật mới sẽ được thông qua vào năm tới,
và sẽ bao gồm luôn cả những người đang nắm các vị trí then chốt trong
guồng máy nhà nước. Những người này chỉ được phép có quốc tịch duy nhất
là Campuchia.
Đây là hành động đàn áp mới nhất của ông Hun Sen, nhắm vào thủ lãnh
đối lập Sam Rainsy, người đã chạy trốn sang Pháp để tránh né lệnh truy
nã của bạo quyền Hun Sen. Ông Rainsy là người đang có quốc tịch Pháp và
đã 3 lần phải đào tẩu ra ngoại quốc để tránh sự đàn áp của ông Hun Sen.
TRUNG CỘNG LẠI GIA TĂNG VIỆC SIẾT CHẶT QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ
Trung Cộng loan báo là họ sẽ áp dụng những qui định nghiêm ngặt hơn
đối với giới báo chí sau khi trục xuất một nữ ký giả Pháp đã làm phóng
sự về các chính sách đàn áp người Hồi giáo của Trung Cộng tại khu tự trị
Tân Cương.
Trong bản tin vào hôm qua, Tân Hoa Xã cho biết là các qui định khắt
khe này là nhằm bảo vệ sự ổn định về an ninh quốc gia, đặc biệt là để
bảo vệ lực lượng đang bài trừ khủng bố. Tuy nhiên bản tin không nói rõ
nội dung của các quy định này và hình phạt như thế nào nếu vi phạm.
Quyết định này được loan báo chỉ hai ngày sau khi Bắc Kinh trục xuất
bà Ursula Gauthier, một ký giả Pháp đã viết bài chỉ trích các hành vi
đàn áp man rợ của Trung Cộng đối với sắc dân Hồi Hột ở Tân Cương. Bài
báo khẳng định là Trung Cộng đã vu khống sắc dân này về những vụ bạo
loạn tại khu tự trị này để lấy cớ đàn áp họ.
NHẬT BẢN XIN LỖI VỀ VỤ CƯỞNG ÉP PHỤ NỮ NAM HÀN LÀM NÔ LỆ TÌNH DỤC
Chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận xin lỗi và bồi thường cho các phụ nữ
Nam Hàn đã bị ép buộc phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật trong thế chiến
thứ 2, theo một thỏa thuận vừa được ký kết giữa hai nước vào ngày hôm
qua.
Thỏa thuận này được xem là một chuyển biến lịch sử nhằm giải quyết
tận gốc mối hận thù giữa hai dân tộc đã kéo dài hơn 70 năm qua. Theo
thỏa thuận thì Nhật sẽ chi ra 10 triệu Mỹ kim bồi thường cho khoảng 40
phụ nữ Nam Hàn đang còn sống. Đây là con số rất nhỏ so với hàng chục
ngàn phụ nữ Nam Hàn bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật vào
thế chiến thứ hai.
Suốt nhiều năm qua, các chính phủ Nhật cương quyết không ngỏ lời xin
lỗi vì cho rằng đó hành động của tập đoàn quân phiệt Nhật vào thời đó.
Tuy nhiên vào hôm qua, Ngoại trưởng và Thủ tướng Nhật tuyên bố là Nhật
phải gánh nhận trách nhiệm về hành động ghê tởm này.
No comments:
Post a Comment