Friday, December 4, 2015

Luật Trưng cầu ý dân

Thứ Sáu, 04.12.2015
Ngày 25 tháng 11 vừa qua, quốc hội Việt Nam khóa XIII đã thông qua luật Trưng Cầu Ý Dân. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2916. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLCQ về việc thực thi luật mới này thế nào cho hiệu quả, qua lời trình bày của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả,
Nói đến trưng cầu ý dân, hay hỏi ý kiến toàn dân là một sinh hoạt bình thường trong những quốc gia dân chủ, đúng với nghĩa dân làm chủ đất nước, nên người dân quyết định vận mệnh của chính mình thông qua vận mệnh quốc gia. Sự kiện trưng cầu ý dân trong một nước độc tài, độc đảng, nhất là độc tài toàn trị như tại Việt Nam, quả thật là chuyện lạ lùng, nếu không muốn nói đó là chuyện không tưởng. Nhưng tại đây đã có một dự luật, và ngày 25 tháng 11 năm 2015 vừa qua, đã được quốc hội khóa XIII thông qua, và đã thành luật, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.
Bình thường trưng cầu ý dân là để quyết định những vấn đề trọng đại mà quốc hội cũng không đủ thẩm quyền, như chấp thuận hay bác bỏ toàn bộ hay nội dung một vài điều khoản quan trọng trong bản Hiến Pháp; vấn đề chủ quyền, vấn đề lãnh thổ quốc gia, chính sách đối ngoại, quyết định khi có lâm chiến, hay những thương ước có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của cả nước.
Ở những nước dân chủ, việc trưng cầu dân ý còn được áp dụng rất rộng rãi và thường xuyên, không chỉ trên toàn quốc, mà còn xuống đến tận những đơn vị dân cư nhỏ, thuộc các địa phương như huyện, xã. Khi người dân trong làng xã cần quyết định hay bác bỏ một dự án thuộc phạm vi đơn vị hành chánh của mình, như xây một cây cầu, mở một con đường, tăng hay giảm một khoản lệ phí cho một mục đích nào đó. Không cần phải nói đâu xa, trong sinh hoạt làng xã ở VN trước thời Cộng Sản cướp chính quyền, những sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân làng, thì các hương chức vẫn phải hỏi ý kiến của dân làng trước khi thi hành.
Khi một bộ luật đã ra đời, cho dù không hoàn hảo, và chưa được áp dụng, nhưng cứ xem đây là một dấu chỉ tích cực trong bối cảnh chính trị của Việt Nam hôm nay, thì người dân trông đợi gì nơi bộ luật này?
Chúng tôi tin rằng khát vọng cao nhất, tha thiết nhất của tuyệt đại đa số người Việt Nam hôm nay là dân chủ, là tự mình làm chủ chính mình và làm chủ đất nước, như các khẩu hiệu gắn khắp nơi rằng "dân làm chủ-nhà nước quản lý" nhưng không do đảng lãnh đạo.
Một việc mới xẩy ra trong năm 2013, khi lấy ý kiến toàn dân về việc sửa đổi bản Hiếp Pháp 1992, việc lấy ý kiến ấy cũng là một hình thức trưng cầu ý dân, nhưng nó đã bị bẻ cong, bị bóp méo, bị uốn nắn để có một kết quả theo đúng với ý đảng; nên việc lấy ý kiên nhân đó đã hoàn toàn phản dân chủ, đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Nhất là điều 4 trong bản Hiến Pháp 2013, đã hiến định quyền lãnh đạo đất nước dành riêng cho đảng Cộng Sản, từ đó người dân phải tiếp tục sống dưới một chế độ chuyên chính độc tài không khoan nhượng, mọi quyền căn bản của người dân bị cấm cản!
Có một bộ luật tốt chưa hẳn là tốt, việc thi hành luật ấy thế nào cho hiệu quả mới thật sự quan trọng. Nếu mổ xẻ nội dung luật Trưng Cầu Ý Dân vừa thông qua, chắc chắn có nhiều điều bất cập, cũng như những kẻ hở dễ gây tranh cãi; vì bất cứ luật lệ nào cũng sẽ không hoàn hảo, nêu không được áp dụng một cách nghiêm túc, công minh và trong sáng.
Vậy người Việt Nam đang trông chờ khi nào đất nước này sẵn sàng cho một cuộc trưng cầu ý dân? Và nếu trưng cầu ý dân được mở ra thì điều gì người dân muốn bày tỏ ý muốn của mình trước hết?
Chúng tôi dám khẳng định, và đồng thời cũng thách thức nhà cầm quyền Hà Nội rằng, hãy áp dụng bộ luật này để thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân để trả lời cho một câu hỏi duy nhất là, chọn một thể chế chính trị cho VN giữa dân chủ đa nguyên hay độc tài độc đảng như hiện nay? Chúng tôi tin rằng ai cũng biết trước kết quả câu trả lời sẽ là dân chủ đa nguyên rồi.
Nhưng muốn áp dụng luật trưng cầu ý dân một cách minh bạch và công bằng thì Việt Nam phải có tự do ngôn luận thật sự; phải có một nền báo chí thông thoáng, để người dân tiếp cận được các nguồn thông tin đa chiều, để ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến riêng của mình một cách công khai, mà không bị bịt miệng, bị áp bức, xử phạt như trường hợp cô giáo Lê Thị Thùy Trang ở thành phố Long Xuyên, vừa mới xảy ra, chỉ vì nhận xét, phê phán một viên chức ăn lương nhà nước là ông bí thư tỉnh ủy An Giang Vương Bình Thạnh. Một khi nhà nước còn nắm độc quyền vừa tuyên truyền, vừa đe dọa khủng bố thì không thể có được một cuộc trưng cầu ý dân đúng nghĩa tại Việt Nam hôm nay.
Nhìn sang quốc gia hàng xóm là Miến Điện, vừa có một cuộc tổng tuyển cử ngày 8 tháng 11, để tiến một bước rất dài trên con đường dân chủ, điều mà chúng ta thèm muốn. Chỉ có dân chủ thật sự mới huy động được sức mạnh của toàn dân, để bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, để kinh tế được phát triển bền vững. Vậy đến bao giờ VN mới chấm dứt nạn "đảng cử dân bầu", để chúng ta có một quốc hội do dân và vì dân? Câu trả lời dành cho tất cả những ai đang quan tâm đến tương lai của dân tộc.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment