Thứ Bảy 21.06.2014
Kính chào quý vị thính giả, NHỮNG
VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA tuần này xin được thảo luận về Công Hàm do Thủ tướng
CS Bắc Việt Phạm Văn Đồng ký ngày ngày 14 tháng 9 năm 1958 thường được
gọi là "Công Hàm bán nước" vì hiện nay đang được Trung Cộng viện dẫn để
xác nhận chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Diễn giả là ông
Trương Nhân Tuấn, tác giả tác phẩm biên khảo "Biên Giới Việt Trung
1885-2000". Ông Trương Nhân Tuấn tham dự cuộc thảo luận này từ
Marseille, Pháp Quốc.
Hải Nguyên: Theo ông, ngày hôm nay, Việt Nam phải làm gì để tránh những hệ quả của các việc làm này ?
Trương Nhân Tuấn: Vấn đề không đơn giản. Nhưng trước hết, theo tôi, danh có chánh thì ngôn mới thuận.
VN hiện nay có khuynh hướng cho rằng vì HS và TS là do miền Nam quản
lý, do đó các tuyên bố của miền Bắc không có hiệu lực ràng buộc. Điều
không thuận ở đây là nước CHXHCNVN hôm nay là nhà nước tiếp nối VNDCCH
ngày xưa. Ta thấy lãnh đạo VN ngày xưa và lãnh đạo VN hôm nay vẫn là một
đảng duy nhất : đảng CSVN. Do đó nhà nước CHXHCNVN hôm nay phải có
trách nhiệm về những tuyên bố ngày xưa của các lãnh đạo VNDCCH.
Theo tôi, để có chính danh thì VN hôm nay có hai việc cần phải làm :
Thứ nhứt phải kế thừa trọn vẹn danh nghĩa của VNCH. Thứ hai phải dân chủ
hóa chế độ.
Kế thừa để có danh nghĩa chủ quyền ở HS và TS. Dân chủ hóa chế độ để đoạn tuyệt quá khứ VNDCCH với công hàm 1958.
Kế thừa VNCH và dân chủ hóa chế độ bằng phương pháp nào thì đây là việc khác.
Hải Nguyên: Theo kết quả nghiên cứu của Ông thì 2
hiệp ước về biên giới và Vịnh Bắc bộ do CSVN ký kết với Trung Quốc trong
năm 1999 và 2000 đã có những thiệt hại cho VN như thế nào?
Trương Nhân Tuấn: Đây là một vấn đề lớn, muốn nói rõ
ràng phải có rất nhiều thời giờ. Một cách khái quát thì tôi cho rằng
việc phân định lại biên giới năm 1999 và việc phân định vịnh Bắc Việt
năm 2000 phía VN đều bị thiệt hại to lớn. VN đã nhượng bộ cho TQ từ
những điểm căn bản nhất mà trên lý thuyết không thể nhượng bộ được.
Điều cần biết là những điểm căn bản không thể nhượng bộ đó là gì ?
Trong bất kỳ cuộc mua bán, đàm phán nào, tầm mức tư nhân hay tầm mức
tập đoàn, tầm mức quốc gia hay quốc tế... Người bán đưa giá, người mua
trả giá, thuận mua vừa bán. Thương thuyết về biên giới cũng vậy, có phe
được chỗ này, nhượng chỗ kia. Việc được mất phải được đặt trên một căn
bản chấp nhận được.
Trường hợp phân định biên giới trên đất liền và trong vịnh Bắc Việt,
do việc hai bên Việt Nam và TQ đã lựa chọn từ năm 1958, yếu tố căn bản
là : giữ nguyên trạng đường biên giới theo công ước năm 1887 và 1895.
Theo các công ước này VN mất đất, do Pháp nhượng nhà Thanh để được quyền
lợi về kinh tế, thì về mặt biển, VN nhỉn hơn chút ít về diện tích do
đường kinh tuyến Paris 105°53' (tức là kinh tuyến 108°3'13'' kinh tuyến
đông Greenwich).
Hải Nguyên: Ông có thể cho biết cụ thể một số địa điểm đã bị mất sau khi có hiệp ước về biên giới này.
Trương Nhân Tuấn: Nhưng khi phân định lại, về biên
giới trên đất liền, so với đường biên giới Pháp Thanh năm 1887, VN bị
mất mọi nơi trên đường biên giới. Một số địa điểm đã được kiểm chứng :
Bãi Tục Lãm, ở địa đầu biên giới, nơi đây phân đinh không công bằng.
Nếu chiếu theo các điều khoản phân chia cồn bãi trên sông và trên biển
theo công ước 1887 và 1895, các bãi Tục Lãm và Dậu Gót phải thuộc về
Việt Nam.
Khu vực Trình Tường, VN mất nguyên làng Trình Tường cho TQ.
VN mất ngọn núi chiến lược mang tên Khấu Mai. Ngọn núi này đã được
các ủy viên phân định biên giới Pháp thời đó trao đổi tổng Đèo Lương,
rộng 300km², thuộc Cao Bằng với Trung Quốc để lấy trái núi này.
VN mất đất ở Nam Quan, ở thác Bản Giốc, mất nhiều trái núi như Lão Sơn, Giải Âm Sơn, mất đất khu vực sông Bắc Vongv.v...
Hải Nguyên: Còn về Vịnh Bắc Việt ra sao thưa Ông, VN được lợi hay bị thiệt?
Trương Nhân Tuấn: Về việc phân định lại Vịnh Bắc Việt thì VN bị mất khoảng 10.000km².
Việc phân định không công bằng vì trong vịnh Bắc Việt, phía VN có các
đảo Bạch Long Vĩ (ở khoảng gần giữa vịnh) và đảo Cồn Cỏ (gần bờ biển
VN). Các đảo hội đủ các điều kiện về « đảo » của Luật Biển. Ở cận bờ
biển phía VN có đến 3.000 đảo lớn nhỏ. Điều kỳ dị là các đảo này không
hề được tính hiệu lực. Các đảo Bạch Long Vĩ và Cồn cỏ chỉ có hiệu lực
không đáng kể. Trong khi các đảo cận bờ của TQ thì được tính 100% hiệu
lực (các đảo Vị Châu, Tà Dương...)
Ngoài ra, các giới điểm đều bị lấn sâu vào VN, một cách không đồng đều.
Tôi cho rằng, cả hai hiệp định phân định biên giới trên đất liền và
phân định vịnh Bắc Việt là các hiệp định bất bình đẳng, phía VN bị thiệt
hại to lớn./.
No comments:
Post a Comment