Thứ Tư, ngày 11.06.2014
Sự tàn bạo của con người là điều
xảy ra hằng ngày. Tại sao có sự tàn bạo này và người Việt Nam có tàn bạo
hay không. Liên tục chương trình, qua chuyên mục Con Người Việt Nam,
Nguyên Hồng sẽ nói về sự tàn bạo này. Mời quí thính giả cùng theo dõi
sau đây
Ngày 15 tháng 4 năm 2013, tại thành phố Boston thuộc tiểu bang
Massachusett -- xảy ra một cuộc đặt chất nổ tại điểm cuối cùngcủa đoàn
người tham dự vào cuộc chạy bộ đường dài do thành phố Boston tổ chức vào
mỗi năm.
Hai chất nổ được nổ tung làm cho ba người bị chết và trên hai trăm
người bị thương. Hai cuộc nổ cách nhau chưa đầy một phút trên con đường
của những người tham dự cuộc chạy bộ mang tính quốc tế này.
Đầu tháng 3 năm 2014, tại trạm xe lửa Kunming của Trung Quốc, một
nhóm 10 người vào xe lửa dùng dao đâm chết 29 người và làm bị thương gần
một trăm người.
Dĩ nhiên những cuộc bạo hành này xảy ra khắp nơi trên toàn thế giới.
Khác chăng là ở mức độ và người trong quốc gia đó xem là chuyện quan
trọng hay không quan trọng. Đối với một chính quyền đàn anh như Hoa Kỳ,
thì chuyện này họ xem rất là quan trọng và đã tìm ra thủ phạm của vụ đặt
chất nổ này để trừng trị -- đồng thời cảnh cáo những nhóm khủng bố
khác, có ý hướng gây xáo trộn sinh hoạt của người dân Hoa Kỳ qua hình
thức bạo động. Đối với những quốc gia khác nhỏ bé hơn thì có lẽ, chính
quyền cũng sẽ không làm gì nếu chuyện điều tra tạo ra sự nguy hại đến cơ
chế cầm quyền của người lãnh đạo.
Sự tàn bạo của con người xem ra cũng có nguyên nhân của nó. Có thể vì
bực tức cá nhân, hay bực tức của dân tộc đủ để tạo ra sự tàn bạo giữa
cá nhân với người khác, hoặc của một dân tộc này đối với một dân tộc
khác. Sự đối xử không công bằng giữa quốc gia này đối với quốc gia khác
đủ tạo ra cớ để những ai chủ trương quá khích thực hiện những hành động
mang tính bạo động, làm phương hại đến cuộc sống của kẻ khác. Hoặc do
tâm lý bất bình thường, những cá nhân mang bệnh tâm thần có thể thực
hiện những cuộc tàn sát nhiều người bằng vũ khí.
Phải chăng sự tàn bạo của con người là sự tự nhiên? Và sự tàn bạo của người Việt Nam có hay không có?
Nhìn về các loài thú thì chúng ta luôn luôn nhìn thấy sự tàn bạo xảy
ra hằng ngày vì sự sống còn. Vì miếng ăn loài thú có thể thanh toán lẫn
nhau để giành một miếng ăn, hay giết một con vật khảc nhỏ bé hơn mình để
tạo ra miếng ăn chính bản thân. Thí dụ đơn giản là con mèo không có chủ
thì con mèo này sẽ tìm bắt bất cứ loài chuột nào để tạo ra thức ăn cho
chính mình. Và một loài thú khác to hơn con mèo sẽ cướp lấy mạng sống
của con mèo để tạo ra thức ăn cho chính bản thân. Sự tàn bạo này có thể
hiểu được bởi vì sự sống còn. Và dĩ nhiên khi một con thú nào đó no đủ
thì con thú đó sẽ không làm chuyện săn mồi, cướp lấy mạng sống của con
thú khác.
Nếu quan niệm con người từ loài thú mà ra thì bản chất của con người
cũng có sự tàn bạo trong đó. Nhưng đây là lý luận chỉ dựa vào một khía
cạnh của loài thú mà không dựa vào nhiều khía cạnh khác. Thực ra con
người với bộ óc được phát triển ở cao tầng -- thì lối ứng xử -- khác xa
loài cầm thú. Và bộ óc của con người phát triển ở cao độ để nhìn rõ đâu
là phải, đâu là trái. Chính vì ở điểm này, chúng ta được xếp vào loài
Người chứ không phải vào loài thú.
Nếu nhìn ở khía cạnh nói bên trên thì sự tàn bạo của Con Người đối
với Con Người không phải là sự tự nhiên. Trái lại đó là sự tàn bạo có
tính toán. Sự tàn bạo do một cá nhân hay nhiều cá nhân đưa ra chủ trương
tàn bạo để nhằm mục đích đòi hỏi hay thoả mãn nhu cầu của bản thân hay
nhu cầu của một tổ chức, một đảng phái hay một nhóm cầm quyền. Sự tàn
bạo này xảy ra nhiều hình thức ở mức độ khác nhau mà thoạt nhìn chúng ta
sẽ lầm tưởng là không có sự tàn bạo.
Không phải hành động đặt chất nổ để giết hại ai đó, hay cầm dao đâm
giết ai đó gọi là tàn bạo. Có những cái tàn bạo giết hại một làng xóm,
một thế hệ, hoặc giết hại cả một dân tộc mà không cần một tiếng súng,
không cần một loại vũ khí nào. Đây chính là sự tàn bạo đáng nói và cần
phải phân tích.
Trong quyển sách Con Người Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai, do nhà xuất
bản Ngàn Lau xuất bản vào năm 1992, tác giả Trung Thành viết như sau:
"Chúng ta là những kẻ Man Rợ, ngay từ khi biết đến từ 'sống' chúng ta
đã biết đến khái niệm 'giếtchóc'. Lịch sử chúng ta bên cạnh những cuộc
chiến tranh chống ngoại xâm còn có rất nhiều cuộc chiến đẫm máu để thoả
mãn cho những hằn thù điên cuồng, những khát vọng quyền lực, những cơn
khát chém giết".
Có phải chăng sự tàn bạo của người Việt Nam là do bản tính của cá
nhân hay của dân tộc? Hay sự tàn bạo này phát xuất do sựgiáo dục từ gia
đình, từ chính sách giáo dục của quốc gia, hoặc do xã hội tạo ra? Thế
nào gọi là sự tàn bạo của người Việt Nam hôm nay?
Những câu hỏi trên không phải dễ trả lời bởi sự quan hệ hữu tương
giữa Con Người với Con Người, giữa Con Người với xã hội, giữa Con Người
với dân tộc. Sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau tạo ra sự tàn bạo
của người Việt Nam đối với người Việt Nam cho dù chúng ta sống bất cứ
nơi đâu, sự tàn bạo này đều xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau.
Trong kỳ phát thanh tới, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích những hình
ảnh tàn bạo của người Việt Nam đối với người Việt Nam. Hình ảnh tàn bạo
này không hề sử dụng vũ khí, không tạo ra đổ máu như sự tàn bạo bình
thường mà chúng ta nhìn thấy. Trái lại, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu,
phân tích đểđánh giá cái tàn bạo không tiếng súng, không vũ khí, không
gây thương tích, đổ máu; nhưng kết quả tàn bạo của nó nguy hiểm gấp ngàn
lần so với những tàn bạo bình thường mà chúng ta thường nghe thấy trong
quá khứ. Đây chính là sự tàn bạo thứ hai mà chúng ta cần phải nói và
nhận diện.
Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment