Thứ Bảy 28.08.2014
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử
Việt Nam ghi lại công đức của nhiều vị minh quân như Đinh Tiên Hoàng, Lê
Thái Tổ, Lý Thái Tổ...v.v. đồng thời cũng khắc ghi tội đồ của những tên
gian thần, gian tướng tham quyền cố vị, bán rẻ lương tâm, dựa vào ngoại
bang để cầu vinh hưởng lạc. Ngoài ra, sử Việt còn ghi lại tên tuổi của
những gian quân đã "cõng rắn cắn gà nhà". Trong tiết mục "Danh nhân nước
Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Gian quân
Lê Chiêu Thống" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Lê Mẫn Đế, tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê
Duy Kỳ, là vua thứ 16 và là vua cuối cùng của nhà Lê trung hưng. Do đặt
niên hiệu là Chiêu Thống nên sử sách gọi Duy Khiêm là Lê Chiêu Thống. Lê
Chiêu Thống thực sự ở ngôi vua từ cuối tháng 7 âm lịch năm Bính Ngọ
(1786) đến đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789). Lê Chiêu Thống đã sang cầu
viện nhà Thanh đem quân sang đánh vua Quang Trung với hy vọng trở lại
ngai vàng. Việc làm đó của Lê Chiêu Thống bị các nhà sử học chỉ trích dữ
dội, xem đó là hành vi "bán nước" vì "cõng rắn cắn gà nhà".
Vào tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh" đã
mang quân ra Bắc Hà đánh đổ Trịnh Khải. Vua Lê Hiển Tông phong cho
Nguyễn Huệ là Nguyên soái Phù chính dực vận Uy Quốc Công, sau đó gả con
gái thứ 21 là công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.
Khi đó Bắc Hà rối loạn, lòng người ly tán, vua Lê yếu hèn nhu nhược.
Khi Nguyễn Huệ tiến ra Bắc lần đầu tiên thì giới sĩ phu Bắc Hà tỏ ra
nghi kỵ và có thái độ chống đối quân Tây Sơn. Ở phía Nam, quân Nguyễn
Ánh vẫn còn quấy rối nên Nguyễn Huệ quyết định phò nhà Lê.
Sau khi hỏi ý kiến các hoàng tộc nhà Lê và công chúa Ngọc Hân, Bắc
Bình Vương Nguyễn Huệ lập Lê Duy Khiêm làm vua. Lê Duy Khiêm đổi tên là
Lê Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống.
Tháng 8 năm 1786, Nguyễn Nhạc ra Thăng Long rồi bất ngờ cùng Nguyễn
Huệ rút về Nam mà không báo cho Chiêu Thống. Và vì Chiêu Thống không đủ
uy tín và tài năng để điều hành triều đình nên dẫn đến cảnh "hào mục các
nơi chiêu tập binh mã chiếm giữ châu quận", đánh giết lẫn nhau. Mặt
khác, con cháu chúa Trịnh là Trịnh Bồng dấy quân, được Chiêu Thống triệu
về triều phong chức Nguyên soái Tổng quốc chính, tước Yến Đô Vương. Từ
đó, Trịnh Bồng lại lập phủ Chúa và lấn át quyền hành của Chiêu Thống.
Trước tình hình đó, Chiêu Thống gửi chiếu thư cho Nguyễn Hữu Chỉnh kêu
gọi đem quân về "Cần vương". Chỉnh lấy danh nghĩa phò nhà Lê chiêu mộ
hơn một vạn quân và tiến ra Bắc, đập tan quân Trịnh Bồng tại Thăng Long.
Chiêu Thống bổ nhiệm Nguyễn Hữu Chỉnh là Đại tư đồ, phong tước Bằng
trung công. Nguyễn Hữu Chỉnh nắm binh quyền, dần dần ép Chiêu Thống cả
trong việc bổ nhiệm quan chức và sắp đặt chính sự.
Tháng 11 năm 1787, quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tấn công ra
Bắc. Chiêu Thống sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân chống cự, nhưng trong
trận đánh trên sông Thanh Quyết, quân của Nguyễn Hữu Chỉnh bị Vũ Văn
Nhậm đánh tan, chỉ còn vài trăm quân chạy về Thăng Long.
Chiêu Thống nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh, bỏ Thăng Long chạy đi Kinh
Bắc. Sau đó, Nguyễn Văn Hòa, tướng của Vũ Văn Nhậm đuổi theo kịp, Chiêu
Thống đích thân cầm quân ngự chiến, nhưng thua trận, Nguyễn Hữu Du chết
tại trận, Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt và bị Vũ Văn Nhậm xử tử.
Sau đó, Vũ Văn Nhậm lại kiêu binh, tiếm quyền, có ý phản Tây Sơn.
Tháng 4 năm 1788, Nguyễn Huệ lại đưa quân ra Bắc, vào thành Thăng Long,
giết Vũ Văn Nhậm, giao binh quyền cho Ngô Văn Sở và giao chức giám quốc
cho Lê Duy Cận.
Chiêu Thống chạy ra Kinh Bắc lần thứ hai và chạy qua cửa ải Thủy
Khẩu, gặp Tổng đốc Lưỡng Quảng của nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị để cầu viện.
Được sự chấp thuận của vua nhà Thanh là Càn Long, Tôn Sĩ Nghị điều quân
4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu tiến sang Đại Việt.
Quân Tây Sơn bỏ Thăng Long lui về giữ đèo Tam Điệp. Tháng 10 năm Mậu
Thân (1788), Tôn Sĩ Nghị đưa Chiêu Thống về lại Thăng Long sau khi nhà
Thanh phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương.
Tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung hoàng đế kéo đại quân ra
Bắc, chỉ trong vòng 5 ngày đã quét sạch 29 vạn quân Thanh. Tập đoàn Lê
Chiêu Thống theo bại quân nhà Thanh chạy sang Tàu. Ngày 16 tháng 10 năm
Quý Sửu (1793), gian quân Chiêu Thống qua đời tại Yên Kinh.
* * *
Trong số các vị vua bất tài vô đức của VN, Lê Chiêu Thống là người bị
nguyền rủa nhiều nhất vì hành động "rước voi về dày mả tổ". Nếu Trần
Ích Tắc là một "gian thần" thì Lê Chiêu Thống phải gọi là "gian quân" vì
đã cam tâm dâng hiến cơ đồ của cha ông để đổi lấy vinh hoa phú quý cho
cá nhân và gia đình mình.
Điều đáng buồn là 300 năm sau, sử Việt và các lời truyền khẩu dân
gian vẫn còn sờ sờ ra đó, nhưng đất nước lại xuất hiện một tập đoàn Lê
Chiêu Thống và Trần Ích Tắc mới, mà các bộ mặt bán nước càng ngày càng
lộ rõ hơn sau khi quân Tàu đưa giàn khoan Hải Dương vào hải phận VN.
Từ nhiều năm qua, đã có rất nhiều con dân yêu nước đã bị đày đọa
trong ngục tù, thậm chí là đã chết oan ức, chỉ vì dám cảnh báo về một
hiểm họa lệ thuộc mới từ phương Bắc. Thế nhưng bây giờ thì không còn là
hiểm họa nữa, mà đất nước VN đã thật sự rơi vào vòng lệ thuộc của Trung
Cộng từ chính trị, quân sự cho đến kinh tế. Các bí mật đang được Trung
Cộng dần dần hé lộ cho thấy tập đoàn Lê Chiêu Thống mới đã âm thầm ký
kết các văn kiện bán nước kể từ khi chiếm chính quyền vào năm 1945.
Chính vì thế, một câu hỏi rất đau lòng được đặt ra là dân tộc VN có
thể thoát ra được gông xiềng nô lệ mới này hay không? Và khi nào thì đất
nước có được một đạo quân Tây Sơn, với một người hùng áo vải như Nguyễn
Huệ, để quét sạch quân xâm lược và đuổi tập đoàn Lê Chiêu Thống chạy về
Tàu?
Việt Thái
No comments:
Post a Comment