Thứ Năm, ngày 19.06.2014
Vụ đình công tại Nhà máy Mỹ Phong
Trên thực tế, nhóm Hạnh - Hùng - Chương đã làm được nhiều việc rất
đáng trân trọng và lớn lao hơn nữa. Tuy nhiên, do thời điểm chưa cho
phép nên bài viết này chỉ xin kể lại vụ việc tại nhà máy Mỹ Phong như
một ví dụ điển hình về hoạt động của ba bạn trẻ chúng ta.
Nhà máy giày da Mỹ Phong là công ty có vốn 100% của Đài Loan, với 2
chi nhánh cùng đặt tại Trà Vinh, tổng cộng có khoảng 11.000 công nhân.
Đầu năm 2010, tại đây liên tục xảy ra nhiều trường hợp chuyên gia
Trung Quốc, Đài Loan chửi bới, đánh đập lao động Việt Nam. Công nhân nữ
bị chuyên gia nước ngoài ném giày vào mặt gây thương tích, số khác bị
chửi bới, xúc phạm bằng cách phải chui xuống gầm bàn để nhặt những lô
giày mà các chuyên gia này vừa ném đi. Nhiều trường hợp bị ngất xỉu vì
làm việc quá sức...
Mặc dù tình trạng vi phạm quyền lợi người lao động tại nhà máy Mỹ
Phong diễn ra hết sức nghiêm trọng và đều diễn ra trước mặt cán bộ công
đoàn nhà máy, nhưng phía công đoàn vẫn tỏ ra vô cảm.
Cuối tháng 1/2010, trước tết nguyên đán 2 tuần, ban giám đốc công ty
Mỹ Phong ngang nhiên ăn chặn tiền lương và thưởng tết của công nhân,
điều này đã tạo nên làn sóng bất bình trong công ty. Một số người đã nhờ
công đoàn nhà máy can thiệp, nhưng đáp lại vẫn là những cái lắc đầu vô
cảm. Trên thực tế, các cán bộ công đoàn đều nhận tiền từ nhà máy Mỹ
Phong, nên họ đứng về giới chủ và bỏ mặc công nhân.
Nhận được lời cầu cứu của một số anh chị em công nhân, ba bạn Hạnh -
Hùng - Chương lập tức có mặt. Sau khi lắng nghe chia sẻ và hiểu nguyện
cọng của giới công nhân, các bạn đã giải thích để những người lao động
hiểu được quyền lợi chính đáng của mình. Đồng thời, một kế hoạch đấu
tranh bằng cách đình công nhanh chóng được mọi người hưởng ứng.
Các yêu sách đòi hỏi quyền lợi chính đáng gửi lên lập tức bị ban giám
đốc nhà máy Mỹ Phong vứt vào sọt rác. Căng thẳng giữa người lao động và
giới chủ ngày một gia tăng. Thông tin về kế hoạch đình công bị bại lộ
bởi sự trà trộn của cán bộ công đoàn.
Để ngăn chặn đình công, giới chủ công ty đã yêu cầu lực lượng bảo vệ
và công an chi viện, đóng chốt ngay tại nhà máy. Đồng thời, để không cho
công nhân tập trung, ban giám đốc ra lệnh khóa kín cổng các phân xưởng,
ngăn cách mọi liên lạc. Hành động này khiến một số công nhân nữ bị nhốt
đã ngộp thở dẫn đến ngất xỉu. Sự phẫn nộ ngày một gia tăng nhưng chưa
ai dám đứng lên kêu gọi đấu tranh.
Ngày 28/01/2010, ba thanh niên trong màu áo công nhân đã vượt thoát
hàng rào công an, bảo vệ dày đặc để xuất hiện bên trong nhà máy đúng vào
giờ nghỉ. Ba thanh niên này chính là Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng
Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Lời kêu gọi đình công đấu tranh ngay lập
tức vang lên và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, dẫn đến những cuộc đình
công kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày.
Đáp lại, ban giám đốc ra lệnh khóa chặt cổng các phân xưởng nhằm
không cho công nhân ra ngoài. Việc đóng kín cổng đã khiến 16 nữ công
nhân ngất xỉu do ngộp thở, buộc lòng các công nhân phải phá cổng để đưa
những người ngất xỉu đi cấp cứu.
Liên đoàn lao động tỉnh Trà Vinh liền xuất hiện tạo dựng hiện trường
đập phá giả nhằm vu khống cuộc đình công. Hai công nhân tham gia đình
công bị giám đốc và bảo vệ công ty bắt giữ, sau đó giao nộp cho công an.
Hành động này như đổ dầu vào lửa, sự phẫn nộ leo thang có nguy cơ dẫn
đến tình trạng mất kiểm soát.
Nhóm Hạnh - Hùng - Chương đã kiên trì giải thích và nhận được sự
hưởng ứng của nhiều công nhân. Cuộc đình công diễn ra có tổ chức và giúp
ngăn chặn được một số hành động thiếu kiềm chế như đập phá máy móc, nhà
xưởng...
Sau 3 ngày đình công liên tiếp, ban giám đốc nhà máy Mỹ Phong đã buộc
phải xuống nước, chấp thuận yêu sách cả thiện mức lương. Do là thời
điểm gần tết, nhiều công nhân cần tiền để lo cho gia đình nên đã tỏ ý
muốn quay trở lại làm việc. Bầu không khí phân vân bắt đầu xuất hiện
trong giới công nhân.
Đỗ Thị Minh Hạnh và các bạn cô cho rằng, việc chấp nhận chế độ lương
bổng cho công nhân chỉ là giải pháp đối phó của công ty, và đây không
phải là mục đích cao nhất của cuộc đình công. Cho dù tăng lương, nhưng
giới chủ công ty vẫn tiếp tục xúc phạm, hành hung người lao động như
trước thì vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề.
Lập tức, một kế hoạch khác được nhóm Hạnh - Hùng - Chương gấp rút thực hiện ngay trong đêm.
Ngày 31/1 và 1/2/2010, xung quanh nhà máy Mỹ Phong xuất hiện hàng
ngàn truyền đơn kêu gọi tiếp tục đình công, đấu tranh cho những công
nhân bị đuổi việc trước đó, đòi hỏi thành lập công đoàn do chính công
nhân bầu ra, yêu cầu công ty phải tôn trọng nhân phẩm người lao động...
Những truyền đơn này sau đó đã được truyền tay đến rất nhiều người,
khiến những công nhân đang quay trở lại làm việc cũng lập tức nghỉ việc
để tham gia cuộc đình công.
Lần đầu tiên sau năm 1975, tại Việt Nam xuất hiện một cuộc đình công
mà người lao động mạnh mẽ yêu cầu trách nhiệm của giới công đoàn, đòi
hỏi phải được tôn trọng nhân phẩm và đấu tranh cho những công nhân khác.
Một cuộc đình công với thái độ rõ ràng và tinh thần đoàn kết rất cao.
Chính điều này đã khiến phía công ty tỏ ra lúng túng khi bắt đầu
xuống nước đối thoại với công nhân. Ngay cả khi phía công ty chấp nhận
yêu sách về lương bổng cũng không thể khiến các cuộc đình công chấm dứt.
Đòi hỏi được tôn trọng nhân phẩm là điều kiện tiên quyết để người lao
động quay trở lại làm việc.
Thậm chí, lực lượng hỗn hợp gồm công an, Liên đoàn lao động cùng đại
diện giới chức Trà Vinh phải vất vả kéo đến can thiệp nhưng vẫn không
giải quyết được tình hình.
Cuối cùng, sau 7 ngày đình công liên tục, phía công ty buộc lòng phải
đáp ứng hoàn toàn các yêu sách được đưa ra, công nhân nhà máy Mỹ Phong
mới bắt quay trở lại làm việc.
Cuộc đình công của hàng vạn công nhân Mỹ Phong đã thành công vang
dội, gây được sự ảnh hưởng tích cực đối với công nhân các nhà máy lân
cận. Tuy nhiên, sự thành công quá lớn của một cuộc đình công có kỷ luật
đã khiến lực lượng công an huy động lực lượng truy tìm 3 người đứng sau
tổ chức.
Vì
thời gian có hạn, chúng tôi xin tạm ngưng nơi đây, Mời quý thính giả
đón nghe phần tiếp theo của lọat bài “Giấc Mơ Của Hạnh” vào chương trình
ngày mai.
No comments:
Post a Comment