Thứ Bảy, ngày 14-6-2014
Kính chào quý vị thính giả, NHỮNG
VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA tuần này xin được thảo luận về Công Hàm do Thủ tướng
CS Bắc Việt Phạm Văn Đồng ký ngày ngày 14 tháng 9 năm 1958 thường được
gọi là "Công Hàm bán nước" vì hiện nay đang được Trung Cộng viện dẫn để
xác nhận chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Diễn giả là ông
Trương Nhân Tuấn, tác giả tác phẩm biên khảo "Biên Giới Việt Trung
1885-2000". Ông Trương Nhân Tuấn tham dự cuộc thảo luận này từ
Marseille, Pháp Quốc.
1/ Câu hỏi : Có dư luận cho rằng, khi ký Công Hàm 14-9-1958 công nhận
lãnh hải của TC quy định trong bản Tuyên bố của Trung Hoa phổ biến 10
ngày trước đó, ông Phạm Văn Đồng không biết là trong Tuyên Bố của TC có
nều rõ Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh hải của TC. Ông nghĩ thế nào
về lập luận này ?
Trả lời : Tôi không rõ nguồn dư luận này bắt đầu từ đâu và khi nào.
Có điều, theo thông lệ quốc tế, không một nhà lãnh đạo quốc gia nào có
thể nại lý do « không biết » để khước từ hệ quả pháp lý về một hành
động, hay một tuyên bố nào đó của mình. Trong phạm vi quốc gia cũng vậy,
người dân không thể bào chữa rằng vì mình không biết luật cho nên mới
vi phạm. Do đó, lý lẽ cho rằng « vì không biết nên mới ra tuyên bố như
vậy », sẽ không ảnh hưởng gì lên hiệu lực, nếu có, của công hàm 1958.
Vấn đề quan trọng là nội dung công hàm đó nói lên các điều gì và nó có
giá trị ràng buộc pháp lý thế nào cho Việt Nam ?
2/ Câu hỏi : Trước khi có công hàm 1958, Ung Văn Khiêm, thứ trưởng
Ngoại giao của VNDCCH cũng đã tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc. Xin Ông cho biết chi tiết về sự việc này.
Trả lời : Theo các tài liệu do phía TQ phổ biến thì ngày 15 tháng 6
năm 1956, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm đã nói với Đại
biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Lý Chí Dân: "Theo tư
liệu từ phía Việt Nam, xét về mặt lịch sử, các quần đảo Tây Sa và quần
đảo Nam Sa nên thuộc về lãnh thổ Trung Quốc".
Theo sự hiểu biết của tôi qua một số án lệ của Tòa án công lý quốc
tế, thì nếu phía TQ có bằng chứng, chứng minh được tuyên bố này là có
thật, thì lời tuyên bố này cũng có ảnh hưởng tương tự như công hàm 1958
của ông PVD, nếu vấn đề tranh chấp giữa hai bên VN và TQ được đưa ra
phân xử trước quốc tế.
3/ Câu hỏi : Ông có thể cho biết quan điểm của ông về các tuyên bố này ?
Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của TQ là một tuyên bố đơn phương về
lãnh thổ và hải phận. Trong đó có ghi rõ Tây Sa và Nam Sa (tức HS và
TS) thuộc về TQ. Tuyên bố này tương tự như tuyên bố đơn phương gần đây
của Trung Quốc về « vùng nhận diện phòng không » ở vùng biển hoa Đông.
Theo thông lệ quốc tế, các tuyên bố đơn phương có thể có hiệu lực pháp
lý ràng buộc cho các nước quan hệ, nếu các nước này không kịp thời lên
tiếng phản đối. Các nước như Nhật, Nam Hàn, Mỹ, cùng nhiều nước khác...
đã tức thì lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố « vùng nhận diện phòng
không » của TQ. Một lẽ vì nó chồng lấn lên vùng nhận diện phong không
của Nhật và Nam Hàn đã thiết lập từ lâu, trong thời kỳ chiến tranh lạnh,
sau đó vi phạm chủ quyền lãnh thổ của hai nước này.
Ta có thể kết luận tương tự là Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của
TQ có hiệu lực pháp lý ràng buộc nếu các quốc gia liên quan không lên
tiếng phản đối.
Nhà nước VNDCCH do ông Hồ làm chủ tịch lúc đó đã không lên tiếng phản đối tuyên bố này mà còn lại ra công hàm nhìn nhận nó.
4/ Câu hỏi : Năm 1979, Bộ Ngoại Giao CSVN có ra tuyên bố phủ nhận sự việc này có phải không, thưa Ông ?
Tuy nhiên, sau khi xung đột vũ trang với TQ tháng 2 năm 1979, bộ
Ngoại giao CHXHCN Việt Nam ngày 7 tháng 8 năm 1979 ra tuyên bố 6 điểm.
Theo đó họ giải thích rằng Việt Nam chỉ nhìn nhận hiệu lực 12 hải lý
lãnh hải chứ không nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và
Trường Sa.
Vấn đề đặt ra là tuyên bố này có khả năng hóa giải hiệu lực công hàm 1958 hay không mà đây là một vấn đề khác.
Còn về tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm, hay các hành vi khác của nhà
nước CHXHCNVN thể hiện trong quá khứ liên quan đến HS và TS, chúng cũng
có hiệu lực pháp lý. Trên nguyên tắc, cả ông Đồng lẫn ông Ung Văn Khiêm
đều không có thẩm quyền để nói về vấn đề lãnh thổ. Nhưng ở cương vị thủ
tướng và thứ trưởng bộ ngoại giao, thì những người này có thể ra một «
tuyên bố đơn phương ».
Nhiều án lệ đã xảy ra, thí dụ vụ kiện giữa Na Uy và Đan Mạch về chủ
quyền phía đông đảo Groeenland, hay vụ kiện giữa Anh và Pháp về chủ
quyền quần đảo Jersey trong vịnh Granville kế cận nước Pháp, hoặc gần
đây vụ kiện giữa Mã Lai và Singapour về đảo Pédra Bianca. Trong các vụ
kiện này các « tuyên bố » của các quan chức có thẩm quyền của các bên là
yếu tố quyết định lên phán quyết của Tòa.
Tức là, nếu tranh chấp Việt-Trung về quần đảo HS và TS được đưa ra
tòa phân xử, thì các tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm, hay công hàm của
ông Phạm Văn Đồng, có thể làm lệch cán cân quyết định của tòa.
5/ Câu hỏi : Lý do gì vào thời điểm những năm 1950, Đảng CSVN lại có những tuyên bố như vậy về Hoàng Sa và Trường Sa ?
Như mọi người VN đều biết, hai quần đảo HS và TS đã là lãnh thổ của
VN từ rất lâu. Các thời vua chúa VN đã liên tục hành sử quyền chủ quyền
của mình tại các vùng lãnh thổ này, thể hiện qua các việc hàng năm phái
nhân sự ra các đảo này khai thác các nguồn tài nguyên. Nhà nước Bảo hộ
Pháp tiếp nối triều đình nhà Nguyễn quản lý về hàng hải và quan thuế
quần đảo Hoàng Sa từ thập niên 20. Đến năm 1925 Pháp tuyên bố trước dư
luận quốc tế là hai quần đảo HS và TS là lãnh thổ thuộc về Việt Nam,
quốc gia do Pháp bảo hộ.
Ở cương vị một người lãnh đạo đất nước, ông Hồ Chí Minh cũng như ông
Phạm Văn Đồng, hay ông Võ Nguyên Giáp, không thể không biết các điều
này. Đó là HS và TS từ lâu đã thuộc về VN. Chỉ đến năm 1909 TQ mới lên
tiếng dành chủ quyền ở quần đảo HS.
Điểm khác, năm 1951, tại hội nghị San Francisco, Trung quốc không có
mặt tham dự hội nghị, nhưng Liên Xô đại diện cho quyền lợi của TQ, đại
diện của Liên Xô là ông Gromyko đề nghị giao hai quần đảo HS và TS cho
TQ. Việc này bị hội nghị bác bỏ. Đại diện của VN là ông Trần Văn Hữu,
nhân đó lên tiếng trước Hội nghị khẳng định chủ quyền của VN tại HS và
TS. Tuyên bố này không bị nước nào phản đối.
Ông Phạm Văn Đồng, ông Ung Văn Khiêm, cũng như ông Hồ, ông Giáp,
những người lãnh đạo miền Bắc trong khoảng thời gian đó, không thể không
biết lãnh thổ của đất nước mình có từ đâu tới đâu, hoặc không thể không
biết vấn đề tranh chấp các quần đảo HS và TS đã diễn ra trên trường
quốc tế như thế nào.
Các tuyên bố của ông Đồng, ông Khiêm, thực ra là của cả nhà nước
VNDCCH, nếu chiếu theo luật pháp của VN vào mọi thời kỳ, là phạm tội
phản bội tổ quốc.
Lý do mà họ tuyên bố như vậy, là vì trong thời kỳ sau 1955, phía CS
miền Bắc đã lên kế hoạch chiếm miền Nam bằng vũ lực. Họ cần sự ủng hộ và
viện trợ quân sự của TQ. Để đạt được mục tiêu, lãnh đạo miền Bắc đã làm
mọi việc, từ việc hy sinh xương máu, của cải của toàn dân, cho đến việc
nhượng lãnh thổ của VN cho TQ.
Vấn đề là, khi VN và TQ cơm không lành canh không ngọt, sau cuộc
chiến 1979, VN nói ngược lại, theo nội dung tuyên bố 1979, là chỉ công
nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ ở mọi vùng lãnh thổ của TQ, mà không tôn
trọng ở HS và TS, với lý do HS và TS thuộc về VN.
Theo tôi thì VN không dễ dàng mà nói ngược ngạo lại như vậy. Khi TQ
có đủ sức mạnh, họ có thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề TS. Lúc đó
VN sẽ lâm vào một tình trạng khó xử.
No comments:
Post a Comment