Thứ Sáu, ngày 13.06.2014
Đã hơn một tháng từ ngày TC công
khai dưa dàn khoan vào Biển Đông nước ta, nhiều tiếng nói cất lên đòi
hỏi nhà cầm quyền CSVN tỏ rõ thái độ cương quyết hơn, nhưng phương cách
ứng xử cho thấy VN không thể thoát khỏi sự khống chế của TC. Kính mời
quí thính giả nghe quan điểm của LLDTCNTQ về phương cách "thoát Trung"
qua giọng đọc của HN với chủ đề: "muốn thoát trung phải bỏ cộng" sau
đây.
Thưa quí thính giả,
Cho dù nước ta đã thoát ách thống trị của Phương Bắc cả ngàn năm,
nhưng cái bóng ma Đại Hán vẫn ám ảnh VN trong suốt chiều dài lịch sử độc
lập của nước nhà. Những năm gần đây, bóng ma ấy mỗi lúc mỗi lộ diện rõ
hơn. Gần hơn nữa từ ngày 2 tháng 5 năm 2014, thì nó lù lù xuất hiện ngay
trong ao nhà của ta dưới dạng cái dàn khoan dầu khổng lồ, khiến đồng
bào khắp nước lo ngại thời kỳ Bắc Thuộc mới đã thật sự mở màn, như lời
cựu ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã nói sau cái Hội Nghị Thành Đô tháng
9, 1990.
Trước nguy cơ Hán Hóa cận kề, những người Việt còn tha thiết với
tương lai của tổ quốc và dân tộc, vừa phẫn nộ trước hành vi ngạo mạn của
Trung Cộng, vừa tìm cách chận đứng mưu toan thôn tính của giặc.
Gần đây ở trong nước cũng như hải ngoại rộ lên nhiều ý kiến xoay
quanh chủ đề làm thế nào VN thoát khỏi sự khống chế của TC, gọi tắt là
kế hoạch "thoát trung". Cụ thể chiều ngày 5 tháng 6 vừa qua tại Hà Nội
đã có một cuộc tọa đàm với chủ đề là "thoát trung", qui tụ khá đông
thành phần trí thức ở nhiều khuynh hướng khác nhau, đây mới chỉ là khúc
nhạc dạo đầu nên chưa biết loại sinh hoạt này có được tiếp nối hay sẽ bị
ngăn chận vì chạm đến vấn đề nhậy cảm, mà CSVN xem là cấm kỵ!
Vậy thoát Trung là thoát cái gì? Câu hỏi rất thực tế, và cũng rất khó
trả lời, vì mỗi người nhìn vấn đề ở mỗi khía cạnh khác nhau. Nên việc
đầu tiên chúng ta cần minh định rõ hai khuynh hướng, hai lập trường trái
ngược nhau như hai thái cực không thể pha trộn, lầm lẫn hay đánh tráo
được, một bên là đảng CS và những người tin vào đảng này, bên kia là
những người không chấp nhận CS và đường lối của đảng này. Khi đã phân
biệt được lằn ranh như thế thì câu trả lời trở nên minh bạch và dễ dàng
hơn.
Ai cũng nhận thấy Việt Nam đang bị lệ thuộc vào TC ở nhiều lãnh vực,
có lãnh vực cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của dân
tộc và đời sống của người dân như thể chế chính trị, và nền kinh tế
quốc gia nói chung. Có lãnh vực tác động cấp thời như năng lượng, thương
mại, tiền tệ, cũng có những lãnh vực ảnh hưởng chậm, nhưng không kém
phần quan trọng như văn hóa, xã hội.
Vế phía đảng CSVN thì họ vẫn trung thành với đảng CSTC, vì cùng chung
ý thức hệ chính trị, cùng theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa, cùng áp
dụng độc tài độc đảng, cùng sử dụng bạo lực để trấn áp đối kháng, không
chấp nhận đa nguyên đa đảng. Và quan trọng hơn nữa là đảng CSVN dựa vào
TC để duy trì vị trí độc tôn lãnh đạo. Sự gắn bó giữa Mao Trạch Đông và
Hồ Chí Minh đã có từ thập niên 30 ở thế kỷ trước, nối tiếp cho đến hôm
nay, tuy đôi lần có va chạm và bất hòa, nhưng cái lõi bên trong vẫn
khắng khít bền chặt. Cứ nghe những lời do Tổng Bí Thư Lê Duẩn nói "ta
đánh Mỹ là đánh cho Nga, cho Tàu" thì đủ biết vị trí của đảng CSVN ở chỗ
nào trong quan hệ Việt Trung.
Từ lâu tập đoàn lãnh đạo CSVN đã biết và biết rất rõ rằng TC vẫn coi
VN là một tỉnh lẻ của họ trong kế hoạch thôn tính đã được dự liệu từng
bước một cách chu đáo. Nhưng đối với họ thì đảng quan trọng hơn tổ quốc,
trong cái giấc mơ thế giới đại đồng mà lý thuyết CS quốc tế đề ra, nên
họ vẫn nhắm mắt tuân theo và thi hành tốt mục tiêu không tưởng ấy.
Ngay trong lúc khối CS Nga và Đông Âu sụp đổ vào cuối thập niên 80,
chính Nguyễn Văn Linh đã nài nỉ Gorbachev tìm cách cứu vãn phong trào CS
quốc tế.Tiếp đến những người như Nông Đức Mạnh, Lê khả Phiêu, Nguyễn
Phú Trọng...trong tập đoàn lãnh đạo CSVN phần vì mù lòa không nhìn thấy
hào quang của tinh thần dân chủ tiến bộ trên thế giới, phần khác bị che
khuất bởi lòng tham và quyền lợi vật chất nên đã đang tâm bán rẻ giang
sơn của tổ tiên cho kẻ thù.
Từ thực tế phũ phàng này, chúng ta đặt ra vấn đề "thoát Trung" thế
nào được khi chính quyền hoàn toàn nẳm trong tay đảng CS? Cứ nhìn những
động thái của Hà Nội phản ứng trước hành vi ngang nhiên của TC khi đưa
dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2 tháng 5 đến
nay thì quá rõ, lời nói không hề đi đôi với việc làm.
Những biện pháp CSVN đang áp dụng như khuyến khích ngư dân bám biển,
hay mở chiến dịch tuyên truyền tạo dư luận trên thế giới chẳng có tác
dụng gì. Trong khi phương án sử dụng pháp lý đã được Philippines áp
dụng, và nhiều chuyên viên hối thúc VN tiến hành ngay các thủ tục để đưa
vụ việc ra trước trong tài Liên Hiệp Quốc, đồng thời quốc tế hóa vấn đế
tranh chấp Biển Đông. Nhưng tiếc thay Hà Nội đã bỏ ngoài tai, và cố né
tránhbiện pháp này.
Sự kiện này làm lộ rõ những nghi vấn mà chúng tôi đã nêu ra trong bài
quan điểm lần trước rằng phải chăng Bắc Kinh đang có trong tay những
chứng cớ rất quan trọng, chỉ chờ đúng lúc đúng thời sẽ chưng ra để bảo
đảm phần thắng. Vì vậy Hà Nội đã không dám tiến hành vụ kiện; và hai là
vụ dàn khoan 981 chính là phương án Bắc Kinh dùng để cứu nguy cho đảng
CSVN trước áp lực từ lòng yêu nước của người dân Việt Nam.
Vì vậy người Việt Nam muốn thoát Trung, thì phải dứt bỏ Cộng, đó là con đường ngắn nhất để giữ được giang sơn.
Cám ơn quí thính giả đã lắng nghe bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc
No comments:
Post a Comment