Thứ Bảy 14.06.2014
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử
Việt Nam ghi lại vào 13 thế kỷ trước đã có một vị vua biết vận dụng liên
minh quân sự của các nước láng giềng để chống lại giặc ngoại xâm phương
Bắc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt", chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả bài "Anh hùng Mai Hắc Đế" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam
Thanh để chấm dứt chương trình tối nay.
Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa
chống sự xâm lăng của nhà Đường ở Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 8.
Theo "Việt điện u linh", Mai Thúc Loan sinh vào khoảng cuối thế kỷ
thứ 7, tại thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh
Nghệ An. Cha là Mai Hoàn, mẹ là Mai An Hòa.
Năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, người mẹ đi hái củi bị hổ vồ, ít lâu sau
người cha cũng qua đời. Ông được người bạn của cha là Đinh Thế đem về
nuôi, sau gả đứa con gái là Ngọc Tô cho ông. Thuở nhỏ, Mai Thúc Loan rất
khỏe mạnh, học giỏi, võ nghệ cao cường và có chí lớn. Ông mở võ đường,
lập trường săn bắn, chiêu mộ nhiều trai tráng trong vùng để mưu việc
lớn. Vợ ông rất giỏi trong việc điều hành nông trại, nhờ đó "gia sản
ngày một nhiều, môn hạ ngày một đông".
Có chí chu du và được vợ hết lòng ủng hộ, Mai Thúc Loan kết thân với
nhiều hào kiệt, sau này trở thành những tướng tài tụ nghĩa dưới lá cờ
của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết
Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân...
Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào năm
713. Cái nôi của cuộc khởi nghĩa ở vùng Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn
(Nghệ An).
Tương truyền khi cùng đoàn phu gánh vải nộp cho nhà Đường, ông đã kêu
gọi các phu gánh vải nổi dậy chống quân Đường vì sưu cao, thuế nặng. Và
đây là cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị và biết chọn đúng thời cơ.
Tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.
Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An, tích cực rèn luyện tướng sĩ.
Cuộc nổi dậy chống nhà Đường của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong
nước và có cả sự liên kết với hai nước Lâm Ấp và Chân Lạp.
Năm 714, Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày
nay). Thái thú nhà Đường là Quang Sở Khách thua trận, phải bỏ thành chạy
về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới cả chục vạn quân.
Sau đó, nhà Đường huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc và Quang
Sở Khách chỉ huy tiến sang đàn áp. Quân nhà Đường theo đường bờ biển
Đông Bắc tấn công thành Tống Bình. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu
vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận,
thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Không chống nổi đoàn quân xâm
lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau đó bị bệnh mà băng hà.
Từ thời điểm đánh chiếm Hoan Châu, lên ngôi vua, củng cố lực lượng,
Mai Thúc Loan đã giải cứu đất nước và giữ vững nền độc lập suốt 10 năm
(từ năm 713 đến năm 722).
Tương truyền, con trai thứ ba của ông là Mai Thúc Huy lên ngôi vua
(tức Mai Thiếu Đế) vẫn tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của nhà
Đường cho đến năm 723. Nhớ ơn Mai Hắc Đế, người dân Việt lập đền thờ
trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Ngày nay tại địa phận xã
Vân Diên, huyện Nam Đàn có khu di tích tưởng niệm ông.
Suốt 1000 năm bị phương Bắc xâm lược, hàng chục cuộc khởi nghĩa của
những anh hùng hào kiệt đã diễn ra, mà một trong số đó là do vị anh hùng
Mai Thúc Loan lãnh đạo. Đây là một cuộc chiến đấu được xem là "châu
chấu đá voi", vì nhà Đường là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất
trong lịch sử Trung Hoa, kéo dài gần 300 năm, với biên cương lãnh thổ
được mở rộng lên phía Bắc và phía Tây sau khi xóa sổ nhiều nước nhỏ hơn.
Thế nhưng, trước sức mạnh quân sự khổng lồ đó, vua Mai Hắc Đế vẫn có
thể đoàn kết toàn dân một lòng vùng lên lật đổ guồng máy cai trị hà khắc
của nhà Đường và tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược suốt 10
năm liền. Và dù thua trận, VN lại rơi vào vòng đô hộ của giặc phương
Bắc, nhưng người hùng Mai Thúc Loan đã viết lên một trang sử mới, được
tô đậm thêm bằng giòng máu bất khuất của dân tộc Lạc Hồng là "thà chết
chứ không chịu khuất nhục" trước giòng Hán tộc.
Sau Mai Hắc Đế, các trang sử đấu tranh hào hùng đó lại được viết thêm
bởi Phùng Hưng, Triệu Quang Phục, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền.v.v. Tất
cả đã đi vào lịch sử nước Việt bằng tấm lòng quả cảm, dám hy sinh để
chứng minh cho giặc phương Bắc biết "Nam quốc sơn hà Nam đế cư".
Thế nhưng nếu có linh thiêng, tiền nhân Mai Hắc Đế sẽ phải ngậm ngùi
khi nhìn thấy lũ con cháu Tiên Rồng hôm nay đang có nhiều kẻ run rẫy sợ
sệt trước khí thế "nhe nanh múa vuốt" của quân Trung Cộng ở Biển Đông và
sẵn sàng dâng nhượng đất đai để đổi lấy vinh hoa phú quí cho cá nhân và
gia đình mình.
"Bỉ nhất thời dã", mỗi thời mỗi khác. Thời xưa, cha ông Việt tộc hào
hùng bấy nhiêu thì thời nay người ta chỉ còn biết ngậm ngùi khi nhận
thấy "sĩ khí rụt rè, gà phải cáo" của tập đoàn lãnh đạo CSVN. Ngay cả
việc lôi Trung Cộng ra tòa án Quốc tế mà còn không dám thì nói gì đến
việc triệu tập một hội nghị Diên Hồng để đoàn kết toàn dân chống Tàu.
Họ đang mở trang sử ô nhục thay thế trang sử của người hùng áo vải
Mai Hắc Đế của hơn một ngàn năm trước đây, nhưng vẫn ra rả tự xưng là
"đảng CSVN quang vinh". Thiệt là xót xa cho tiền đồ của dân tộc!
No comments:
Post a Comment