Thứ Hai, ngày 23.06.2014
Ước mơ nối tiếp ước mơ
Dù bị tù đày khắc nghiệt, Đoàn Huy Chương tiếp tục đấu tranh tuyệt
thực trong trại giam Z30A để đòi quyền lợi chính đáng. Đỗ Thị Minh Hạnh
từ chối lao động nhằm phản đối trại giam Thủ Đức bóc lột sức lực tù nhân
và làm giàu cho cán bộ quản giáo. Công an buộc phải chuyển Đỗ Thị Minh
Hạnh ra trại giam tận Hà Nội nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của cô đối với
những tù nhân khác.
Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương vẫn luôn
tiếp tục đấu tranh trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, thậm chí có
thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Tinh thần dấn thân của cả ba bạn là tấm
gương và nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những người đấu tranh ở trong và
ngoài nước.
Dù buộc phải lui vào hoạt động bí mật, Phong trào Lao Động Việt vẫn tiếp tục ước mơ còn dang dở của ba bạn Hạnh - Hùng - Chương.
Nhiều hoạt động như phát tờ rơi, hướng dẫn quyền lao động, đình công
có tổ chức... trong những năm vừa qua đều mang dấu ấn của 3 người bạn
trẻ tiên phong mở đường.
Bên ngoài, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động gồm bà Ca Dao, các ông Nguyễn
Đình Hùng, Đoàn Việt Trung, Nguyễn Tánh, Trần Ngọc Thành... đã bí mật
đưa mẹ Hạnh là bà Trần Thị Ngọc Minh sang Châu Âu, bắt đầu chiến dịch
vận động quốc tế đòi trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh và tất cả các tù
nhân lương tâm tại Việt Nam.
Trong lần vào trại giam cuối cùng trước khi rời Việt Nam, bà Minh
nước mắt chảy dài ôm con và nói: "Má sẽ làm tất cả để con được tự do, dù
có phải đi đến tận cùng trời cuối đất má cũng sẽ đi kêu cứu cho con. Má
sẽ...", bắt gặp ánh mắt chăm chú của người cán bộ quản giáo, bà Minh
chợt im lặng. Đã hai năm qua, người mẹ ấy chưa được nói lời từ biệt con,
và cũng chưa có cơ hội gặp lại con. Trong những chuyến vận động sang
tận Mĩ, Úc... đêm nào bà cũng khóc nhớ con.
Ngày 17/1/2014, một đại hội được tổ chức tại Thái Lan đã công khai
tuyên bố thành lập Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Động
Việt. Đây là một liên minh với sự tham gia của 4 tổ chức, gồm: Công Đoàn
Độc Lập Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, Phong Trào Lao
Động Việt và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
Đại hội kỳ 1 đã bầu ông Trần Ngọc Thành giữ chức Chủ tịch, Lao Động
Việt chính thức hoạt động bán công khai sau một thời gian phải bí mật.
Bước đầu, Lao Động Việt đã thành lập được một số công đoàn cơ sở tại
Malaysia và Việt Nam.
Sự ra đời của Lao Động Việt là nỗ lực giúp phong trào đấu tranh đòi
quyền lợi của giới công nhân cả nước ngày càng mạnh mẽ, một công đoàn
thực sự đại diện cho người lao động.
Cùng với xu thế thời đại, xã hội dân sự Việt Nam có những bước đi
vững chãi cùng những lợi ích từ TPP mang lại đã góp phần mở ra vận hội
mới cho hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam. Chưa bao giờ phong
trào đấu tranh cho quyền lợi người lao động được quan tâm và đòi hỏi
mạnh mẽ như hiện nay. Tuyên bố chung của 18 tổ chức dân sự hôm 8/6 cũng
đã ủng hộ việc phải có một công đoàn độc lập tại Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, cuộc đấu tranh cho quyền lợi người lao động
sẽ còn rất nhiều thử thách và chông gai. TPP không phải là cây gậy thần
có thể khiến chế độ toàn trị chấp nhận cạnh tranh trong các hoạt động
công đoàn - lãnh vực mà đảng cộng sản tự cho mình cái quyền độc tôn
thống trị. Sự trở mặt sau khi nhà cầm quyền CSVN được vào WTO và tổ chức
xong hội nghị APEC hồi 2006 là những bài học còn rất gần.
Dù vậy, Đỗ Thị Minh Hạnh cùng các bạn của cô đã để lại những di sản
vô cùng quý giá về tình đoàn kết, thái độ đấu tranh kiên cường và tinh
thần bất khuất trước bạo quyền.
Sự đoàn kết của 4 tổ chức tạo thành Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do
chính là sự tiếp nối ước mơ và con đường mà Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn
Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đã mở lối tiên phong.
Trong một cuộc phỏng vấn vào lúc cận kề ngày bị bắt, Đỗ Thị Minh Hạnh
từng nói: "Nếu chúng ta không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng? Nếu chúng
ta không làm thì ai sẽ làm? Và nếu như có nguy hiểm đi chăng nữa thì
chúng tôi vẫn chấp nhận điều đó."
Chấp nhận hiểm nguy, nhóm ba người bạn Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng
Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đã hy sinh những năm tháng đẹp nhất đời
người để cống hiến và đấu tranh cho quyền lợi người lao động. Trong cảnh
sống lao tù, cả ba vẫn trước sau như một: không nhận tội, không sợ hãi,
không lùi bước.
Hôm 13/3/2014, trong ngày sinh nhật lần thứ 5 trong tù, Đỗ Thị Minh Hạnh đã nhờ ba gửi đến tất cả mọi người bức thư như sau:
"Con xin cảm ơn tất cả mọi người đã yêu thương và dành tình cảm đặc
biệt cho con trong ngày sinh nhật. Thật ấm áp và hạnh phúc. Xin hẹn mọi
người ngày sinh nhật 13/3/2017".
"Xin hẹn mọi người ngày sinh nhật 13/3/2017" - Hạnh bị bắt vào năm
2010 khi 25 tuổi, đến ngày mãn hạn bản án 7 năm tù giam vào năm 2017 thì
cô đã bước sang tuổi 32. Những năm tháng đẹp nhất đời người con gái
trôi qua sau song sắt nhà tù.
"Xin hẹn mọi người ngày sinh nhật 13/3/2017" - lời nhắn nhủ của Hạnh
gửi đến tất cả chúng ta. Hạnh không nhận tội, không xin khoan hồng và
cũng không thỏa hiệp để được ra tù trước thời hạn. Cô chấp nhận ngồi tù
đến khi hết án chứ không xin xỏ chế độ độc tài.
"Xin hẹn mọi người ngày sinh nhật 13/3/2017" - sợ rằng khối u trong
ngực sẽ không cho phép Hạnh sống được đến ngày đó. Mặc dù dấu hiệu ung
thư đã quá rõ ràng, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn không để gia đình đưa
Hạnh được khám chữa bệnh đúng chuyên khoa. Phải chăng, chế độ độc tài
muốn trả thù Hạnh bằng cách để cô chết dần chết mòn như đã từng làm với
thầy giáo Đinh Đăng Định?
Dứt khoát, công đoàn độc lập sẽ luôn phải gắn liền cuộc đấu tranh bảo
vệ quyền lợi người lao động và cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho những
người tiên phong là Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy
Chương và tất cả các tù nhân lương tâm khác. Vốn quý của dân tộc dứt
khoát phải được tự do, đây cũng là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước
đến dân chủ và cường thịnh.
Ước mơ của Hạnh cũng chính là ước mơ của Chúng Ta!
Trọng
No comments:
Post a Comment