Tuesday, June 17, 2014

Giấc mơ của Hạnh

Thứ Ba, ngày 17.06.2014    
Hoài bão chiến đấu cho lý tưởng nhất là lý tưởng bảo vệ người công nhân đang bị chủ ngoại và kẻ cầm quyền toa rập bóc lột, đã dần dần thành hình dù những người khởi xướng đang phải chịu giam cầm đày đọa trong ngục tối. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN phần bài viết có tựa đề: " Giấc mơ của Hạnh " của tác giả mang tên Trọng sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Chưa bao giờ mà vấn đề bảo vệ quyền lợi công nhân được bàn luận và hưởng ứng rộng rãi như hiện nay, nhu cầu thành lập những công đoàn độc lập đại diện cho người lao động từ đó cũng trở nên rất cấp bách. Cách đây 6 năm, những điều mà hôm nay chúng ta nói đến đã được ba thanh niên trẻ thực hiện trong những điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm lúc bấy giờ.
Nhóm ba người bạn gồm Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đã dấn thân để biến ước mơ thành sự thật, đó là việc xây dựng một tổ chức đại diện cho giới lao động Việt Nam. Hậu quả mà những con người tiên phong mở đường ấy phải chịu đựng là từ 7 đến 9 năm tù nghiệt ngã. Họ đã hy sinh tuổi xuân đẹp nhất cho dân tộc và chưa biết còn có thể sống được đến ngày mãn hạn tù hay không.
*
Khi các cuộc đình công chống Trung cộng mau chóng bùng phát thành bạo lực không thể kiểm soát, người dân cả nước bỗng phải giật mình chất vấn: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có còn đại diện cho giới công nhân, hay chỉ là một tổ chức ăn hại?
Sự phản bội của đảng cộng sản đối với 'đội ngũ tiên phong' gây ra một khoảng trống lớn trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân, khiến tình trạng mâu thuẫn trở nên ngày càng gay gắt. Dù vậy, lãnh vực công nhân vẫn luôn bị chế độ toàn trị tự cho mình cái quyền độc tôn.
Giữa lúc Biển Đông đang bên bờ vực chiến tranh, TPP là con đường duy nhất giúp nhà cầm quyền CSVN thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện, hay ít nhất có thể thoát khỏi sự thần phục vô điều kiện đối với Trung Quốc.
Cái giá phải trả cho giấc mộng TPP cũng buộc giới cầm quyền VN phải tôn trọng quyền tự do thành lập nghiệp đoàn lao động. Điều kiện này mở ra một cơ hội chưa từng có đối với những người mong mỏi thay thế và lấp đầy khoảng trống trong lãnh vực bảo vệ quyền lợi công nhân.
Những 'cú huých' mạnh mẽ tạo ra nhiều tiếng nói đòi hỏi phải có một công đoàn độc lập tại Việt Nam. Cuộc họp hôm 5/6 tại chùa Liên Trì đã dẫn đến thành quả chung của 18 tổ chức, hội đoàn cùng đồng thanh tuyên bố ủng hộ hoàn toàn công đoàn độc lập do chính công dân Việt Nam thành lập và điều hành.
Sau cuộc họp 'Diên Hồng' chưa từng có của Xã hội Dân sự, chắc chắn sẽ phải có thêm rất nhiều nỗ lực để hiện thực hóa giấc mơ về một công đoàn độc lập hoạt động hiệu quả và thực sự đại diện cho giới công nhân Việt Nam.
Cách đây 6 năm, một cô gái 23 tuổi đã biến những giấc mơ này thành hiện thực. Đỗ Thị Minh Hạnh và những người bạn của cô đã cho ra đời Phong Trào Lao Động Việt vào ngày 29/10/2008. Vào thời điểm bấy giờ, đây là một nỗ lực phi thường giữa lúc hiểm nguy ngặt nghèo.
Tuổi trẻ nhiệt huyết
Đỗ Thị Minh Hạnh sinh năm 1985 tại Di Linh, Lâm Đồng. Từ bé, những chuyến theo mẹ công tác trong Hội Chữ Thập Đỏ khiến Hạnh có những quan sát khác hẳn với bạn bè cùng lứa tuổi, trong cô bé Hạnh luôn tràn ngập tình yêu thương và mong muốn giúp đỡ mọi người.
Bác Minh - mẹ Hạnh cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào khi chứng kiến sự trưởng thành của con gái út. Thế nhưng, một biến cố lớn đã ập đến gia đình vào năm 18 tuổi, Hạnh bị công an bắt vì một tội danh mang tên 'phản động'. Những đợt khủng bố liên tiếp của CA nhắm vào bà mẹ thương con khiến bác Minh nhiều lần gục ngã vì sợ con gái bị bỏ tù.
Thương mẹ, Hạnh hứa sẽ chuyên tâm lo học hành. Dù vậy, nhiều đêm nước mắt cô chảy dài, hình ảnh những dân oan kêu cứu vô vọng giữa dòng xe tấp nập Sài Gòn khiến Hạnh không thể ngồi yên.
Một ngày, khi không còn nước mắt để khóc, Hạnh bắt đầu hành động. Cô âm thầm đến hỗ trợ người dân mất đất và công nhân bị bóc lột.
Thời gian này, Hạnh vẫn phải vừa học vừa làm, nhờ vậy có nhiều cơ hội tiếp xúc với giới công nhân và hiểu thêm về tình cảnh bi đát của họ. Hạnh bắt đầu ấp ủ giấc mơ giúp công nhân tạo nên sự thay đổi và có đủ khả năng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Năm 2008, phong trào dân chủ Việt Nam bị đàn áp khốc liệt, hàng chục nhà hoạt động bị bỏ tù. Đỗ Thị Minh Hạnh đi đến một quyết định lớn trong cuộc đời: từ bỏ một công việc lương cao và tạm rời xa ghế nhà trường, cô muốn dành toàn bộ thời và công sức để dấn thân bảo vệ quyền lợi người lao động.
Vì thời gian có hạn, chúng tôi xin tạm ngưng nơi đây, Mời quý thính giả đón nghe phần tiếp theo của lọat bài "Giấc Mơ Của Hạnh" vào chương trình ngày mai.
Trọng

No comments:

Post a Comment