Sunday, May 4, 2014

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 04.05.2014    
Để nhớ lại các sự kiện quan trọng diễn ra trong 7 ngày qua, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "VN Tuần Qua" với Hoàng Ân và phóng viên Trường An. Xin mời Chị Hoàng Ân.
Hoàng Ân: Thưa anh Trường An, Xin anh cho biết một số sự kiện thời sự trong nước nổi bật tuần qua để gửi tới quý thính giả của đài DLSN?
Trường An: Xin chào quý thính giả đài ĐLSN! Xin chào chị Hoàng Ân !
Theo tôi tuần qua có thể phải nói đến 4 sự kiện nổi bật nhất sau đây:
1. Dân oan Miền Nam xuống đường đả đảo cộng sản nhân ngày quốc hận 30/4.
2. Người dân trong nước phẫn nộ trước việc công an, côn đồ hành hung nông dân Dương Nội
3. Dư luận chấn động về vụ công an Sài Gòn cướp vàng của người dân.
4. Tổ chức ký giả Quốc tế vinh danh 3 nhà đấu tranh Việt Nam.
Hoàng Ân: Ngay trong phần đầu của buổi nói chuyện ngày hôm nay, anh có nói đến việc dân oan Miền Nam xuống đường đả đảo chế độ cộng sản nhân ngày quốc hận 30 tháng 4. Anh có thể nói rõ hơn về sự việc này cho quý thính giả của đài DLSN cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả! Không thể chịu đựng được cảnh sống lầm than, rất nhiều dân oan Miền Nam đã thắt khăn tang và xuống đường ở Sài Gòn để phản đối chế độ cộng sản đã cướp nhà cửa và ruộng đất của họ.
Theo ghi nhận của tôi, một số biểu ngữ táo bạo đã được các dân oan này căng lên, có những nội dung như "30/4, dân Việt mất quyền con người" hoặc "30/4, ngày uất hận của dân oan miền Nam".
Thưa chị, có một chi tiết làm tôi rất chú ý đó là nhiều dân oan thắt khan tang và mặc áo có hàng chữ "30/4: Ngày tang của dân tộc".
Được biết, cuộc biểu tình này là do Phong trào Liên đới Dân oan Tranh đấu tổ chức, và ngay lập tức bị lực lượng công an, côn đồ ra tay đàn áp khốc liệt, với hàng chục người bị bắt mang đi và nhiều phụ nữ bị đánh đập một cách dã man. Theo Chị Trần Ngọc Anh, một phụ nữ đấu tranh cho giới dân oan miền Nam từ mấy năm qua cho biết, trong khi chị đang quay cảnh cô Hồ Giang Mỹ Lệ bị lũ công an quật ngã trên đường thì bị bọn chúng lao đến đánh tới tấp.
Trong một diễn biến khác thì suốt mấy ngày qua, người dân Dương Nội tiếp tục biểu tình ở Hà Nội để đòi lại ruộng đất và trả tự do cho những thân nhân bị bắt trong vụ cưỡng chế hôm 25/4 vừa qua.
Hoàng Ân: Anh vừa nhắc đến việc nông dân Dương Nội biểu tình ở Hà Nội để đòi lại đất và trả tự do cho những người bị bắt hôm 25/4 vừa qua. Trong vụ cưỡng chế đất bất hợp pháp đó, nhà cầm quyền địa phương đã đàn áp người dân một cách dã man khiến cho dư luận trong nước vô cùng phẫn nộ. Anh có ghi nhận về vụ việc này như thế nào?
Trường An: Đúng vậy, sau khi một đoạn video ngắn được tung lên mạng đã gây căm phẫn trong dư luận trước cảnh công an côn đồ đánh đập dã man các nông dân Dương Nội trong vụ cưỡng chế đất đai vào hôm 25/4 vừa qua.
Các hình ảnh quay trực tiếp cho thấy một người đàn ông lớn tuổi tên là Trịnh Bá Khiêm bị lũ công an và côn đồ đánh đập một cách rất dã man. Cánh đồng Dương Nội tràn ngập tiếng hô hào đuổi đánh và tiếng khóc lóc cầu cứu của người dân. Một phụ nữ đã quỳ lạy hô tô "đảng ơi, bác ơi, cứu lấy dân" nhưng vẫn bị đánh đập một cách tàn bạo.
Như chúng ta đều biết, nhà cầm quyền Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế cánh đồng Dương Nội suốt mấy năm qua, nhưng gặp phải sức chống đối mạnh mẽ của người dân. Đến hôm 25/4 vừa qua, một lực lượng cưỡng chế hùng hậu, gồm cả ngàn công an chìm nổi và côn đồ, đã được huy động để đàn áp các gia đình kiên quyết bám trụ trên mảnh đất của mình. Được biết, đoạn phim nói trên là do bà Cấn Thị Thêu trực tiếp quay được trước khi bị công an vây đánh và bắt giữ. Bà Thêu được xem là một trong những người cầm đầu cuộc kháng cự cưỡng chế, vì thế nhà cầm quyền phường Dương Nội đã ra lệnh cho công an bằng mọi giá phải bắt nhốt bà.
Hoàng Ân: Thế còn vụ công an Sài Gòn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cướp vàng của người dân thì sao thưa anh?
Trường An: Dạ vâng! Nhiều tiệm vàng tại Sài Gòn đã bất ngờ đóng cửa sau khi dư luận ồn ào về vụ công an Sài Gòn ngang nhiên tịch thu toàn bộ ngoại tệ và hơn 559 lượng vàng tại một cửa tiệm thuộc quận Bình Thạnh vào tuần qua.
Được biết, vụ việc diễn ra khi công an nhận được mật báo là có một người khách đến tiệm vàng Hoàng Mai để đối 100 Mỹ kim sang tiền Việt. Sau khi ập vào tiệm này, nhóm công an tịch thu toàn bộ 14 ngàn Mỹ kim và 559 lượng vàng tìm thấy trong tủ.
Nhưng theo ghi nhận của nhiều người dân có mặt tại đó cho biết, rất có thể tiệm vàng này đã bị lực lượng công an gài bẫy bởi khi có người thanh niên vào đổi tờ 100 Mỹ kim thì ngay sau đó lực lượng công an đã ập vào lập biên bản, khám nhà và tịch thu toàn bộ tiền và vàng của cửa tiệm này.
Khi được chủ tiệm yêu cầu xuất trình giấy tờ thì lực lượng công an lại đưa ra công văn, khám nhà từ ngày hôm trước khiến cho người dân càng sửng sốt và khẳng định đây là một hành vi cướp bóc trắng trợn của lực lượng công an. Trước phản đối của dư luận và người dân trong nước, công an quận Bình Thạnh đã trả lại toàn bộ tài sản nói trên cho chủ nhân tiệm vàng này.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực khác, trong tuần vừa qua, Tổ chức phóng viên không biên giới đã công bố và vinh danh 3 người Việt Nam là những anh hùng thông tin. Xin anh trình bày lại sự kiện này cho quý thính giả của đài cùng nghe?
Trường An: Tổ chức Phóng viên Không biên giới vào hôm qua đã công bố danh sách "100 người hùng thông tin", trong đó có 3 nhà báo lề dân rất nổi tiếng trong giới đấu tranh tại VN là Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và Linh mục Lê Ngọc Thanh.
Đây cũng là lần đầu tiên mà tổ chức ký giả quốc tế này lập danh sách những "người hùng" trong thời đại thông tin toàn cầu, nhân dịp thế giới sắp tổ chức ngày Tự do Báo chí vào ngày 3/5 tới đây. Giải thích về danh sách này, tổ chức Phóng viên Không biên giới nói rằng, bằng tấm lòng can đảm cao độ, 100 nhà báo này đã phát huy quyền tự do báo chí được ghi nhận trong điều 19 của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bất chấp mọi nguy hiểm đối với sinh mạng của mình.
Hoàng Ân: Anh có thể nói rõ hơn về 3 người hùng của Việt Nam được không?
Trường An: Dạ thưa chị! Nhà báo anh hùng là Phạm Chí Dũng, một cựu sĩ quan bộ đội bị bắt giam vào năm 2012 vì những bài viết tố cáo tham nhũng và những yếu kém của nhà nước VN. Người hùng thứ nhì là nhà báo Trương Duy Nhất, một người từ bỏ làm báo lề đảng để chuyển sang làm báo lề dân và vừa bị kết án 2 năm tù vì các bài viết mà bạo quyền gọi là "bôi nhọ đảng và nhà nước". Người thứ ba là Linh mục Lê Ngọc Thanh thuộc cơ quan Truyền thông Dòng chúa Cứu thế, bị bắt giữ nhiều lần vì các hoạt động xã hội của ông.
Hoàng Ân: Cám ơn anh Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment