Saturday, May 31, 2014

Thái sư Trần Thủ Độ

Thứ Bảy 31.05.2014   
Kính thưa quý thính giả, Nhà Trần được sáng lập, tiếp nối 225 năm trị vì của nhà Lý, là nhờ công trạng của một người. Người này cũng là nguyên soái chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần đầu tiên vào năm 1258. Ông được nổi tiếng qua câu nói đầy khí phách: "Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo" khi vua Trần muốn đầu hàng quân giặc để tránh cảnh thảm sát của vó ngựa Mông Cổ. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thái sư Trần Thủ Độ" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
***
Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) tại làng Lưu Xá, phủ Ngự Thiên (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Từ đầu thế kỷ 13, do có công dẹp loạn Quách Bốc nên dòng họ Trần, đứng đầu là Trần Tự Khánh (anh họ của Trần Thủ Độ), đã nắm quyền thao túng triều đình nhà Lý.
Năm 1223, sau khi Trần Tự Khánh chết, Trần Thủ Độ thực sự là người thay thế nắm quyền bính trong triều. Năm 1224, Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền Chỉ huy sứ, tức chức vụ thống lãnh toàn quân Đại Việt.
Chị họ của ông là Trần Thị Dung, hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, chỉ hạ sinh hai công chúa, một trong hai người là công chúa Chiêu Thánh. Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông lên làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi vua lại cho công chúa Chiêu Thánh, lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới vừa 7 tuổi. Sau đó Trần Thủ Độ đưa người con trai 8 tuổi của Trần Thừa là Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông) vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng, sau đó Chiêu Hoàng nhường ngôi để chuyển sang nhà Trần vào cuối năm 1225.
Do có công khai sáng nhà Trần, Trần Thủ Độ được phong là Thống quốc Thái sư, lo toan mọi việc trong triều đình. Và để củng cố quyền lực cho nhà Trần, ông đánh dẹp các sứ quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng bên ngoài, sắp xếp quan lại trong triều đình, nắm quyền lãnh đạo đất nước suốt 36 năm sau đó.
Theo sử sách thì mặc dù không đỗ đạt khoa cử nhưng Trần Thủ Độ mưu lược hơn người, không chỉ là quyền thần nhà Lý mà còn là trụ thần của nhà Trần. Đối với dân tộc Đại Việt, ông có công rất lớn trong việc giúp nhà Trần dẹp được giặc giã trong nước, đưa nước Đại Việt cường thịnh trở lại sau thời kỳ suy yếu vào cuối đời nhà Lý, tạo nền tảng cho sức mạnh chống ngoại xâm phương Bắc.
Trần Thủ Độ làm quan rất liêm minh và câu nói của ông với vua Trần Thái Tông, khi quân Mông Cổ đưa đại quân sang xâm lăng Đại Việt, đã trở thành bất hủ trong lịch sử: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo".
Và quả nhiên, dưới sự thống lĩnh của ông, dân quân Đại Việt đã đánh bại cuộc tấn công lần đầu tiên của quân Nguyên - Mông vào năm 1258.
Tháng Giêng năm Giáp Tý (1264), Thái sư Trần Thủ Độ từ trần, thọ 70 tuổi. Ngay khi còn sống, ông là người duy nhất được chính vua Trần lập đền thờ. Khi mất, ông được triều đình truy phong chức Thượng Phụ Thái Sư, tước Trung Vũ Đại Vương. Lăng miếu ông được xây ở thôn Phù Ngự, xã Khuông Phù, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
* * *
Trần Thủ Độ là người có công khai sinh ra triều Trần, nhưng cũng bị không ít sử gia phê phán vì chủ trương tận diệt tôn thất nhà Lý "nhổ cỏ tận gốc" của ông. Thế nhưng, chính ông là người có công lớn nhất khi đưa Đại Việt trở lại thời kỳ thái bình thịnh trị của thời Lý ban đầu, và đã đào tạo ra các thế hệ danh tướng sau này như Trần Quốc Tuấn, Trấn Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư...v.v.
Nếu không có quyết tâm chống lại quân Mông Cổ của ông, đất nước Đại Việt đã bị Hốt Tất Liệt nuốt chửng và không có hai cuộc chiến thắng vĩ đại sau này.
Câu nói đầy khí phách của ông khi ngăn cản ý định đầu hàng của triều đình nhà Trần đã thể hiện trọn vẹn truyền thống bất khuất của nòi giống Tiên Rồng trong giờ phút sinh tử của đất nước. Chính khí phách ấy của ông đã dẫn đến những câu nói lừng lẫy khác trong hai cuộc chiến giữ nước sau đó. Đó là câu tuyên bố "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc" của Trần Bình Trọng khi quân giặc chiêu hàng. Và câu "Bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu thần trước" của đức Trần Hưng Đạo khi Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông "muốn đầu hàng để cứu lấy muôn dân" trước khí thế hùng mạnh của đế quốc Nguyên Mông.
Trong bài Bình Ngô Đại Cáo, văn thần Nguyễn Trãi viết: "Đất nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng hào kiệt thời nào cũng có". Đúng như thế! Trong những giờ phút lâm nguy của đất nước, dân tộc Việt đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt đứng lên cứu lấy muôn dân. Họ chấp nhận hy sinh thân mình để chận đứng bước tiến của giặc phương Bắc và giữ vững nền độc lập cho nước nhà.
Và bây giờ, trong tình thế "sơn hà nguy biến" hiện nay, nhiều tiếng nói mang khí phách Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn cũng đang vang vọng khắp nơi trong nước. Thế nhưng, cả tập đoàn CSVN lại muốn dập tắt khí thế đó qua lệnh cấm người dân biểu tình. Tệ hơn thế nữa, họ đang muốn "hàng hơn là chiến", qua những lời tuyên bố vừa rụt rè vừa sợ hãi trước khí thế hung hăng của quân Tàu xâm lược.
Một tập đoàn lãnh đạo "hèn với giặc, ác với dân" như thế, nhưng vẫn ra rả tự xưng mình "quang vinh muôn năm", thì từ điển VN thật sự không còn ngôn từ nào để có thể mô tả toàn bộ sự trơ tráo và vô liêm sỉ của những kẻ đang bôi bẩn thanh danh các bậc tiền nhân như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn và Trần Bình Trọng!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment